Người dân có thể "bán" hình ảnh vi phạm giao thông cho công an?
(Dân trí) - Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông mới đây đề xuất về cơ chế trả tiền cho người dân để mua lại các hình ảnh, video vi phạm giao thông để xử phạt nguội đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Bạn đọc Dân trí thắc mắc, thông tin này có thể hiểu là nếu người dân quay được video vi phạm giao thông và nộp cho Cảnh sát giao thông thì sẽ được trả tiền? Người dân có thể giao nộp các video này ở đâu? Mức tiền mà người ghi hình được hưởng?
Trả lời:
Quay video về vi phạm giao thông nộp cho công an có được trả tiền?
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết, hiện nay, chưa có văn bản nào quy định chế độ với những người quay video về vi phạm giao thông để nộp cho Cảnh sát giao thông để được nhận tiền.
Vấn đề này mới được thông tin tại buổi phỏng vấn trực tuyến về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục Cảnh sát Giao thông. Và đây mới chỉ là đề xuất, chưa được thông qua.
Theo đề xuất này, người dân có thể gửi clip tự quay hay dùng dữ liệu của camera hành trình trên xe của mình để gửi tới Cục Cảnh sát Giao thông. Cơ quan này sẽ có cổng thông tin tiếp nhận toàn bộ các thông tin đó để xác minh và xử lý.
Đại tá Bình cho biết, ở nhiều quốc gia phát triển (như Mỹ, Hàn Quốc), người dân đã thành văn hóa ghi hình vi phạm và gửi cho nhà chức trách. Có người chuyên săn đỗ xe trái phép để gửi cho công an. Nếu xử phạt được người vi phạm thì người ghi hình sẽ được trả một phần trong số tiền đó.
Nhưng quan trọng nhất là phải xác minh tính chính xác. Vì thế, Bộ sẽ xây dựng phần mềm quét video để xem clip có cắt ghép, chỉnh sửa không. Mọi thao tác đều được số hóa và kiểm tra rất nhanh.
Tuy nhiên tại Điều 16 Nghị định 135/2021 của Chính phủ quy định: Dữ liệu do cá nhân, tổ chức thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cung cấp cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt bằng một trong các hình thức sau:
- Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền hoặc hiện trường xảy ra vụ việc để cung cấp;
- Thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng;
- Dịch vụ bưu chính;
- Kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, nguyên vẹn của dữ liệu đã cung cấp; có quyền được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác. Đồng thời, có quyền yêu cầu cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu đã cung cấp.
Điều 22 Nghị định 135 cũng nêu rõ, người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng kết quả thu thập được từ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, thiết bị đo tải trọng trục bánh toa xe, thiết bị ghi âm và ghi hình, hệ thống camera giám sát an ninh, điều hành giao thông, camera lắp trên phương tiện kinh doanh vận tải, thiết bị ghi tham số bay, hệ thống ghi dữ liệu tàu bay, hệ thống giám sát điều hành bay của tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, cảng hàng không, sân bay, điều hành bay, kinh doanh vận tải cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông.
Thiết bị ghi hình nào được sử dụng làm căn cứ xử phạt?
Hiện nay, tại Danh mục I Nghị định 135/2021 đã liệt kê danh sách các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, những thiết bị quay video vi phạm giao thông sau có thể được sử dụng làm căn cứ xử phạt:
- Thiết bị ghi âm và ghi hình.
- Thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình.
- Thiết bị trích xuất dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.
- Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự, điều hành giao thông.
- Máy vi tính, máy tính bảng lưu trữ kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Trong đó, dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
- Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật;
- Phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;
- Đáp ứng yêu cầu về thời hạn sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này (01 năm).
Dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp, nếu đáp ứng được yêu cầu trên thì được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Có ý kiến cho rằng, CSGT không cần phải bỏ tiền ra để mua video làm chứng cứ xử phạt nguội. Thay vào đó, chỉ cần xây dựng một cơ chế tiếp nhận qua địa chỉ zalo, email đường dây nóng... thì chắc chắn người dân sẽ chung tay cùng Nhà quản lý trong việc xử phạt nguội đối với những hành vi vi phạm về giao thông.
Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào? Hãy gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!