Ninh Bình "ưu ái" xin chuyển rừng cho "doanh nghiệp phá rừng"?
(Dân trí) - Công ty TNHH Duyên Hà từng phá 32.000m2 rừng phòng hộ. Khi sai phạm này chưa bị xử lý thì mới đây, Ninh Bình lại trình Bộ NN&PTNT xin chuyển 38ha rừng tự nhiên cho doanh nghiệp này khai thác mỏ.
Nhà máy xi măng Duyên Hà (thuộc Công ty TNHH Duyên Hà) trong quá trình khai thác đá nguyên liệu sản xuất xi măng ở phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã vùi lấp 32.382m2 rừng phòng hộ. Sự việc xảy ra vào tháng 10/2018 và tháng 12/2019.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Tam Điệp (Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình), diện tích rừng phòng hộ bị ảnh hưởng vùi lấp do Công ty TNHH Duyên Hà trong quá trình khai thác đá gây ra, kiểm tra đo đếm lần 1 ngày 12/10/2018 có diện tích là 19.808m2. Diện tích rừng bị vùi lấp đo đếm lần 2 ngày 25/12/2019 là 12.574m2. Tổng diện tích rừng bị vùi lấp sau 2 lần kiểm tra là 32.382m2.
Vào tháng 10/2018, khi phát hiện Công ty TNHH Duyên Hà vùi lấp hơn 19.800m2 rừng phòng hộ, UBND thành phố Tam Điệp đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này số tiền hơn 98 triệu đồng. Tuy nhiên, hơn 1 năm sau, Công ty TNHH Duyên Hà tiếp tục có hành vi vi phạm, tiếp tục khai thác đá, làm vùi lấp, tàn phá hơn 12.000m2 rừng phòng hộ.
Hành vi của Công ty TNHH Duyên Hà được xác định là cố tình hủy hoại, tàn phá rừng, vi phạm Nghị định số 35/2019/NÐ-CP, ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Trao đổi với PV Dân trí, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho biết, việc Công ty TNHH Duyên Hà tàn phá 32.000m2 rừng phòng hộ, theo Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "hủy hoại rừng".
Những sai phạm của Công ty TNHH Duyên Hà đã quá rõ ràng, cần phải xử lý trách nhiệm hình sự để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao, đến nay công ty này vẫn chưa bị xử lý. Không những thế, như Dân trí đã đưa tin, tỉnh Ninh Bình lại có phần "ưu ái" khi có tờ trình xin Bộ NN&PTNT cho chuyển 38ha rừng tự nhiên để doanh nghiệp này khai thác mỏ đá vôi.
Việc làm trên của lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình khiến dư luận hoài nghi về việc bao che cho các sai phạm "tày đình" của Công ty TNHH Duyên Hà. Bên cạnh đó dư luận cũng băn khoăn về sự "ưu ái" thái quá của tỉnh "giúp" doanh nghiệp phá tài nguyên rừng?
Trước đó như Dân trí đã phản ánh, mới đây Bộ NN&PTNN vừa có Công văn số 7944/BNN-TCLN gửi UBND tỉnh Ninh Bình về việc "chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình".
Bộ NN&PTNT nêu rõ, Bộ nhận được Tờ trình của UBND tỉnh Ninh Bình về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Duyên Hà và hồ sơ dự án kèm theo.
Sau khi xem xét, Bộ NN&PTNT cho rằng, tờ trình của tỉnh Ninh Bình đề nghị chuyển mục đích sử dụng 38,17 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi, là không đúng với quy định hiện hành.
Cụ thể, căn cứ vào các quy định hiện nay, Chính phủ quy định: "Không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản…".
"Do vậy, dự án không đúng với tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác theo quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ", Công văn của Bộ NN&PTNN gửi UBND tỉnh Ninh Bình nêu rõ.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu rõ: Người nào có hành vi hủy hoại rừng phòng hộ có diện tích từ trên 3.000m2 đến dưới 7.000m2 thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;
Hủy hoại rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000m2 đến dưới 10.000m2 thì bị phạt tù từ 03 đến 07 năm tù;
Hủy hoại rừng phòng hộ có diện tích 10.000 m2 trở lên sẽ bị phạt từ từ 07 đến 15 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Cũng theo Luật sư Cường, trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy từng trường hợp có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại khoản 5 Điều 243 BLHS.