Giá SGK tăng đột biến gấp 2-3 lần: Nhà xuất bản Giáo dục phủ nhận
(Dân trí) - Theo NXB Giáo dục Việt Nam, giá bán sách giáo khoa được kê khai mới, không phải tăng giá.
Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mức cao hơn nhiều so với giá sách giáo khoa hiện hành khiến nhiều người phản ứng.
Tuy nhiên, trả lời PV Dân trí ngày 4/5, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cho rằng, giá bán sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được kê khai mới, không phải tăng giá .
NXBGDVN cũng dẫn một số nguyên nhân và điểm khác biệt giữa chi phí tổ chức biên soạn bộ SGK hiện hành so với bộ SGK mới, khiến SGK mới tăng giá.
Thứ nhất, về nguồn vốn: Việc tổ chức biên soạn, xuất bản SGK được thực hiện bằng nguồn vốn do doanh nghiệp tự đầu tư, thu xếp và vay ngân hàng. Còn đối với SGK cũ, toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo được chi trả bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng thế giới, NXBGDVN chỉ đảm nhiệm chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản.
Chi phí tổ chức bản thảo sách giáo khoa hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí tổ chức bản thảo SGK mới.
Thứ hai, về chi phí nhuận bút: Chi phí nhuận bút đối với SGK mới cao hơn so với SGK hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để tìm kiếm và giữ chân các tác giả giỏi.
Thứ ba, về quy cách chất lượng sách: SGK mới có khổ 19 x 26,5cm, lớn hơn 1,23 lần khổ SGK hiện hành (17x24cm). Để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, SGK cần thay đổi theo hướng tăng cường kênh hình, hình ảnh hóa nội dung... Do đó, đơn giá công in đã bị tăng lên 23% so với SGK hiện hành.
Với chất lượng in ấn theo quy cách mới, sách có thể bảo vệ tốt hơn thị lực của học sinh, và có thể sử dụng trong nhiều năm.
Cũng theo NXBGDVN, giá SGK mới được tính toán dựa trên các yếu tố chính gồm: Số cuốn sách giáo khoa trong bộ SGK mới; Chi phí tổ chức bản thảo (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm…).
Chi phí này đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT) mới, SGK được đầu tư công phu về công tác tổ chức bản thảo, đặc biệt trong biên soạn, biên tập, thiết kế chế bản và thực nghiệm.
Khi có nhiều bộ SGK cùng được xuất bản khiến cho số lượng bản SGK ở mỗi tên sách được phát hành sẽ ít hơn so với khi chi có một bộ SGK, do đó chi phí tổ chức bản thảo phân bổ cho mỗi bản SGK sẽ cao hơn so với SGK hiện hành.
Về chi phí vật tư, công in: Nhằm chuyển tải những đổi mới về nội dung theo định hướng phát triển năng lực nên SGK mới được in nhiều màu, khổ sách lớn hơn (19 x 26,5cm).
Chi phí marketing: Khi có nhiều NXB cùng tham gia xuất bản SGK trong môi trường cạnh tranh, kéo theo chi phí cho các hoạt động triển khai thị trường (marketing) như: Giới thiệu, cung cấp sách mẫu; truyền thông … Trong khi giá của SGK hiện hành (cũ) không phải phân bổ các chi phí này.
Về câu hỏi của PV Dân trí tại sao NXBGDVN không tiết chế số trang để giảm giá, phải chăng đây là "kẽ hở" để tăng giá hợp pháp, NXBGDVN chưa có câu trả lời.
Phản ánh của Dân trí trước đó, nguyên nhân việc tăng giá SGK trên đây chỉ một phần, phần nữa do Bộ GD-ĐT cho phép tăng số đầu sách giáo khoa bắt buộc so với chương trình cũ, khiến người dân phải bỏ chi phí lớn để đổ vào việc mua sắm SGK.
Cụ thể, bộ sách lớp 2 cũ chỉ có 6 cuốn với giá bán 53.000 đồng/bộ thì sách mới lên tới 10 cuốn có giá 186.000 đồng/bộ.
Bộ SGK lớp 3 chương trình cũ chỉ gồm 6 cuốn thì bộ mới có tới 12 cuốn, chưa kể sách Tiếng Anh. SGK lớp 7 tăng từ 12 lên 13 cuốn.
Đặc biệt, ở chương trình phổ thông mới, lần đầu tiên học sinh có sách giáo khoa môn "Giáo dục thể chất" và sách giáo khoa của "Hoạt động trải nghiệm sáng tạo".
Một số ý kiến cho rằng, những môn học này, học sinh chủ yếu học ngoài trời. Có nhất thiết "vẽ" thêm SGK cho học sinh khiến tăng đầu sách và đội giá gấp 2-3 lần.