Bội thực "hoa hậu ao làng", trục lợi kinh doanh béo bở: Hệ lụy đến từ đâu?

Phương Nhung

(Dân trí) - "Việc tạo ra các cuộc thi để trục lợi, thậm chí là hình thành trào lưu sính danh hiệu sắc đẹp để từ đó gây ra những hệ lụy khác cho xã hội là điều hết sức đáng lên án", PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc trò chuyện với PV Dân trí xoay quanh câu chuyện bùng nổ các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam.

Bội thực hoa hậu ao làng, trục lợi kinh doanh béo bở: Hệ lụy đến từ đâu? - 1

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).

"Hiện tượng "kinh doanh nhan sắc" đang diễn ra khá trầm trọng"

Theo một thống kê, chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay đã có gần 20 cuộc thi sắc đẹp quy mô toàn quốc được tổ chức, chưa tính các cuộc thi cấp tỉnh, thành. Quá nhiều cuộc thi sắc đẹp được công bố gần đây khiến không ít người than phiền họ không thể nhớ nổi tên các cuộc thi, thậm chí tên của những người đẹp đăng quang. Có ý kiến cho rằng, chúng ta chỉ nên gói gọn mỗi năm từ 2-3 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần có những cuộc thi để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, để họ trở thành những tấm gương cả về vẻ đẹp hình thể và tâm hồn, tri thức cho xã hội.

Tuy nhiên, các cuộc thi ấy cần phải có mục đích rõ ràng, được tổ chức chuyên nghiệp. Như thế, số lượng cần đủ ít để chúng ta chọn lựa được biểu tượng cho sắc đẹp, tránh tình trạng có quá nhiều, làm ảnh hưởng đến thương hiệu sắc đẹp của phụ nữ.

Nhiều người ví von "cứ 2m2 có một hoa hậu", thậm chí chuyện ra ngõ "đụng" hoa hậu, á hậu… không còn hiếm gặp. Điều đáng nói là dù mang tên gọi khác nhau nhưng các cuộc thi này gần như không có nhiều khác biệt. Thậm chí không ít cuộc thi quảng cáo "tầm châu lục", "quốc gia" nhưng chất lượng lại ao làng, còn các người đẹp thì cũng đầy những lùm xùm, tai tiếng. Theo ông, hoa hậu chỉ cần đẹp thôi liệu có đủ?

- Một xã hội quan tâm đến nhan sắc thì cũng không có gì sai nhưng việc tạo ra các cuộc thi để trục lợi, tạo ra sự theo đuổi vẻ đẹp hình thể hào nhoáng, giả tạo, thậm chí là hình thành cả một trào lưu sính danh hiệu sắc đẹp để từ đó gây ra những hệ lụy khác cho xã hội là điều hết sức đáng lên án.

Tôi nghĩ rằng, một người phụ nữ đẹp vì nhiều lý do, không nhất thiết phải cần có một chứng nhận từ một cuộc thi nào đó. Tiêu chuẩn phụ nữ công - dung - ngôn - hạnh được cha ông ta đúc kết từ xưa đến nay vẫn có nhiều nội dung phù hợp với xã hội hiện đại.

Bội thực hoa hậu ao làng, trục lợi kinh doanh béo bở: Hệ lụy đến từ đâu? - 2

"Chúng ta cần có những cuộc thi để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, để họ trở thành những tấm gương cả về vẻ đẹp hình thể và tâm hồn, tri thức cho xã hội. Tuy nhiên, các cuộc thi ấy cần phải có mục đích rõ ràng, được tổ chức chuyên nghiệp", PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ (Ảnh: Anh Tú).

Ông nghĩ có hay không hiện tượng thi sắc đẹp đang trở thành ngành… kinh doanh béo bở, và lỗi này do đâu?

- Tôi nghĩ là có hiện tượng "kinh doanh nhan sắc" đang diễn ra khá trầm trọng trong các cuộc thi sắc đẹp. Điều này có lý do từ nền kinh tế thị trường, mà sắc đẹp, xét ở một khía cạnh nào đó, cũng là một thứ hàng hóa đặc biệt.

Đây không chỉ đúng với việc một người đẹp, sau khi đạt giải, sẽ có thương hiệu riêng cho mình, mà còn đúng với việc, tổ chức cuộc thi sắc đẹp nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, thực sự là một nhu cầu xã hội.

Các công ty tổ chức sự kiện nhận ra nhu cầu có thực này để tạo ra lợi nhuận cho chính mình từ những tài trợ của các nhãn hàng nổi tiếng, hay thậm chí từ chính những người đăng ký đi thi sắc đẹp.

Những lùm xùm vừa qua liên quan đến một số cuộc thi sắc đẹp cho chúng ta thấy, bản chất lợi ích từ chính việc tổ chức các sự kiện này. Chúng ta cũng không thể bỏ qua nguyên nhân của việc buông lỏng quản lý ở các địa phương.

Tôi nghĩ, nhiều địa phương có thể coi nhẹ việc tổ chức sự kiện thi sắc đẹp, cho rằng, đây là một cuộc thi không ảnh hưởng nhiều đến chính trị, pháp luật, lại giúp quảng bá hình ảnh địa phương nên không quan tâm sát sao, dẫn đến những hệ lụy mà chúng ta đã thấy.

"Nâng cấp Nghị định 144 thành luật để mang tính chế tài mạnh mẽ hơn"

Tháng 6 vừa qua, đơn vị tổ chức Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 đã bị Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng phạt 20 triệu đồng do hành vi tổ chức cuộc thi không đúng với đề án được cấp phép, có sự thay đổi về Ban Giám khảo, Ban Tổ chức nhưng không thông báo đến cơ quan chức năng. Thậm chí, cuộc thi này còn có tới 6 á hậu. Đây chỉ là một trong những câu chuyện nhức nhối về thi hoa hậu. Làm thế nào để tránh tái diễn những câu chuyện tương tự như vậy, thưa ông?

- Tôi cho rằng, việc xử phạt nghiêm khắc các sai phạm trong các cuộc thi sắc đẹp là cần thiết để chúng ta xây dựng một môi trường lành mạnh cho hoạt động này. Nhận thức của xã hội vì thế cũng sẽ có những chuyển biến.

Quy định của các cơ quan quản lý sẽ dễ nhận được sự đồng thuận của xã hội khi các hành vi vi phạm bị xử lý nghiêm minh. Đó cũng là một trong những cách chúng ta tránh tái diễn các câu chuyện tương tự.

Bội thực hoa hậu ao làng, trục lợi kinh doanh béo bở: Hệ lụy đến từ đâu? - 3

Cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 có tới 6 á hậu, đã bị phạt 20 triệu đồng do hành vi tổ chức cuộc thi không đúng với đề án được cấp phép (Ảnh: Ban Tổ chức).

Sự cởi trói về quy định tổ chức các cuộc thi nhan sắc của Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ (Không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Đặc biệt các cuộc thi thay vì phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nay chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh, thành phố) làm dấy lên lo ngại, tình trạng "loạn" hoa hậu tái diễn? Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Hiện nay, xu thế quản lý trên thế giới và cả ở nước ta là tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm; phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, chính vì vậy, các quy định quản lý văn hóa cũng cần hướng đến các xu hướng này. Nghị định số 144/2020/NÐ-CP đã thể hiện đúng xu hướng chung trong quản lý văn hóa của thế giới. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định chắc sẽ cần thời gian để có thể điều tiết tốt các hành vi, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong thực tiễn đời sống.

Rõ ràng, hoạt động nghệ thuật biểu diễn nói chung, các cuộc thi sắc đẹp nói riêng hiện nay đang có những lộn xộn nhất định. Điều này là bởi nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và nhận thức chưa đúng về danh hiệu người đẹp.

Trong nền kinh tế thị trường, việc tổ chức một sự kiện nào đó, cuộc thi sắc đẹp cũng vậy, phần nhiều là vì mục đích lợi nhuận, đi theo quy luật cung - cầu. Khi tổ chức thi sắc đẹp nhưng bị lợi ích kinh tế chi phối sẽ dễ dẫn đến việc các công ty tổ chức sự kiện muốn có một cuộc thi hoành tráng, được cấp phép bởi cấp càng cao càng tốt, quy mô quốc gia, quốc tế càng tốt, với các tên gọi càng hấp dẫn càng tốt, để thu hút sự quan tâm của nhiều người và dễ xin tài trợ.

Yếu tố chuyên môn cũng quan trọng nhưng nhiều khi bị xếp ở vị trí thứ yếu. Khi đó, nhiều cuộc thi sắc đẹp không chỉ có ý nghĩa tôn vinh sắc đẹp đơn thuần, mà còn là một sự kiện sinh lợi nhuận.

Vì thế, chúng ta thấy có nhiều cuộc thi sắc đẹp hơn, và cũng có nhiều lùm xùm sau những cuộc thi ấy. Ngành văn hóa muốn tránh mình trở thành công cụ để các công ty sự kiện lợi dụng, tạo ra những cuộc thi sắc đẹp nhưng không hoàn toàn tôn vinh sắc đẹp, mà lại là vì mục tiêu lợi nhuận, nên đã có các quy định phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của các địa phương, đơn vị tổ chức.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy rằng, trên thế giới, các cuộc thi sắc đẹp thường do các công ty tổ chức sự kiện đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm cho thương hiệu của mình.

Ví dụ như một trong những cuộc thi lớn nhất là Hoa hậu Thế giới (Miss World) là do Tổ chức Hoa hậu Thế giới - một công ty tư nhân ở Anh đứng ra tổ chức. Các cuộc thi khác như Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Quốc tế (Miss International), Hoa hậu Hòa bình Quốc tế (Miss Grand International)... cũng tương tự như vậy. Hàng năm có hàng ngàn cuộc thi như vậy trên khắp thế giới.

Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, vì nhiều lý do dẫn đến tình trạng loạn cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam, chứ không phải đến từ mức độ thông thoáng của Nghị định 144.

Mong muốn của Nghị định 144 đơn giản chỉ là đưa các cuộc thi sắc đẹp trở về đúng vị trí của nó và phù hợp với thông lệ quốc tế. Như vậy, để tránh tình trạng loạn danh hiệu sắc đẹp, ngoài việc trả lại vị trí vốn có cho danh hiệu này, nhận thức xã hội cần có sự thay đổi, và chế tài xử phạt cũng như các quy định liên quan khác cần tạo điều kiện để các cuộc thi sắc đẹp không bị lợi dụng cho các mục đích khác.

Ông có kiến nghị gì để siết chặt công tác quản lý thi hoa hậu, nhan sắc, trả lại những cuộc thi nhan sắc lành mạnh?

- Các cuộc thi sắc đẹp là một hiện tượng xã hội, vì thế, để quản lý cần có những giải pháp mang tính tổng thể, không chỉ đến từ ngành văn hóa. Đầu tiên, chúng ta cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của các cuộc thi sắc đẹp, để tránh những ngộ nhận, hiểu lầm về giá trị của cuộc thi này.

Tiếp theo, chúng ta đã có các quy định xử phạt thì cần phải tiến hành xử phạt nghiêm khắc, mang tính chất làm gương để trở thành bài học cho các công ty tổ chức sự kiện.

Những hoa hậu, hoa khôi cần phải có ý thức đúng đắn về trách nhiệm xã hội của mình để tránh việc tạo ra những sự cố trong dư luận xã hội, và chúng ta cũng có thể nâng cấp Nghị định 144 thành luật để có thể mang tính chế tài mạnh mẽ hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm