DMagazine

Những thầy thuốc thầm lặng xoa dịu nỗi đau ám ảnh người bệnh phong

(Dân trí) - "Không chỉ gánh chịu bệnh tật "ăn mòn" từng bộ phận trên cơ thể, những bệnh nhân phong còn bị người làng kỳ thị, xa lánh. Chúng tôi muốn xoa dịu cả nỗi đau cho bệnh nhân", bác sỹ Ksor Thu tâm sự.

"Không chỉ gánh chịu bệnh tật "ăn mòn" từng bộ phận trên cơ thể, những bệnh nhân phong còn bị người làng kỳ thị, xa lánh. Chúng tôi muốn xoa dịu cả nỗi đau thể xác và tinh thần cho bệnh nhân", bác sỹ Ksor Thu tâm sự.

Nhiều năm qua, đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế ở khoa Phong - Da liễu, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum ( TP Kon Tum, Kon Tum) luôn tận tâm với bệnh nhân phong.

Họ làm việc không chỉ bằng lương tâm, trách nhiệm người thầy thuốc, mà còn làm điểm tựa tinh thần giúp bệnh nhân phong tìm lại niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống.

Những thầy thuốc thầm lặng xoa dịu nỗi đau ám ảnh người bệnh phong - 1

Người dân địa phương vẫn thường gọi tên khoa Phong - Da liễu, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum là trại phong Đăk Kia, theo tên làng nơi đặt cơ sở.

Những thầy thuốc thầm lặng xoa dịu nỗi đau ám ảnh người bệnh phong - 3

Theo chân bác sỹ Nguyễn Hữu Thung, phụ trách Khoa, chúng tôi gặp ông A Mrâu (68 tuổi, trú Đăk Đoa, Gia Lai), người đã nương nhờ trại phong Đăk Kia gần 50 năm.

Ông Mrâu không còn nhớ quê hương mình ở vùng nào. Ông chỉ nhớ năm 21 tuổi, ông cùng gia đình sống ở huyện Đắk Đoa (Gia Lai). Năm 22 tuổi, ông biết mình bị bệnh phong. Nghe ông bị bệnh, cả làng xa lánh, kỳ thị khiến gia đình không dám ra khỏi nhà hay đi làm.     

Không những bị sự kỳ thị của dân làng mà căn bệnh phong đã khiến ông Mrâu bị "ăn" mất ngón tay, chân. Không chịu được sự kỳ thị của người làng, người vợ đã bỏ ông. Trong đêm mưa lớn, ông Mrâu đã khăn gói trốn khỏi làng, lang thang khắp nẻo đường. Sau nhiều tháng xin ăn ở ngoài đường, ông Mrâu đã tìm đến trại phong Đăk Kia để nương nhờ.

Những thầy thuốc thầm lặng xoa dịu nỗi đau ám ảnh người bệnh phong - 5

"Đây là ngôi nhà thứ 2 của tôi. Ở đây, tôi mới thấy được tình người trong nghịch cảnh. Các y bác sĩ chăm lo thuốc thang, quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ cho những số phận như tôi. Tôi tìm thấy được niềm vui và hy vọng sống nơi đây", ông A Mrâu xúc động nói. 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thung cho biết trại phong Đăk Kia được các sơ xây dựng từ cách đây gần một thế kỷ, đầu tiên là nơi chăm sóc, điều trị bệnh nhân phong ở tỉnh Kon Tum. Đến năm 1950, mọi người đã chung tay sửa chữa, mở rộng để có không gian điều trị cho bệnh nhân phong cho cả khu vực Tây Nguyên.

"Thời kỳ đó, bệnh phong bị xã hội kỳ thị. Người bệnh vì thế mà tự ti, không giao tiếp và cũng không muốn điều trị bệnh. Khoảng 20 năm trở lại đây, mới có đầy đủ thuốc điều trị, cơ sở vật chất đảm bảo. Từ đó, việc điều trị bệnh phong bắt đầu chuyển biến tích cực", bác sỹ Thung cho biết.

Những thầy thuốc thầm lặng xoa dịu nỗi đau ám ảnh người bệnh phong - 7

Cuối năm 2018, trại phong Đăk Kia đã sáp nhập vào Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, đổi tên thành khoa Phong - Da liễu, trực thuộc Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum.

Hiện nay, trong khoa có khoảng có 6 cán bộ y, bác sỹ, chăm sóc cho 203 bệnh nhân phong. Trong đó có 56 bệnh nhân là điều trị nội trú tại khoa, 147 bệnh nhân ở cộng đồng. 

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều lần cơ sở trở thành khu điều trị các trường hợp F1 trên địa bàn TP Kon Tum. Chính vì vậy, các bệnh nhân mắc bệnh phong chỉ đến đây lấy thuốc, điều trị vào buổi sáng hàng ngày. Đối với bệnh nhân cộng đồng trú tại những huyện không có đủ điều kiện thì phải ở lại điều trị tại khoa.

Những thầy thuốc thầm lặng xoa dịu nỗi đau ám ảnh người bệnh phong - 9

 Từ khi sinh ra, bác sĩ Ksor Thu đã có bố mẹ mắc bệnh phong. Tuổi thơ của bác sỹ Thu cùng gia đình đã gắn liền với trại phong Đăk Kia. Gia đình cô luôn được sự quan tâm, chia sẻ, động viên của bác sĩ. Thấu hiểu được cảm giác đau đớn của bố mẹ cũng như bệnh nhân phong nên ngay từ nhỏ, Ksor Thu đã nuôi ước mơ lớn lên trở thành bác sĩ.

Nghĩ là làm, sau khi học xong cấp 3, chị Ksor Thu ngay lập tức đăng ký thi ngành Y đa khoa, trường Đại học Tây Nguyên Đắk Lắk. Tuy nhiên may mắn không mỉm cười với chị, lúc đó bác sĩ Ksor Thu đã thi trượt và đậu vào ngành Sư phạm. 

Mặc dù đang học ngành Sư phạm nhưng Ksor Thu vẫn nuôi giấc mơ sẽ trở thành bác sĩ để chăm sóc các bệnh nhân phong. Học được một năm, chị từ bỏ để tiếp tục theo đuổi ngành Y mà mình ấp ủ đã lâu. Chị quyết định vào học ngành Y đa khoa Học viện Quân Y ở Hà Nội.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Y đa khoa, chị Ksor Thu viết đơn tình nguyện vào công tác tại trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh (nay là khoa Phong - Da liễu) để được chăm sóc, động viên và gắn bó với bệnh nhân phong. 

Chị Ksor Thu chia sẻ: "Có người thân bị bệnh phong nên tôi hiểu rõ được sự tự ti, mặc cảm của họ. Gia đình tôi ngày xưa đều do một tay các sơ và y, bác sỹ ở đây chăm lo từ giấc ngủ, rửa, thay băng vết thương. Chính vì vậy, tôi đã quyết tâm học tập để về nơi này nhằm tiếp nối các thế hệ y, bác sỹ chăm sóc bệnh nhân phong".

Những thầy thuốc thầm lặng xoa dịu nỗi đau ám ảnh người bệnh phong - 11

Tương tự, từ nhỏ, chị Y Viên cũng có người thân bị bệnh phong và điều trị tại trại phong Đăk Kia. Lúc đó, chị luôn chứng kiến bệnh nhân phong chịu đau đớn về thể chất, tổn thương tinh thần đến suy sụp.

"Khi còn nhỏ, tôi hay đi cùng ông bà qua bệnh xá phong để thay băng. Lúc đó, người dân bị bệnh phong không hiểu tiếng Việt phổ thông nên rất khó giao tiếp. Tôi hay tới bệnh xá để giúp các bác sỹ trò chuyện, phiên dịch cho bệnh nhân phong. Qua đó, động viên, tuyên truyền cho họ về căn bệnh, phòng tránh sự kỳ thị của cộng đồng", chị Y Viên bộc bạch. 

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Điều dưỡng, trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh), năm 2015, chị Y Viên đã xin vào học việc không lương tại khoa Phong - Da liễu. Chị mong muốn được chăm sóc, điều trị bệnh nhân nơi đây.

Chị Y Viên cho biết: "Tôi sẵn sàng làm việc không lương cả đời để giúp bệnh nhân phong. Họ không có gia đình, sống ở nơi xa lạ. Tôi mong muốn được làm đứa con và mang lại hy vọng cuộc sống cho các bệnh nhân phong".

Trong một chuyến công tác ở bệnh xá, lãnh đạo Sở Y tế Kon Tum đã cảm động trước việc chị Y Viên tình nguyện làm việc không lương gần một năm trong nên đã chính thức ký kết hợp đồng làm việc.

Những thầy thuốc thầm lặng xoa dịu nỗi đau ám ảnh người bệnh phong - 13

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thung, những y bác sĩ trong khoa đa số đều tự xin vào để được chăm sóc, điều trị các bệnh nhân phong kém may mắn. Việc chăm sóc bệnh nhân phong cần cái tâm và tình yêu thương giữa các y, bác sỹ với người bệnh.

Những thầy thuốc thầm lặng xoa dịu nỗi đau ám ảnh người bệnh phong - 15

Người bị bệnh phong không chỉ ở Kon Tum mà nhiều nơi khác cũng đến xin được nương tựa, chữa bệnh nơi đây. Dần dần, bà con cũng ở lại sinh sống trong thôn Đăk Kia (thuộc xã Đoàn Kết, TP Kon Tum). Chính vì vậy, phần lớn những hộ gia đình sinh sống tại thôn Đăk Kia thuộc diện bệnh nhân phong, cuộc sống khó khăn do điều kiện bệnh tật không thể lao động.

Theo bác sĩ Ksor Thu, ngày xưa vận động các bệnh nhân phong chữa bệnh rất khó khăn. Họ là đồng bào dân tộc nên có những tập tục, nếp sống rất khác biệt. Ngoài tâm lý tự ti vì bệnh tật, nguyên nhân khiến bệnh nặng thêm là do không vệ sinh tốt, thậm chí, họ ở chung với gia súc, gia cầm…

Hàng tháng, các y bác sĩ đến tận nhà bệnh nhân ở các huyện trên địa bàn tỉnh Kon Tum để tuyên truyền, hỗ trợ, giúp họ cách phát hiện, điều trị bệnh phong ngay tại nhà. Đồng thời, cán bộ y tế tổ chức tập huấn, hỗ trợ kiến thức chuyên môn về bệnh phong cho các nhân viên y tế ở nhiều trạm y tế xã, phường nằm xa cơ sở. Qua đó, phối hợp điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong.

Những thầy thuốc thầm lặng xoa dịu nỗi đau ám ảnh người bệnh phong - 17

Trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tới thăm, khám các bệnh nhân cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Từ đó, việc điều trị các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa cũng hạn chế.

Ông Đặng Minh Hải - Giám đốc Bệnh viện Y dược Cổ truyền -  Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay công tác điều trị và phòng ngừa bệnh phong trên địa bàn tỉnh vẫn đang được triển khai tích cực bởi các y bác sĩ, nhân viên y tế có trách nhiệm cao trong công việc. 

 "Nhiều năm nay, thôn Đăk Kia ngày càng khởi sắc, cuộc sống của những bệnh nhân phong ở đây khá giả cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần. Điều đó có được do một phần nhờ các tổ chức đoàn thể, cá nhân thường xuyên tổ chức thiện nguyện giúp bệnh nhân phong xóa đi mặc cảm, dần dần hòa nhập cộng đồng. Bây giờ người ta cũng không còn kỳ thị bệnh nhân phong như ngày xưa nữa rồi", ông Đặng Minh Hải chia sẻ.

Những thầy thuốc thầm lặng xoa dịu nỗi đau ám ảnh người bệnh phong - 19

Nội dung: Phạm Hoàng - Nay Săt

Thiết kế: Tuấn Huy