Tâm điểm
Hoàng Lam

Bức tử rừng, doanh nghiệp vẫn được... "nâng niu"!

Vào năm 2020, các cơ quan báo chí liên tục phản ánh dấu hiệu vi phạm của Công ty TNHH Duyên Hà. Cụ thể, trong quá trình khai thác vật liệu làm xi măng doanh nghiệp này đã khiến đất đá sạt lở, vùi lấp 32.000 m2 diện tích rừng phòng hộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Điệp (phường Tân Bình, TP Tam Điệp, Ninh Bình).

Cụ thể, theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Tam Điệp (Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình), diện tích rừng phòng hộ bị ảnh hưởng vùi lấp do Công ty TNHH Duyên Hà trong quá trình khai thác đá gây ra, kiểm tra đo đếm lần 1 ngày 12/10/2018 có diện tích là 19.808 m2 và lần 2 ngày 25/12/2019 là 12.574 m2. Điều đáng nói, ngay từ khi vụ việc vùi lấp rừng phòng hộ đầu tiên bị phát hiện, ngành chức năng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Duyên Hà gần 100 triệu đồng, tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, doanh nghiệp này lại tái diễn hành vi vi phạm của mình một cách ngang nhiên.

Kết luận thanh tra của Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đối với hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Duyên Hà vào năm 2020 cũng cho thấy doanh nghiệp này có nhiều vi phạm, trong đó có hành vi khai thác vượt mốc giới và vượt công suất được cho phép.

Sau khi vụ việc được phản ánh, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc kiểm tra làm rõ các hành vi, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các sai phạm của Công ty TNHH Duyên Hà; trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý.

Thế nhưng mới đây, khi báo chí tiếp tục phản ánh các sai phạm của Công ty TNHH Duyên Hà thì lãnh đạo tỉnh Ninh Bình thêm một lần nữa có ý kiến chỉ đạo về việc kiểm tra, làm rõ nội dung thông tin. Lúc này, dư luận mới ngã ngửa, thì ra, nội dung chỉ đạo xử lý các dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp này 2 năm trước đã không được thực hiện.

Dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này đã quá rõ ràng để có thể xem xét xử lý hình sự đối với hành vi "Hủy hoại rừng", thế nhưng không hiểu vì sao việc xử lý vi phạm của doanh nghiệp lại khó khăn đến thế, để mất 2 năm trời mọi việc vẫn "dậm chân tại chỗ".

Núi đất đá khổng lồ vùi lấp một diện tích lớn thuộc rừng phòng hộ chình ình như thế nhưng chẳng hiểu sao các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình lại không thấy và xử lý một cách triệt để?. Hay các cơ quan chức năng tỉnh này đã "phớt lờ" chỉ đạo của ông Phạm Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, nay là đương kim Chủ tịch tỉnh, từ năm 2020?

Phải chăng có một thế lực nào đó đã "che chắn" cho Công ty TNHH Duyên Hà, buộc các cơ quan hữu quan tỉnh Ninh Bình phải "làm ngơ" cho sai phạm của doanh nghiệp nên dù muốn xử lý cũng không thể xử lý được?.

Điều khó hiểu không kém là những dấu hiệu sai phạm của doanh nghiệp này đã rõ ràng, kéo dài từ năm 2018 đến 2019 nhưng năm 2020, tỉnh Ninh Bình vẫn có văn bản trình xin Bộ NN&PTNT cho chuyển 38,17 ha rừng tự nhiên để Công ty TNHH Duyên Hà khai thác mỏ đá vôi. Tất nhiên sự ưu ái này không được chấp nhận bởi đề nghị chuyển mục đích sử dụng diện tích đất rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ của  UBND tỉnh Ninh Bình để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi, là không đúng với quy định hiện hành.

Sai phạm của doanh nghiệp trong việc "bức tử" rừng phòng hộ cần phải được xem xét và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan khi để xảy ra sai phạm và chậm trễ trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm của doanh nghiệp cũng phải được xem xét.

Không thể để tái diễn tình trạng báo chí cứ việc phản ánh, địa phương cứ chỉ đạo kiểm tra, xử lý, còn doanh nghiệp thì vẫn bình chân như vại và môi trường bị tàn phá, rừng phòng hộ vẫn bị "bức tử" không thương xót. Cả triệu mét khối đất đá vùi lấp 32.000 m2 rừng phòng hộ không thể để "hóa bùn"!.