1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng: Thực trạng Vinashin có trách nhiệm của Chính phủ

(Dân trí) - “Thực trạng Vinashin có trách nhiệm của Chính phủ, của các Bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh...", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chế độ tiền lương chưa hợp lý
 
Trình bày báo cáo kinh tế - xã hội trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mặc dù sau khủng hoảng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhưng kinh tế nước ta đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá cao. GDP cả năm 2010 tăng khoảng 6,7% cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Khu vực nông nghiệp tăng 2,6%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%.
 
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2010 dự kiến vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%). Đến hết năm 2010, dự nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP, nằm trong giới hạn an toàn.
 
Thủ tướng: Thực trạng Vinashin có trách nhiệm của Chính phủ - 1
Các đại biểu Quốc hội ủng hộ đồng bào bị lũ lụt

Chính sách tiền tệ đã góp phần tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, cơ bản đảm bảo được các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm: Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 25%. Tỷ giá được điều hành linh hoạt hơn theo nguyên tắc thị trường; Thực hiện điều hành lãi suất cho vay theo cơ chế thỏa thuận và theo hướng giảm dần; Tăng cường giám sát bảo đảm an toàn các tổ chức tín dụng; Kiểm soát nợ xấu dưới 3%.

Tính đến hết tháng 9/2010, thị trường chứng khoán đạt mức vốn hóa khoảng 31,6% GDP.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước tăng 19,1%, gấp hơn 3 lần so với kế hoạch. Nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ hơn, tổng kim ngạch nhập khẩu ước tăng 16,5%. Nhập siêu cả năm khoảng 13,5 tỷ USD, dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn tỷ lệ nhập siêu năm 2009.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, năng suất chất lượng sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Phát triển nguồn điện chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Khu vực doanh nghiệp nhà nước giữ một phần lớn vốn, tài sản và đất đài, tài nguyên quốc gia nhưng hiệu quả đầu tư và tăng trưởng chưa tương xứng; quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập.

Thể chế kinh tế thị trường chưa đồng bộ; bao cấp về giá điện, giá than còn kéo dài, không khuyến khích tiết kiệm năng lượng và hạn chế việc huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển nguồn điện.

Quản lý giá một số mặt hàng nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh chưa tốt. Các chi ngân sách còn lãng phí, nhập siêu cao, cán cân thanh toán tổng thể vẫn còn thâm hụt, dự trữ ngoại tệ giảm, lãi suất cho vay còn cao. Sự phối hợp  giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ còn chưa đồng bộ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chế độ tiền lương chưa hợp lý, nhất là khu vực hành chính công. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhận dân vẫn còn không ít khó khăn, yếu kém; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt…

Thủ tướng đánh giá, chúng ta đã đạt được những những thành tựu khá toàn diện, cơ bản hoàn thành mục  tiêu tổng quát và các chỉ tiêu đề ra cho cho năm 2010. Nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá cao...
 
Liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ (VINASHIN), Thủ tướng cho rằng, tình trạng nghiêm trọng hiện nay của VINASHIN chủ yếu là do sự yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn.

“Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các Bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của Tập đoàn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Chính trị đã nghe Chính phủ báo cáo và đã có kết luận chỉ đạo. Chính phủ đang triển khai thực hiện và đến nay đã có một số kết quả bước đầu.
 
Kinh tế vẫn tiềm ẩn không ít bất trắc

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội, Hà Văn Hiền cho rằng, nhập siêu tuy đạt mức dưới 20% nhưng giá trị vẫn là 13,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2009. Nhập siêu kéo dài trong nhiều năm đã làm sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối, tăng nợ quốc gia và gây sức ép giảm giá đồng nội tệ.

Tăng trưởng GDP vẫn dựa nhiều vào yếu tố vốn và lao động, còn đóng góp của năng suất, các yếu tố tổng hợp chưa cao, phản ánh chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện.

Chỉ số giá tiêu dùng cả năm dự kiến được kiểm soát dưới 8% nhưng diễn biến không ổn định trong năm, tác động xấu đến tâm lý người dân và khó khăn cho các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách.
Thủ tướng: Thực trạng Vinashin có trách nhiệm của Chính phủ - 2
Vẫn còn những lo ngại về chất lượng tăng trưởng

Đáng chú ý, do thắt chặt tiền tệ, dư nợ tín dụng, đặc biệt tín dụng bằng VND tăng thấp, lãi suất tăng cao, phần lớn các doanh nghiệp rất khó khăn về vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Điện thiếu nghiêm trọng, kéo dài làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhưng điều hành lĩnh vực này chưa tốt và chưa có biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả. Hầu hết các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2010-2011 bị chậm.
 

Kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc, nếu không sớm khắc phục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp theo.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương giữa năm 2010, chỉ có 5 trên 35 dự án nguồn điện được kiểm tra là đang bám theo tiến độ, còn lại đều bị chậm tiến độ. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu điện trong năm 2010 và có nguy cơ tiếp tục thiếu điện trong những năm tiếp theo.

Quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng bộc lộ rõ sự bất cập, chưa thay đổi kịp với chuyển biến của nền kinh tế thị trường, cơ chế kiểm tra, thanh tra giám sát, kiểm toán và quản lý tài chính nội bộ doanh nghiệp còn kém hiệu quả.

Việc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy (Vinashin) rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản là hậu quả của quá trình Tập đoàn đã đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, chưa thực sự tuân theo quy luật thị trường và do công tác kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế, chưa phát hiện kịp thời những quyết định sai trái về đầu tư, sử dụng vốn của lãnh đạo Tập đoàn.

Trong điều hành chính sách quản lý thị trường đã bộc lộ nhiều bất cập. Thị trường vàng, ngoại tệ diễn biến phức tạp, tình trạng ngoại tệ thanh toán hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam diễn ra khá phổ biến.

 Một số loại hàng hóa như sữa bộ, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi… phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu và do các doanh nghiệp nước ngoài chi phối đã làm cho giá tăng ngoài sự kiểm soát nhưng chưa có biện pháp phù hợp giải quyết…
 

Chính phủ dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 khoảng 7-7,5%. Đa số ý kiến trong Ủy ban kinh tế nhất trí với đề nghị này. Về chỉ số giá tiêu dùng, Chính phủ dự kiến tăng khoảng 7%. Đa số ý kiến cho rằng với những nhân tố làm giảm áp lực tăng so với năm 2010 như: nền kinh tế năm 2011 trên thế giới được dự báo chậm lại nên chỉ số giá hàng hóa cũng được dự báo sẽ không cao, giá hàng hóa trong nước không còn chịu nhiều sức ép do tác động của gói kích thích trong nước… nên đề nghị chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 tăng không quá 7%.

Về bôi chi ngân sách nhà nước, Chính phủ đề xuất khoảng 5,5% GDP, UB Kinh tế đề nghị không quá 5% GDP. Về nhập siêu, Chính phủ dự kiến là 19,5% kim ngạch xuất khẩu (tương đương 14,6 tỷ USD), UB Kinh tế đề nghị không quá 18% kim ngạch xuất khẩu.

 

 
Lan Hương - Cấn Cường
 
Ảnh: Việt Hưng