DNews

Cần Thơ: Loạt dự án bất động sản ở vị trí đắc địa bị "đứng hình"

Bảo Trân Bảo Kỳ

(Dân trí) - Không ít các dự án ở trung tâm TP Cần Thơ đang chậm tiến độ, bỏ hoang gây lãng phí, trong khi người dân phải sống lay lắt chờ đền bù giải phóng mặt bằng.

Cần Thơ: Loạt dự án bất động sản ở vị trí đắc địa bị "đứng hình"
Cần Thơ: Loạt dự án bất động sản ở vị trí đắc địa bị đứng hình - 1

"Đất vàng" thành nơi chăn gia súc

Khu dân cư Phú An (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) có diện tích hơn 145ha, là một trong những khu dân cư đầu tiên tại khu đô thị Nam Cần Thơ do Công ty Cổ phần xây dựng công trình giao thông 586 - Chi nhánh Cần Thơ (gọi tắt là Công ty 586) làm chủ đầu tư. 

Nơi đây từng được kỳ vọng là "thành phố mới" trên đất vàng Tây đô nhưng sau hơn 10 năm xây dựng, khu dân cư Phú An trở thành dự án điển hình của sự lãng phí quỹ đất, chậm tiến độ... 

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, nhiều diện tích đất bên trong khu dân cư này bị hoang hóa, cỏ mọc um tùm, người dân tận dụng thả gia súc. Một số dãy nhà hoàn thiện phần thô nhưng nham nhở gạch đá, rác thải, có căn thành quán cà phê võng, quán ăn nhếch nhác. 

Trong khi theo kế hoạch ban đầu, Khu dân cư Phú An được quy hoạch phát triển thành khu đô thị mỹ quan, hiện đại, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với các công trình phúc lợi, công cộng như: Bệnh viện, trường học, công viên và các khu nhà ở thương mại, chung cư thấp tầng, nhà liên kế biệt thự, nhà vườn… 

Cần Thơ: Loạt dự án bất động sản ở vị trí đắc địa bị đứng hình - 2
Cần Thơ: Loạt dự án bất động sản ở vị trí đắc địa bị đứng hình - 3
Cần Thơ: Loạt dự án bất động sản ở vị trí đắc địa bị đứng hình - 4

Bà H., một hộ dân bán phở ở khu dân cư Phú An cho biết, để được ở trong căn nhà thô, bà phải bỏ ra mỗi năm 12 triệu đồng gửi "công ty quản lý" (?).

Gia đình bà H. đã sống trong căn nhà thô này nhiều năm mà không cần biết chủ. 

Ông Đ. (ngụ quận Cái Răng), chủ một đàn trâu thả tại khu dân cư Phú An cho biết, để được thả trâu tại các bãi đất trống, ông phải trả 500.000 đồng mỗi tháng cho "công ty quản lý" (?).

Cần Thơ: Loạt dự án bất động sản ở vị trí đắc địa bị đứng hình - 5
Cần Thơ: Loạt dự án bất động sản ở vị trí đắc địa bị đứng hình - 6
Cần Thơ: Loạt dự án bất động sản ở vị trí đắc địa bị đứng hình - 7

Một cán bộ kinh doanh của Công ty 586 xác nhận với phóng viên Dân trí các dãy nhà thô trong khu vực thuộc quyền quản lý của công ty. Hiện tại, một số căn có chủ, số khác đang trong quá trình thi công. 

Cán bộ kinh doanh này phủ nhận việc công ty cho thuê nhà thô, đất hoang để người dân kinh doanh hay chăn gia súc.

Trả lời phóng viên Dân trí về tình hình trị an trong khu vực quản lý của công ty, cán bộ khác của Công ty 586 khẳng định, khu dân cư An Phú nằm gần các khu hành chính của quận Cái Răng nên đảm bảo an toàn, không có tệ nạn. 

Tuy nhiên ghi nhận thực tế, người dân sống tại khu dân cư An Phú bất an khi từng bị trộm đột nhập khi sống cạnh các căn nhà hoang, một số hộ phải lắp thêm kẽm gai chống trộm.  

Loạt dự án ở khu đất vàng TP Cần Thơ đứng hình (Video: Bảo Kỳ).

Hàng chục năm lay lắt chờ đền bù trên "cồn Kim Cương"

Cồn Khương được người dân ví như "cồn kim cương" của TP Cần Thơ. Cồn có phần lớn chiều dài tiếp giáp sông Hậu, phần còn lại được bao quanh bởi rạch Khai Luông, hội đủ điều kiện "thiên thời - địa lợi", không khí trong lành đồng thời là nơi lý tưởng để an cư, nghỉ dưỡng. Chính vì lẽ đó, hàng loạt dự án khu dân cư, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đua nhau "xí phần" khai thác cồn Khương. 

Dù vậy, vì nhiều lý do, phần lớn dự án nơi đây đều án binh bất động, biến nhiều khu vực trên "cồn kim cương" trở nên hoang hóa, cây cối rậm rạp, gây lãng phí... Điển hình như Khu đô thị mới cồn Khương của Công ty TNHH Bất động sản An Khương (Công ty An Khương).

UBND thành phố Cần Thơ có quyết định chủ trương đầu tư dự án rộng 23ha, tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng hồi cuối năm 2015. 

Đây là dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất và chưa được UBND thành phố giao đất, cho thuê đất. Quá trình thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng vướng phải nhiều ý kiến của người dân trong vùng dự án. 

Cụ thể, dự án ảnh hưởng đến hơn 100 hộ dân, hơn 3,6ha còn vướng mắc. Nhiều năm qua, Công ty An Khương nhận bàn giao một số diện tích để thi công hạ tầng kỹ thuật của dự án trên phần diện tích 19,4ha.

Ngoài nguyên nhân vướng mặt bằng, hậu dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng nhiều đến dự án.

Cần Thơ: Loạt dự án bất động sản ở vị trí đắc địa bị đứng hình - 8

Một khoảng đất ở Khu đô thị Cồn Khương bị chủ đầu tư "bỏ mặc", hoang hóa dù hạ tầng giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước cơ bản hoàn thành (Ảnh: Bảo Kỳ).

Hồi cuối năm 2023, UBND thành phố Cần Thơ quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết quý 2/2024 buộc Công ty An Khương phải hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đến đầu tháng 6, hiện trạng dự án vẫn chưa thay đổi, phần lớn các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, khuôn viên của dự án hoang hóa, đường nhựa nội khu bị cỏ dại xâm lấn um tùm. 

Tháng 3/2024 UBND quận Ninh Kiều tổ chức cưỡng chế thu hồi gần 1.500m2 đất của một hộ dân vùng dự án. Sau khi được bàn giao mặt bằng, UBND TP buộc chủ đầu tư phải hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ, công trình xã hội và đưa dự án vào hoạt động trong 24 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao, cho thuê đất.

Cần Thơ: Loạt dự án bất động sản ở vị trí đắc địa bị đứng hình - 9

Xen kẽ giữa những khu đô thị, biệt thự cao cấp là những thửa đất phủ đầy cỏ dại. (Ảnh: Bảo Kỳ).

Tại  cồn" kim cương", thực trạng xây dựng dự án Khu nhà vườn cồn Khương với vốn đầu tư hơn 670 tỷ đồng của Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Địa Ốc cũng không khá khẩm hơn.

Dự án này được UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt quy hoạch 1/500 từ 20 năm trước với diện tích hơn 14ha. Kể từ khi dự án được triển khai vào tháng 10/2015 đến nay vẫn chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Được biết, đây là dự án chủ đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 

Tuy nhiên, kể từ thời điểm dự án triển khai đến nay, chủ đầu tư chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ đầu tư cũng gặp khó khăn trong trường hợp người dân đưa ra mức giá bồi thường cao. Ngoài ra, một số hộ dân vùng dự án rời khỏi địa phương hoặc chuyển nhượng sử dụng đất bằng giấy tay, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. 

Với tiến độ thụt lùi này, UBND thành phố Cần Thơ nhiều lần có văn bản đôn đốc chủ đầu tư. Đồng thời, phía chủ đầu tư cũng xin gia hạn tiến độ thực hiện dự án. Mặt khác, UBND thành phố Cần Thơ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát quá trình thực hiện dự án này để có báo cáo TP gỡ khó.

Các dự án chậm giải phóng mặt bằng, chậm triển khai cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dân nằm trong vùng dự án. 

Hai dự án trên là đơn cử cho rất nhiều dự án khu dân cư, du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự vườn của các công ty bất động sản đua nhau xây dựng tại cồn "kim cương" của TP Cần Thơ.  

Cần Thơ: Loạt dự án bất động sản ở vị trí đắc địa bị đứng hình - 10

Ông Trịnh Văn Tố cho biết gia đình ông trải qua 3 đời sống ở cồn Khương, đang chờ được đền bù để di dời, có cuộc sống mới ổn định hơn (Ảnh: Bảo Trân).

Ông Trịnh Văn Tố (khu vực 3, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) cho biết, đất của gia đình ông nằm trong khu nhà vườn - đất nền Cồn Khương, tiếp giáp đường Trần Văn Giàu, liền kề với khu dân cư hiện hữu. Từ đó, gia đình không thể chuyển nhượng, tân trang nhà xuống cấp theo thời gian.

Ông Tố cho biết, trước đây cồn Khương chỉ là một ốc đảo tách biệt với trung tâm thành phố, nhịp sống tương đối bình lặng, người dân đa phần làm ruộng, trồng rẫy, chăn nuôi. Thế nhưng, khi tiềm năng của cồn Khương được khơi dậy, hàng chục dự án khởi công xây dựng biến nơi này thành khu đô thị mới cao cấp bậc nhất thành phố. 

Hầu hết, các hộ dân có đất ở cồn Khương đều mang giấc mơ đổi đời nhờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư dự án tại đây. Tuy nhiên, hiện tại do chưa thỏa thuận được mức bồi thường, công tác giải phóng mặt bằng chậm nên gia đình ông Tố và một hộ gia đình khác phải nán lại, điều kiện sống nhếch nhác.  

Trước đó, năm 2001, gia đình ông Tố sở hữu hơn 6.500m2 đất tại khu đô thị Cồn Khương, được chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư bất động sản Cửu Long đề nghị chuyển nhượng lại với mức giá 10,5 tỷ đồng. Em gái của ông Tố đồng ý bán một nửa diện tích đất trên với giá 3,5 tỷ đồng, nửa còn lại cho rằng mức bồi thường không thỏa đáng nên ông Tố không đồng thuận.

Suốt hơn 20 năm qua, khi em gái có cuộc sống mới, ông Tố và vợ vẫn sống tạm bợ trong căn nhà cấp 4 xuống cấp, xung quanh cỏ mọc um tùm, vắng vẻ. 

"Gia đình tôi rất muốn chuyển đi nơi khác, nhưng cần phải có khoản bồi thường phù hợp. Họ làm chậm chạp giờ muốn đi cũng không đi được, sửa nhà thì lỡ đâu họ mua, chúng tôi phải dọn đi ngay", ông Tố nói. 

Ảnh: Bảo Trân, Bảo Kỳ

Video: Bảo Kỳ