Tâm điểm
Bích Diệp

"Bình ổn giá" sách giáo khoa

177.000 - 183.000 đồng là khoảng giá của một bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 3 với số lượng 12 đầu sách, chưa bao gồm sách tiếng Anh. Trong khi đó, bộ sách lớp 7 với 13 đầu sách có giá 208.000-209.000 đồng và cũng chưa bao gồm sách tiếng Anh; bộ sách lớp 10 có giá 246.000-301.000 đồng tuy thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn.

Các mức giá SGK lớp 3, 7, 10 như đề cập ở trên, được NXB Giáo dục Việt Nam công bố theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ước tính cao hơn từ 2 đến 3 lần so với giá hiện hành. Nếu tính cả sách ngoại ngữ (vốn là cuốn SGK đắt nhất) thì bộ sách mới còn phải cộng thêm ít nhất trên dưới 100.000 đồng.

Việc giá SGK mới tăng mạnh đang gây lo lắng cho nhiều phụ huynh vì thêm gánh nặng tiền trường trong năm học tới. Đặt trong bối cảnh kinh tế phục hồi sau đại dịch, đời sống đa số người dân còn khó khăn, đây quả thực là vấn đề rất nhạy cảm.

Không phản đối chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhưng là một phụ huynh, tôi phần nào hiểu được tâm trạng bức xúc của những người làm cha làm mẹ có con đang độ tuổi đến trường. Nếu như trước đây, một bộ sách có thể dùng nhiều lần, qua nhiều thế hệ thì hiện tại, chương trình thay đổi liên tục, ngoài SGK thường xuyên đổi mới, các loại sách tham khảo, các mẫu vở, đồ dùng học tập mới cũng muôn hình vạn trạng, nhiều loại lệ phí bắt buộc lẫn tự nguyện phát sinh - quả thực không dễ dàng, nhất là với người lao động nghèo, thu nhập thấp. 

Câu hỏi nhiều gia đình quan tâm lúc này là vì sao giá SGK mới lại cao như vậy? Theo giải thích, giá SGK mới được tính toán dựa trên các yếu tố chính gồm: Số cuốn sách trong bộ SGK mới; chi phí tổ chức bản thảo (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm…). Bên cạnh đó, SGK mới được in nhiều màu, khổ sách lớn hơn (19 x 26,5 cm). Đáng chú ý hơn cả là khi có nhiều NXB cùng tham gia trong môi trường cạnh tranh, kéo theo chi phí cho các hoạt động triển khai thị trường (marketing) như giới thiệu, cung cấp sách mẫu; truyền thông… Trong khi giá của SGK hiện hành (cũ) không phải phân bổ các chi phí này. 

Rõ ràng để "bình ổn giá" SGK, trước hết cơ quan quản lý cần kiểm toán các yếu tố hình thành giá, xem có yếu tố nào bất thường hay không, đặc biệt với chi phí triển khai thị trường. Tiếp theo, cần làm rõ các đầu sách được đưa vào bộ SGK mới là phù hợp hay khiên cưỡng. Ví dụ, với những môn như "Giáo dục thể chất" hay "Hoạt động trải nghiệm sáng tạo", vốn dĩ là những môn thiên về hoạt động ngoại khóa nhiều hơn. Vậy có nhất thiết "vẽ vời" in sách để rồi khiến gia tăng đầu sách, góp phần khiến bộ sách đội giá gấp 2-3 lần so với trước?

Về mặt khoa học và với thu nhập đầu người còn khiêm tốn ở Việt Nam, thì khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn sách nên giữ như trước đây (để giảm giá thành) hay cần thiết làm mới, nếu làm mới thì ở mức độ nào. Đây là vấn đề mà ngành Giáo dục cần trả lời rõ ràng với các phụ huynh. 

Viết đến đây, trong đầu tôi hiện ra hình ảnh những đứa trẻ đang phải gồng gánh trên lưng cả một "núi sách vở". Không rõ các cháu có gia tăng kiến thức nhiều hơn so với trước hay không, song nhìn vào số lượng đầu SGK ở các cấp, lớp thì rõ ràng đã có một sự "lạm phát" đáng kể về số lượng. Đó là chưa kể, có những trường hợp nhà trường bắt ép phụ huynh mua SGK theo bộ nhưng trong đó có rất nhiều sách không học, không dùng đến. Vô hình trung, nhà trường dần đang trở thành các đại lý bán sách, bán vở, bán quần áo... mà bản thân phụ huynh dẫu bất bình song đành "cắn răng" chịu đựng do sợ nêu ý kiến sẽ ảnh hưởng tới việc học của con cái.

Liên quan đến SGK, Bộ Tài chính đánh giá đây là vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu mà giá cả có tác động lớn đến xã hội, đặc biệt đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Do vậy, Bộ đang rà soát đánh giá tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó tiếp tục đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá trong trường hợp cần thiết.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, thực tế ở một số quốc gia phát triển, giáo dục công lập được Nhà nước bao cấp và trước khi vào đại học, học sinh, phụ huynh không phải lo tiền sách vở. Trong khi đó, trao đổi với người viết, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng việc lựa chọn bộ SGK nào để giảng dạy cần để giáo viên đứng lớp và phụ huynh thống nhất (ví dụ các phụ huynh có thể muốn chọn bộ sách có giá thành thấp hơn), không nên có "chỉ đạo hành chính" từ cấp trên. Khi đó, việc "tự chủ" mới đúng nghĩa và giá cả SGK mới cạnh tranh theo quy luật cung - cầu.

Sự nghiệp "trăm năm trồng người" của cả đất nước vô cùng hệ trọng. Đừng để chi phí mua sách vở là trở ngại với mỗi học sinh, mỗi gia đình trong sự nghiệp này.