1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Xử vụ Vinashin: Mua tàu nghìn tỷ để... thử nghiệm

Chiều 27/3, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo liên quan trong vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Sai phạm do khó khăn nguồn vốn

Sau khi đại diện VKS đọc xong bản cáo trạng, HĐXX đã tiến hành xét hỏi các bị cáo liên quan đến 3 dự án: dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezen Cái Lân, dự án mua tàu Hoa Sen, dự án bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang.

Về dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Cái Lân, cáo trạng nêu rõ, đây là dự án thực hiện trong giai đoạn 2002 - 2005, với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 600 tỉ đồng.

Trong dư án này, Phạm Thanh Bình đã cho cấp dưới mua và tháo dỡ thiết bị từ một nhà máy nhiệt điện cũ ở Trung Quốc về lắp đặt tại Cái Lân.
Xử vụ Vinashin: Mua tàu nghìn tỷ để... thử nghiệm
Lý giải việc mua máy móc cũ, bị cáo Bình cho rằng việc mua một nhà máy có sẵn, đã lắp đặt giá thành chỉ bằng gần 1 nửa so với việc xây dựng nhà máy mới

Khi nhà máy đi vào vận hành, do mức tiêu hao nhiên liệu quá lớn (214,3g dầu/kWh điện, trong khi chỉ tiêu thiết kế là 195g/kWh điện) nên nhà máy càng hoạt động càng lỗ.

Từ năm 2007 đến 2009 lỗ 57,5 tỉ đồng. Đến cuối năm 2009, nhà máy phải ngừng hoạt động hoàn toàn.

Trả lời HĐXX về việc xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân, bị cáo Phạm Thanh Bình cho rằng, về hành vi cáo trạng truy tố của VKS là đúng và không có ý kiến gì. Tuy nhiên, phần luận tội chưa được hợp lý.

Bị cáo Bình trả lời rõ ràng nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong việc xây dựng dự án này là do điều kiện khách quan: “Do những khó khăn về nguồn vốn nên tôi đã có 1 số sai phạm: thống nhất, thỏa thuận với nhà thầu, để họ lo vốn cho mình như trong cáo trạng. Khi nhà thầu đã kết thúc phần xây dựng, yêu cầu tôi giải ngân 10 %, về nguyên tắc là không được nhưng chúng tôi vẫn phải làm. Lý do là thời gian chạy thử nhà máy nhiệt điện rất lâu, thời hạn rút vốn ngân hàng cho vay đã hết. Nếu chúng tôi không chấp nhận thì sẽ không có vốn”.

Lý giải việc mua máy móc cũ, bị cáo Bình cho rằng việc mua một nhà máy có sẵn, đã lắp đặt giá thành chỉ bằng gần 1 nửa so với việc xây dựng nhà máy mới.

Còn công suất kém vì nhà máy có 6 tổ máy thì mới chỉ có 2 tổ hoạt động thì đương nhiên lỗ chi phí. Dự án mới hoạt động thì phải để một thời gian hết công suất.

Kết thúc phần xét hỏi bị cáo Phạm Thanh Bình, HĐXX đã thẩm vấn các bị cáo liên quan đến dự án này. Bị cáo Tô Nghiêm thừa nhận những hành vị sai phạm của mình như cáo trạng đã nêu

“Tôi cũng nhận được rằng mình có những sai phạm, vi phạm luật đầu tư trong dự án này. Lẽ ra tôi phải kiến nghị không nên chạy ngay mà phải đợi nhà máy thép. Chúng tôi đã cố gắng chạy và bị lỗ” - bị cáo Liêm nói. 

Mua tàu Hoa Sen để chạy thử nghiệm 

Theo cáo trạng, năm 2007, ông Phạm Thanh Bình, khi đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin đã giao cho Công ty Vận tải viễn dương Vinashin mua tàu Cartour, đóng năm 2001 của Italia trị giá 63 triệu Euro về đổi tên thành tàu Hoa Sen cũ để chạy tuyến Bắc Nam.

Việc mua tàu không đúng thủ tục tài chính, không được kiểm tra một cách kỹ càng nên Vinashin đã mua phải tàu không phù hợp với điều kiện Việt Nam, có lỗi ẩn trong tôn đóng tàu nên khi vận hành ở Việt Nam, tàu bị thủng đáy, nước vào phải sửa chữa mất hơn 300.000 USD.

Tàu chạy được 39 chuyến thì phải dừng vì càng chạy càng lỗ. Dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen gây thiệt hại gần 470 tỉ đồng.

Trả lời HĐXX, bị cáo Bình cho rằng hành vi của mình là sai phạm. Tuy nhiên, không đồng ý với phần buộc tội. Theo bị cáo, vụ mua tàu Hoa Sen là một kế hoạch lâu dài được hoạch định từ những năm 2000 khi Chính phủ có chủ trương thiết lập tuyến đường trên biển Bắc Nam.

Mức đầu tư dự án tàu Hoa Sen vào khoảng trên 65-66 triệu Euro.

“Vào thời điểm ký hợp đồng mua tàu Hoa Sen thì chúng tôi đã làm xong dự án, đang trong quá trình hoàn thiện để trình ký phê duyệt chính thức. Đến thời điểm này vẫn chưa được quyết toán. Lý do mua con tàu này là để tạo ra một con đường cao tốc trên biển Bắc Nam. Muốn thế thì phải có một con tàu thử nghiệm và đang giữa chừng thì bị khủng hoảng” - bị cáo Bình trả lời HĐXX.

Bị cáo Bình cho hay, mua tàu hoa Sen với mục đích thử nghiệm: thử nghiệm về việc vận hành con tàu này như thế nào trong điều kiện ở VN; thử nghiệm về phương thức vận tải mới.

Việc đầu tư con tàu Hoa Sen có thể lỗ nhưng cả một dự án thì không lỗ bởi thời gian kéo dài của dự án này là gần 20 năm.

Việc vỏ tàu bị nứt, nguyên Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vinashin cho rằng nó không thuộc về trách nhiệm của cá nhân. Bởi vết nứt tiềm ẩn, nằm sâu ở giữa, dưới đáy tàu. Sau khi sử dụng được 3 tháng mới xảy ra việc này nên không thể khẳng định đây là lỗi của việc đi mua. 

Cũng bị hỏi về thương vụ tàu Hoa Sen, bị cáo Trần Văn Liêm - trước khi làm Trưởng ban Kiểm soát tập đoàn là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin (Công ty Viễn Dương) - thì khăng khăng cho rằng không phải đồng phạm, mà do là công ty con, nên chỉ thực hiện theo chỉ đạo của công ty mẹ. 

Trong ngày, HĐXX cũng đã tiến hành xét hỏi các bị cáo liên quan đến 3 dự án: dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện diezel Cái Lân, dự án mua tàu cao tốc Hoa Sen và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang.

Ngày mai, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo và các đơn vị liên quan đến vụ án này.
Clip thu từ chương trình thời sự tối 27/3 trên VTV1
Theo Hoàng Sang
Vietnamnet