1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ninh Bình:

Cần khởi tố hình sự doanh nghiệp tàn phá 32.000m2 rừng?

Thái Bá

(Dân trí) - Việc Công ty TNHH Duyên Hà tàn phá 32.000m2 rừng phòng hộ, theo Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “hủy hoại rừng”.

Ngang nhiên tàn phá rừng

Như Dân trí đã phản ánh, trong quá trình khai thác đá nguyên liệu sản xuất xi măng, Công ty TNHH Duyên Hà ở Tam Điệp, Ninh Bình đã vùi lấp 32.382m2 rừng phòng hộ. Sự việc xảy ra từ tháng 10/2018 và tháng 12/2019 nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm gây bức xúc trong dự luận.

Cần khởi tố hình sự doanh nghiệp tàn phá 32.000m2 rừng? - 1

Khu vực Công ty TNHH Duyên Hà tàn phá hơn 32.000m2 rừng phòng hộ ở Tam Điệp, Ninh Bình.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Tam Điệp (Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình), diện tích rừng phòng hộ bị ảnh hưởng vùi lấp do Công ty TNHH Duyên Hà trong quá trình khai thác đá gây ra, kiểm tra đo đếm lần 1 ngày 12/10/2018 có diện tích là 19.808m2. Diện tích rừng bị vùi lấp đo đến lần 2 ngày 25/12/2019 là 12.574m2. Tổng diện tích rừng bị vùi lấp sau 2 lần kiểm tra là 32.382m2.

Được biết, tháng 10/2018 khi phát hiện Công ty TNHH Duyên Hà vùi lấp 19.808m2 rừng phòng hộ, UBND thành phố Tam Điệp đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này số tiền hơn 98,3 triệu đồng; yêu cầu tạm dừng các hoạt động khai thác mỏ tại các vị trí gây sạt lở để tránh gây mất rừng phòng hộ, yêu cầu khai thác đúng mốc giới theo giấy phép và chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

Hơn 1 năm sau đó, Công ty TNHH Duyên Hà tiếp tục có hành vi vi phạm, tiếp tục khai thác đá, làm vùi lấp, tàn phá hơn 12.000m2 rừng phòng hộ tại đây. Hành vi của Công ty TNHH Duyên Hà được xác định là cố tình hủy hoại, tàn phá rừng, vi phạm Nghị định số 35/2019/NÐ-CP, ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Cần khởi tố hình sự doanh nghiệp tàn phá 32.000m2 rừng? - 2

Các ngành chức năng tỉnh Ninh Bình kiểm tra khu vực Công ty Duyên Hà khai thác đá vùi lấp hàng chục nghìn mét vuông rừng phòng hộ.

Theo lãnh đạo UBND thành phố Tam Ðiệp, với diện tích rừng phòng hộ tự nhiên trên núi đá bị vùi lấp, bị tàn phá lên tới 32.382 m2, Bộ luật Hình sự về tội hủy hoại rừng từ 7.000 đến 10.000 m2 là hành vi tái phạm nguy hiểm, thì UBND thành phố không thể xử lý được vì vượt thẩm quyền.

Cần khởi tố hình sự tội “hủy hoại rừng”

Trao đổi với PV Dân trí, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành thì rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh...

Rừng phòng hộ đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường khỏi thiên tai, lũ lụt, hạn hán, đảm bảo đời sống cho người dân. Việc bảo vệ rừng phòng hộ không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, của cơ quan tổ chức mà còn là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội.

Theo quy định Luật lâm nghiệp 2017 thì Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và nghiêm cấm các chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật lâm nghiệp 2017. Do đó, mọi hành vi tàn phá, hủy hoại rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đều được coi là hành vi vi phạm pháp luật và tùy từng tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Cần khởi tố hình sự doanh nghiệp tàn phá 32.000m2 rừng? - 3

Cảnh tan hoang khu vực rừng phòng hộ bị tàn phá do Công ty Duyên Hà khai thác nguyên liệu làm xi măng gây nên.

Cụ thể, đối với hành vi tàn phá, hủy hoại rừng phòng hộ với diện tích dưới 3.000m2 thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Theo đó, hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tùy diện tích rừng bị phá hủy có thể bị xử phạt lên đến 200.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại, tàn phá rừng phòng hộ có diện tích từ 2.700 m2 đến dưới 3.000 m2.

Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư theo quy định khoản 14 Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP.

Theo Luật sư Cường, trong trường hợp người nào có hành vi hủy hoại rừng phòng hộ có diện tích từ trên 3.000 m2 trở lên (Công ty Duyên Hà tàn phá hơn 32.000m2 rừng phòng hộ) thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 243 BLHS 2015.

Cần khởi tố hình sự doanh nghiệp tàn phá 32.000m2 rừng? - 4

Hành vi tàn phá rừng của Công ty Duyên Hà cần phải khởi hình sự tội "hủy hoại rừng" theo Điều 243, Bộ luật Hình sự 2015.

“Người nào có hành vi hủy hoại rừng phòng hộ có diện tích từ trên 3.000m2 đến dưới 7.000m2 thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; hủy hoại rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000m2 đến dưới 10.000m2 thì bị phạt tù từ 03 đến 07 năm tù; hủy hoại rừng phòng hộ có diện tích 10.000 m2 trở lên sẽ bị phạt từ từ 07 đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”, Luật sư Cường cho hay.

Cũng theo Luật sư Cường, trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy từng trường hợp có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại khoản 5 Điều 243 BLHS.

Cần khởi tố hình sự doanh nghiệp tàn phá 32.000m2 rừng? - 5

Khu vực khai thác nguyên liệu và sản xuất xi măng của Công ty TNHH Duyên Hà ở Ninh Bình.

Như vậy, việc Công ty TNHH Duyên Hà tàn phá 32.000m2 rừng phòng hộ, theo Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “hủy hoại rừng”. Tuy nhiên, đến nay, các ngành chức năng tỉnh Ninh Bình vẫn chưa xử lý dứt điểm hành vi vi phạm pháp luật này, khiến dư luật đặt câu hỏi: Phải chăng có sự "chống lưng" cho sai phạm nghiêm trọng của công ty này?