Vinashin: Con nợ của nhiều ngân hàng

Theo thống kê chưa đầy đủ, các khoản nợ ngân hàng của Vinashin đã lên đến 86.000 tỉ đồng với tiền lãi hằng năm khoảng 10.000 tỉ đồng

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cho biết đến thời điểm này, đã cơ bản trả nợ lương cho người lao động đến hết tháng 8 với số tiền khoảng 200 tỉ đồng.

Như vậy, vấn đề ưu tiên số 1 là tiền lương đang dần được giải quyết. Còn các khoản nợ ngân hàng, theo thống kê chưa đầy đủ, đã lên đến 86.000 tỉ đồng với tiền lãi hằng năm khoảng 10.000 tỉ đồng.

Dễ trong, khó ngoài

Cơ cấu chi tiết các khoản nợ đến nay vẫn chưa được công bố. Chỉ biết Vinashin có hai khoản nợ đã rõ ràng là 750 triệu USD nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh và 600 triệu USD Vinashin tự vay nước ngoài. Trong nước, Vinashin đang vay của 10 ngân hàng lớn mà chủ yếu là ngân hàng thương mại Nhà nước.

Các khoản vay trong nước dễ xử lý hơn vì khả năng khoanh nợ, dãn nợ đồng thời với vay vốn mới là hoàn toàn có thể vì Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện. Nhưng khoản vay nước ngoài thì chỉ có một lựa chọn là đến hạn phải trả.
 
Vinashin: Con nợ của nhiều ngân hàng - 1
Vinashin đã trả nợ lương cho người lao động đến hết tháng 8 với số tiền khoảng 200 tỉ đồng.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Văn phòng Chính phủ thông báo phần lớn các khoản nợ nước ngoài tại Vinashin đều chưa đến hạn trả nợ. Nhưng đầu tháng 9, Chính phủ đã phải chấp thuận với đề nghị của Vinashin được dùng một phần trái phiếu quốc tế năm 2010 để trả nợ Ngân hàng Natixis (Pháp) với số tiền là 300 triệu USD trong tổng số 1 tỉ USD trái phiếu đã phát hành.

Theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các khoản vay của Vinashin không được Chính phủ công khai bảo lãnh sẽ không được phản ánh trong định nghĩa nợ công. Những khoản vay này được xem như là phần chìm của tảng băng, là nguy cơ khiến nợ công xấu đi do không được đong đo chính xác mà cuối cùng Chính phủ vẫn phải chịu hậu quả.

Củng cố lại bộ máy

Đề án tái cơ cấu Vinashin tập trung vào 4 nhiệm vụ chính: tổ chức lại nhân sự lãnh đạo; sắp xếp lại tất cả các doanh nghiệp thành viên; rà soát lại các dự án hiện có và tài chính; đánh giá bước 1, bước 2 về chuyển giao một số đơn vị thành viên cho Vinalines và Petro Việt Nam. Các dự án này mới được chuyển giao ban đầu, đến tháng 9 mới chuyển giao xong vì phải chờ kiểm toán định giá tài sản.

Ông Nguyễn Quang Khái, Bí thư Đảng ủy Vinashin, cho biết khi chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên, Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án nhân sự mới trình Chính phủ phê duyệt.

Dự kiến, danh sách HĐQT mới của Vinashin sẽ được trình trong tháng 10 và từng cá nhân được chọn vào HĐQT sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét kỹ trước khi trình Chính phủ phê duyệt. HĐQT mới của Vinashin sẽ gồm 5-7 cán bộ chuyên trách, là một cơ quan riêng, thay mặt Nhà nước quản lý vốn sở hữu tại doanh nghiệp...

Hiện nay, Vinashin “mới” vẫn hoạt động dưới sự chỉ đạo của HĐQT kế thừa của Vinashin “cũ” với điểm khác biệt là có 7 thành viên (thay vì 9) vì hai người đã bị tạm giam. HĐQT này cũng chỉ có một cán bộ chuyên trách, còn lại đều kiêm nhiệm, vừa là lãnh đạo vừa là người thừa hành vì giữ chức tổng giám đốc của các doanh nghiệp thành viên.

Bổ nhiệm nhân sự mới

Ông Nguyễn Đức Thận, ủy viên HĐQT, vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, sau khi ông Tô Nghiêm, Chủ tịch HĐQT công ty này, bị khởi tố và bắt tạm giam ngày 18/9. Người được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh là ông Lưu Quyết Thắng, ủy viên HĐQT.

Một ủy viên HĐQT khác là ông Đỗ Thành Hưng cũng được bổ nhiệm tạm giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát Vinashin thay ông Trần Văn Liêm bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 3/9.

 
Theo Tô Hà
Báo Người lao động