Vinashin: Khoản nợ 300 triệu USD ở đâu ra?

Việc Vinashin được sử dụng 300 triệu USD trái phiếu chính phủ để trả khoản nợ vay của ngân hàng Natixis (Pháp) đang khiến dư luận quan tâm: vì sao lại dùng trái phiếu quốc tế trả nợ cho Vinashin? Vinashin còn nợ nước ngoài cụ thể bao nhiêu nữa?

Tiền lệ không tích cực

Đầu năm nay khi quyết định phát hành 1 tỉ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế, Việt Nam đã công khai cho các nhà đầu tư thế giới rằng, khác với lần phát hành 750 triệu USD tháng 10/2005 dành cho Vinashin, lần này Vinashin không có tên trong số những tập đoàn được sử dụng nguồn vốn trái phiếu.

Số tiền 1 tỉ USD sẽ được phân bổ cho Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Lắp máy Lilama, Tổng công ty Hàng hải Vinalines, tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN nhằm triển khai và tiếp tục các dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, thủy điện Xê Ca Mản 3, thủy điện Hủa Na, mua tàu vận tải.

Bây giờ Việt Nam lại dự kiến sử dụng gần 1/3 số tiền đó trả nợ cho Vinashin, liệu giới đầu tư có yên tâm?

Khi các tổ chức nước ngoài bỏ tiền mua trái phiếu, họ chắc chắn phải tính đến khả năng thu hồi vốn và lãi và nghiên cứu tính khả thi của các dự án được đầu tư cũng như năng lực của những doanh nghiệp thực hiện các dự án đó. Nay nếu địa chỉ sử dụng vốn trái phiếu bị thay đổi, nhất là địa chỉ đó trước mắt không có khả năng kinh doanh hòa vốn chứ đừng nói đến làm ra lợi nhuận, thì sẽ thế nào? Ngoài ra, nguồn vốn nào sẽ bổ sung cho 4 dự án tầm cỡ nói trên của các tập đoàn, tổng công ty khác? Nếu không, một trong số các dự án đó sẽ bị đình trệ và ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Trong công văn ban hành ngày 15/9/2010 của Văn phòng Chính phủ, ngoài Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, PVN được giao đàm phán với Ngân hàng Natixis xác định số tiền, thời điểm trả nợ đối với khoản vay mà Vinashin đã chuyển nghĩa vụ trả cho PVN.

Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, khoản vay đã đến hạn trả, sắp đến hạn hay đã quá hạn? Bất cứ khoản vay nào cũng ấn định rõ ngày đáo hạn, số tiền vay, vậy thì tại sao PVN phải thương lượng để xác định số tiền cũng như thời điểm trả nợ.

Thứ hai là Vinashin đã chuyển nghĩa vụ trả nợ cho PVN kèm theo việc chuyển giao các tài sản. Khi nhận tài sản (quyền lợi), về nguyên tắc PVN phải trả nợ (nghĩa vụ) thay cho Vinashin. Nợ của Vinashin đối với Ngân hàng Natixis không phải do Chính phủ bảo lãnh, nên không thể chuyển cho Chính phủ trả. Điều này có thể tạo ra một tiền lệ không tích cực từ phía các chủ nợ nước ngoài. Liệu Chính phủ có thể đứng ra trả hết mọi khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp một khi họ không trả được? Từ nay, nếu người vay có vấn đề gì, chủ nợ sẽ “túm áo” Chính phủ mà đòi?

Vinashin nợ nước ngoài bao nhiêu?

Trên hết, dư luận cần được biết khoản nợ Natixis từ đâu ra? Nó được vay trong hoàn cảnh nào và đã được sử dụng ra sao?

Đầu tháng 7/2010, khi còn ngồi ở chiếc ghế Tổng giám đốc Vinashin, ông Trần Quang Vũ trả lời báo chí là nợ nước ngoài của tập đoàn bao gồm hai khoản: 750 triệu USD trái phiếu chính phủ và 600 triệu USD vay nước ngoài (nguồn: “Cuộc thay đổi nào cũng kèm chấn động” vneconomy ngày 9/7/2010).

Trước đó, vào đầu tháng 5/2010, ba tháng trước khi ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Vinashin, bị bắt tạm giam, một tổ chức đầu tư nước ngoài tại TPHCM nhận thấy giá trái phiếu Vinashin trên thị trường quốc tế đột nhiên giảm mạnh. Tổ chức này đang nắm giữ một lượng trái phiếu ngoại tệ Vinashin do Crédit Suisse tư vấn phát hành năm 2007, số lượng 500 triệu USD, lãi suất 6%/năm, kỳ hạn năm năm. Người mua tham gia đợt phát hành đó là các nhà đầu tư nước ngoài. Tổ chức trên quyết định cắt lỗ, bán ra ở mức 69 USD/trái phiếu (mệnh giá khi mua là 100 USD/trái phiếu). Họ vẫn còn may mắn vì từ đầu tháng 7/2010, giá trái phiếu của Vinashin đã rớt xuống mức thấp hơn, dưới 60 USD/trái phiếu. Tại thời điểm này, nó biến động không ngừng.

Sở dĩ trái phiếu Vinashin do Crédit Suisse tư vấn phát hành “lao dốc” vì nó không được Chính phủ hay Bộ Tài chính bảo lãnh. Nhưng các khách hàng của Crédit Suisse đã bỏ tiền vào trái phiếu Vinashin không phải là những người duy nhất có thể bị lỗ.

Cũng trong năm 2007, Deutsche Bank đã tư vấn cho Vinashin phát hành 3.000 tỉ đồng (tương đương 187 triệu USD) trái phiếu trong nước và quốc tế. Báo Nhân Dân ngày 8/5/2007 đưa tin 3.000 tỉ đồng trái phiếu có kỳ hạn 10 năm, lãi suất 9%/năm và không được Chính phủ bảo lãnh.

Tiền thu về được Vinashin đầu tư xây dựng Nhà máy đóng tàu Cam Ranh, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, mở rộng nhà máy đóng tàu 76 và cụm dự án ngành công nghiệp phụ trợ. Tạp chí Marine Money (Asia Edition) số 6 ngày 10/5/2007 cho biết chi tiết 95% người mua trái phiếu Vinashin do Deutsche Bank tư vấn là các ngân hàng nước ngoài, công ty bảo hiểm và các nhà buôn trái phiếu quốc tế.

Cả hai khoản trái phiếu do Crédit Suisse và Deutsche Bank tư vấn phát hành đều chưa đến ngày đáo hạn. Một khoản đáo hạn năm 2012, khoản kia năm 2017. Có thể loại trừ khoản nợ Natixis không nằm trong số này.

Có nhiều khả năng nó là khoản nợ riêng biệt, không liên quan đến trái phiếu. Nếu đúng như thế, thì ngoài Natixis, Vinashin còn nợ ngân hàng nước ngoài nào nữa? Hơn 85 triệu người dân Việt Nam là chủ sở hữu Vinashin và người dân phải được biết thực trạng tài chính của tập đoàn này đang ở mức nào!

Theo Hải Lý
TBKTSG