1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam:

Trận đánh cuối cùng ở Bà Rịa - Vũng Tàu

(Dân trí) - “Sư đoàn Sao Vàng được giao nhiệm vụ hành quân cấp tốc vào giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thế bao vây cô lập Sài Gòn, chặn con đường rút chạy ra biển của địch. 17 giờ ngày 26/4, lệnh toàn chiến dịch nổ súng”.

Cuộc tiến công, nổi dậy và giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu mùa xuân 1975, Sư đoàn Sao Vàng đã phối hợp với quân dân địa phương đánh tan lực lượng địch, giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần giải phóng toàn miền Nam.

Trong không khí cả nước kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng miền Nam, chúng tôi tìm đến nhà Đại tá Nguyễn Văn Chước (sinh năm 1932, trú TP Đà Nẵng) - nguyên Chính ủy trung đoàn 2 (Sư đoàn Sao Vàng), nguyên Cục phó Cục Chính trị quân khu 5 - để được nghe ông kể lại những ngày tháng hào hùng, hành quân cấp tốc giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tá Nguyễn Văn Chước xem lại cuốn hồi ký Cuộc đời binh nghiệp của mình
Đại tá Nguyễn Văn Chước xem lại cuốn hồi ký "Cuộc đời binh nghiệp" của mình

Đại tá Chước kể, ông sinh ra trong một gia đình có 5 anh em ở làng Cẩm Phổ, Hội An, tỉnh Quảng Nam. 17 tuổi, ông trốn gia đình đi bộ đội địa phương Điện Bàn. Sau khi tập kết ra Bắc, năm 1961 ông trở lại miền Nam hoạt động tại các tỉnh Quảng Ngãi và Bắc Bình Định. Năm 1965 Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng) được thành lập, ông là trung tá chính ủy trung đoàn 2 thuộc sư đoàn. Sau khi tham gia giải phóng Bình Định, ngày 8/4, Sư đoàn Sao Vàng theo lệnh cánh duyên hải miền Trung phải tiến về giải phóng Sài Gòn. Trên đường tiến vào Sài Gòn, sư đoàn 3 đã đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch là Phan Rang.

“Lúc bấy giờ, tuyến phòng thủ Phan Rang được đánh giá cao và có ý nghĩa quan trọng đối với quân địch bởi nó nằm giữa tuyến đường số 3 và số 1. Phan Rang cách Sài Gòn 300 km, muốn phòng thủ Sài Gòn thì phải có tuyến phòng thủ từ Phan Rang. Địch đã đưa tướng Nguyễn Vĩnh Nghi ra Phan Rang để chỉ huy tuyến phòng thủ này”, đại tá Chước nói.

Lực lượng của địch ở đây rất đông với 1 vạn quân gồm có sư đoàn không quân số 6, lữ đoàn dù, sư đoàn bộ binh, liên đoàn biệt động… và được trang bị phòng thủ rất vững chắc. Về phía ta, theo lệnh của Bộ chỉ huy duyên hải, trung đoàn 2 đảm nhận hướng chủ yếu là đường số 1.

Và những tấm hình thời ông tham gia đấu chiến
Và những tấm hình thời ông tham gia đấu chiến

“Ngày 14/4, trung đoàn được lệnh nổ súng. Đến ngày 16/4, kết hợp với quân đoàn 2, lực lượng của ta dồn lên tấn công, đập tan tuyến phòng thủ vững chắc của địch, giải phóng Phan Rang. Trong lúc tháo chạy, bộ chỉ huy của địch đã bị quân ta vây bắt. Việc bắt được bộ chỉ huy của địch giúp Bộ tổng tư lệnh của ta khai thác được vấn đề phòng thủ Sài Gòn, giúp ta biết hướng để tấn công”, đại tá Chước tự hào nhớ lại.

Ngày 14/4, Bộ Chính trị quyết định đổi chiến dịch Sài Gòn – Gia Định thành chiến dịch Hồ Chí Minh. Lúc này Sư đoàn 3 tăng cường cho quân đoàn 2 để tiến vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Quân đoàn 2 chia làm 3 cánh, một cánh đánh vào đường số 1, một cánh đánh căn cứ Nước Trong và cánh của Sư đoàn 3 được giao nhiệm vụ giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thế bao vây cô lập Sài Gòn, chặn đường rút lui chạy ra biển của địch.

Do thất bại ở Xuân Lộc nên địch rút về Bà Rịa - Vũng Tàu rất đông. Khi ấy muốn tiến vào Vũng Tàu chỉ có con đường bộ duy nhất là vượt qua cầu Cỏ May (hướng này được Sư đoàn giao cho Trung đoàn 2 chọn là hướng tấn công chủ yếu). Nhưng cầu Cỏ May lúc đó đã bị đánh sập, bên kia bờ sông địch nấp trong các lô cốt bắn ra tới tấp, khống chế mặt sông nên quân ta không vượt sông được. Nhiều người vượt qua sông thì trúng đạn hy sinh.

3 giờ sáng ngày 29/4, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 2, Sư đoàn Sao Vàng) Lê Đình Như truyền lệnh cho 2 đại đội hỏa lực ĐKZ vượt sông cầu Cỏ May tiến công đánh chiếm TP Vũng Tàu. Quân ta vào được Bãi Sú thì trời sáng, bị địch phát hiện và tung quân phản kích. Xe tăng, xe bọc thép của địch từ các ụ ngầm tránh pháo nã đạn 12 ly 7 vào đội hình của Tiểu đoàn 3 và bắn xối xả xuống mặt sông.

Sau khi vượt được qua sông, 4 giờ 30 phút ngày 30/4, trung đoàn 2 tiến công khu vực Núi Lớn, đánh thẳng lên trung tâm vô tuyến viễn thông, làm chủ đài ra đa, đánh chiếm Bến Đình và điểm cao 236. Đoán được hướng rút chạy của địch, một mũi vòng ra bến đá, đánh chiếm bãi xe bắt sống 500 tên địch và thu giữ nhiều xe.

Chiếm được khách sạn Pa-lát, tiểu đoàn 6 đã đập tan cụm quân đầu sỏ, ngoan cố nhất của bọn địch trong thành phố. Đến 11 giờ trưa, Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.

“Mặc dù đây là trận đánh cuối cùng nhưng anh em khí thế rất hào hùng, người trước ngã thì người sau xông lên. Xe bọc thép của địch đánh nhiều người bị thương nhưng anh em vẫn tiếp tục chiến đấu. Ai cũng sẵn sàng hy sinh để dân tộc được độc lập”, đại tá Chước nhớ lại.

Khánh Hồng 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm