Tâm điểm
Việt Đức

Học đại học để làm gì?

Khoảng một triệu thí sinh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT - một trong những kỳ thi quan trọng nhất ở lứa tuổi vào đời. Vài tháng nữa, nhiều bạn sẽ đón nhận tin vui và bước vào chặng đường đại học, cũng như tôi hơn 8 năm trước. 

Tôi thi đậu vào Đại học Ngoại thương tại TPHCM năm 2014. Đó là năm cuối cùng kỳ thi đại học được tổ chức riêng với thi tốt nghiệp THPT, trước khi hai kỳ thi được gộp chung làm một như hiện nay.

Có học lực tốt nhưng không muốn làm bác sĩ hay kỹ sư nên tôi chọn một trường kinh tế top đầu để thi vào. Còn việc chọn chuyên ngành của tôi cũng xuất phát từ lý do đơn giản. Cơ sở của Đại học Ngoại thương ở TPHCM lúc đó chỉ có 3 ngành. Tôi không thấy hứng thú với các thuật ngữ kinh tế đối ngoại hay tài chính nên chọn ngành còn lại là quản trị kinh doanh quốc tế.

Ở tuổi 18, tôi lựa chọn ngành học cho mình với suy nghĩ đơn giản như vậy. Nhiều bạn bè tôi cũng thế.

Một trong những người bạn cùng lớp của tôi bỏ dở trường Bách khoa sau khi nhận ra không phù hợp, rồi thi lại vào Ngoại thương. Học kinh tế chưa đầy hai năm, bạn cũng bỏ nốt và cuối cùng trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh.

Một người bạn cùng lớp cấp 3 và học cùng đại học với tôi làm việc trong lĩnh vực marketing sau khi ra trường. Sau khoảng một năm, bạn bỏ việc, tự học lập trình và bây giờ chuyển hẳn sang làm lập trình viên. 

Và còn nhiều bạn bè của tôi từng đạt điểm cao trong các kỳ thi vấn đáp về xuất nhập khẩu, từng thuộc làu làu quy tắc xuất xứ hàng hóa, chính sách thương mại quốc tế, hợp đồng vận tải giờ đang làm kỹ sư dữ liệu, phát triển ứng dụng, thiết kế trải nghiệm người dùng hay huấn luyện viên yoga. Bản thân tôi cũng chuyển sang theo đuổi nghề báo sau một thời gian ngắn làm nghiên cứu thị trường.

Học đại học để làm gì? - 1

Niềm vui của thí sinh tại điểm thi trường THPT Trưng Vương, quận 1, TPHCM khi kết thúc môn thi tiếng Anh, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Tôi muốn kể vài ví dụ trên để chứng tỏ xác suất một học sinh 18 tuổi chọn trường đại học hay một ngành học rồi nhận ra nó không hoàn toàn phù hợp với bản thân là không hề nhỏ. Kể cả sau khi ra trường và đã đi làm một thời gian, nhiều bạn bè của tôi vẫn thay đổi hẳn ngành nghề làm việc không liên quan đến công việc cũ hay chuyên ngành được đào tạo chính quy ở bậc đại học.

Tất nhiên không phải tất cả, nhưng những sự "dịch chuyển" ngày càng phổ biến như vậy phần nào cho thấy xã hội, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, thị trường lao động thay đổi nhanh chóng và tạo ra nhiều cơ hội hơn. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề hot ở thời điểm hiện tại thật khó để hình dung vào thời điểm 5-10 năm trước, đơn cử như nghề lập trình viên với mức lương hấp dẫn. Tương tự, chắc chắn sẽ có những vị trí, công việc mới xuất hiện trong 5-10 năm tới mà bây giờ chúng ta vẫn chưa biết đến sự tồn tại của chúng.

Do đó, đại học vẫn là cấp học quan trọng trong việc đào tạo nhân lực chuyên sâu theo các ngành nghề trong xã hội, nhưng quan niệm học đại học để có một nghề rồi làm nghề đó suốt đời dường như đã không còn hoàn toàn phù hợp, hay nói cách khác chắc chắn hơn là không còn phù hợp với tất cả.

Ngày trước, bố mẹ hay nhắn nhủ tôi rằng "ráng tốt nghiệp đại học loại giỏi rồi kiếm một công việc ổn định". Tôi đã cố gắng, song trải qua thực tế thì với tất cả sự kính trọng bố mẹ mình, tôi thấy rằng nếu cứ theo đuổi sự "ổn định" một cách cứng nhắc thì sẽ nhanh chóng lỗi thời, hơn nữa không thể nào theo đuổi được công việc mà mình thực sự yêu thích và có khả năng nhất.

Trong nghề báo, khoảng 5-10 năm trở lại đây, báo điện tử đã thay thế thói quen đọc báo giấy của đa số độc giả. Tình hình tương tự diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác. Người lao động dù đang làm việc trong lĩnh vực nào có lẽ cũng ít nhiều cảm thấy áp lực đổi mới sáng tạo, học hỏi những kỹ năng mới cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ. 

Ngay từ những năm giữa thế kỷ 20, cố giáo sư Charles Sidney Burwell của trường Harvard đã nói rằng: "50% những gì chúng tôi dạy bạn sẽ không còn đúng trong tương lai. Vấn đề là chúng tôi không biết đó là 50% nào".

Nếu chỉ tập trung vào kiến thức, sinh viên có thể thấy 4 năm đại học là thừa với nhiều môn đại cương, nhiều lý thuyết khó ứng dụng vào công việc thực tế. Hơn thế nữa, với mạng internet, ngày nay mỗi người có thể dễ dàng hoàn thành các khóa học ngắn hạn tập trung vào những kỹ năng hợp thời, phục vụ được ngay cho công việc.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi muốn chia sẻ với các bạn sinh viên rằng, đại học không chỉ là môi trường để tiếp thu kiến thức bậc cao so với thời phổ thông, mà quan trọng hơn là môi trường để rèn luyện tư duy độc lập, tinh thần đổi mới, sáng tạo. "Học để biết cách học quan trọng hơn công nghệ và kiến thức" là một trong những triết lý tôi tâm đắc sau khi được nghe chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành chia sẻ trong một khóa học do Viện Đào tạo Lãnh đạo trẻ ABG tổ chức. 

Thay vì chỉ đến giảng đường nghe giảng trong tâm thế người học, đi theo các giáo trình có sẵn vốn khó theo kịp các xu hướng mới, sinh viên nên trở thành người đồng kiến tạo chương trình học với giảng viên. Với mỗi đề bài được giảng viên đưa ra, sinh viên không nên chỉ dừng ở việc giải được là xong mà nên tự hỏi có cách làm nào hiệu quả hơn, tốt hơn hay không, tự đặt ra những đề bài liên quan có tính thực tế, thời sự và làm việc với bạn bè, các giảng viên.

Nghề báo dạy cho tôi hai điều quan trọng là hãy biết hoài nghi trước mọi thứ và phải đặt càng nhiều câu hỏi vì sao càng tốt chứ không chỉ dừng ở việc trả lời ai, ở đâu, làm gì, khi nào, làm thế nào. Theo tôi, đó cũng là hai nguyên tắc quan trọng để có thể tự học, tự tư duy trong một thế giới thay đổi nhanh như hôm nay.

Đừng chỉ chờ đợi trường học hay thầy cô sẽ thay đổi nhanh, thích nghi với các công nghệ, xu hướng mới mà chính người học hãy làm điều đó trước. Khi một người học có tư duy độc lập, tinh thần đổi mới sáng tạo, khả năng tự học, tôi tin họ có thể dễ dàng thích ứng, thành công dù xuất phát từ chuyên ngành nào, làm công việc gì, xã hội thay đổi nhanh đến đâu.

Tác giả: Việt Đức tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế của Đại học Ngoại thương tại TPHCM, bắt đầu làm báo năm 2018 và gia nhập Dân trí năm 2021. Lĩnh vực Việt Đức đang theo dõi gồm kinh tế, tài chính, chứng khoán.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!