DMagazine

Ông Phạm Quang Nghị: "Tôi vẫn còn mang nợ Hà Nội rất nhiều"

(Dân trí) - "Việc ở Hà Nội nhiều như nước sông Hồng, nên khi còn công tác, dù đã tận tâm và tận lực, tôi thấy rằng mình vẫn mang nợ thành phố rất nhiều", ông Phạm Quang Nghị chia sẻ với Dân trí.

Ông Phạm Quang Nghị trò chuyện với báo Dân trí trong dịp được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú (Video: Phạm Tiến - Minh Quang)

Trong cuộc trò chuyện nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, ông Phạm Quang Nghị (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, công dân Thủ đô ưu tú năm 2024) chia sẻ những tâm huyết về sự phát triển của thành phố và cả những điều ông trăn trở khi nhìn lại 10 năm ở cương vị lãnh đạo thành phố.

Ông Phạm Quang Nghị: Tôi vẫn còn mang nợ Hà Nội rất nhiều - 2

Vào năm 2009, chúng tôi có dịp phỏng vấn ông khi ông đang giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Lúc đó ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của Thủ đô. "Trong hai mục tiêu kinh tế và văn hóa, theo tôi, cả hai đều cần, nhưng hỏi cái gì quan trọng hơn, với thủ đô Hà Nội, văn hóa quan trọng hơn", ông nói như vậy.

Sau 15 năm, chúng tôi muốn hỏi lại ông câu này, đó là: "Ông mong ước Hà Nội sẽ là một Thăng Long của thời hiện đại, một trung tâm văn hóa hay một đô thị hiện đại, năng động về kinh tế?".

- Nói đến Thủ đô Hà Nội, điều mà mọi người thường nghĩ đến trước tiên, đấy là Thủ đô nghìn năm văn hiến. Là Thủ đô có truyền thống lịch sử, văn hóa rất đáng tự hào. Là hình ảnh vừa là đại diện, vừa là tiêu biểu của đất nước.

Nơi đây có những nét đẹp nổi bật về lịch sử, văn hóa. Do vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, yêu cầu, đòi hỏi ấy cũng luôn nổi trội hơn, cần được quan tâm, ưu tiên hơn là ưu tiên phát triển kinh tế. Dĩ nhiên, trong sự so sánh, lựa chọn ưu tiên ấy cũng mang tính tương đối. Một khi chúng ta xác định mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, hay như Bác Hồ mong ước, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn - mục tiêu này luôn bao hàm yêu cầu xây dựng và phát triển toàn diện, cả văn hóa và kinh tế.

Khi nói văn hóa là tôi suy nghĩ tới một nội hàm rất rộng chứ không phải chỉ ở trình độ học vấn hay văn học, nghệ thuật…, mà là tổng thể các hoạt động và sáng tạo của con người trong thực tiễn, các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội, là cuộc sống, lối sống, là trật tự, kỷ cương, là văn minh, thanh lịch, hiện đại. Tôi nhớ trong cuộc phỏng vấn mà bạn nhắc đến 15 năm trước, tôi đã nói rằng cần phải coi kỷ cương pháp luật cũng là văn hóa, thứ văn hóa mà con người phải mất hàng trăm năm rèn giũa mới có được. Đó là văn hóa tôn trọng mọi người để được mọi người tôn trọng.

Ông Phạm Quang Nghị: Tôi vẫn còn mang nợ Hà Nội rất nhiều - 3

Văn hóa với nghĩa rộng như vậy là rất cần thiết với Hà Nội. Nhưng khi nói đến văn hóa thì tôi cũng phải lưu ý thêm một điều, chúng ta vẫn phải rất chú trọng phát triển kinh tế vì "có thực mới vực được đạo".

Cho nên, trước đây tôi đã nói "trong hai mục tiêu kinh tế và văn hóa, cả hai đều cần. Nhưng với thủ đô Hà Nội, văn hóa quan trọng hơn". Tôi nghĩ quan điểm ấy đến nay vẫn đúng.

Xin nói thêm, trong Hiến pháp và Luật Thủ đô khi quy định về vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô Hà Nội, vấn đề văn hóa cũng xếp cao hơn vấn đề kinh tế. Hơn 1.000 năm trước, Thủ đô của đất nước mang tên Thăng Long. Đấy vừa là biểu tượng, vừa là khát vọng của cha ông. Có lẽ khát vọng ấy bây giờ đang được chúng ta nói tới bằng những từ ngữ mới: Thời đại vươn mình hướng tới tương lai. So sánh như vậy để thấy ý chí, khát vọng của ông cha ta từ hơn 1.000 năm trước là vô cùng mãnh liệt.

Thưa ông, thông thường những chuyển biến về văn hóa sẽ đòi hỏi độ lùi về thời gian nhiều hơn là chuyển biến kinh tế. Xin hỏi, ông nghĩ sao về nhận xét rằng có những vấn đề ở Hà Nội chuyển biến chậm, hay nói cách khác là "Hà Nội không vội được đâu"?

- "Với Thủ đô Hà Nội, văn hóa quan trọng hơn", như nói ở trên, đấy là khi yêu cầu, đòi hỏi cần phải ưu tiên chú trọng vấn đề văn hóa đối với Thủ đô Hà Nội. Điều ấy không phải chúng ta không quan tâm hoặc coi nhẹ vấn đề xây dựng và phát triển kinh tế. Hà Nội văn minh, hiện đại cần sự phát triển toàn diện, đồng bộ. Không có hạ tầng kinh tế - kỹ thuật hiện đại thì không thể có Thủ đô văn minh, văn hiến được.

Hà Nội phát triển nhanh và toàn diện về văn hóa, về kinh tế - xã hội là mong muốn chính đáng của mọi người, không chỉ công dân Thủ đô, không chỉ người Việt Nam mà bạn bè quốc tế tới thăm Hà Nội cũng mong muốn như vậy. 

Bản thân tôi sống ở Thủ đô Hà Nội đến hôm nay hơn 50 năm, ở cương vị lãnh đạo thành phố là 10 năm, nhận thấy rất rõ tầm vóc, diện mạo của Thủ đô Hà Nội đổi thay, lớn lên hàng ngày. Mỗi lần đi trên những nhịp cầu hiện đại bắc qua sông Hồng nhìn về phía nội thành, bức tranh toàn cảnh của một Thủ đô đang vươn tới cả về tầm cao và chiều rộng hiện lên trước mắt tôi với biết bao công trình mới. 

Ông Phạm Quang Nghị: Tôi vẫn còn mang nợ Hà Nội rất nhiều - 6

Tôi muốn nói thêm một chút về câu nói hay một lời nhận xét "Hà Nội không vội được đâu", là có ý với Thủ đô Hà Nội công việc không chỉ nhiều mà còn khó; luôn đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao.

Công việc rất nhiều, cho nên cùng một lúc nguồn lực của thành phố phải phân bổ cho các đầu mối, lĩnh vực khác nhau. Cùng một lúc phải làm nhiều việc thì dù muốn hay không cũng bị phân tán, không tập trung để làm nhanh, làm dứt điểm một việc cụ thể nào đó.

Hơn nữa, công việc ở Hà Nội không chỉ nhiều mà nói chung là khó, trước khi quyết định điều gì đều phải cần phải cân nhắc, lắng nghe, nâng lên, đặt xuống. Tôi có một đúc kết cá nhân là người Hà Nội rất cẩn thận, rất cầu toàn. Việc gì không làm thì thôi, đã làm phải chỉn chu. Hà Nội lại luôn được mọi người quan tâm, chú ý (bao gồm cả kiến nghị, góp ý, phản biện…) hết sức rộng rãi của dư luận xã hội, của các chuyên gia, các nhà khoa học… Cho nên ở Hà Nội quyết việc gì cũng không thể vội được đâu.

Chưa kể còn phải báo cáo xin ý kiến các cơ quan Trung ương… Tất cả quy trình, thủ tục ấy khiến cho hầu hết công việc ở Hà Nội đều khá mất thời gian chờ đợi.

Cùng với điều ấy (đôi khi là dựa vào những thủ tục rườm rà ấy) nhiều cán bộ cũng thiếu quyết tâm, không dám chịu trách nhiệm, cầu toàn và muốn cho mình được an toàn… làm cho công việc đã chậm càng chậm thêm.

Trong bối cảnh công việc vừa nhiều, vừa khó, quyết nhanh quá đôi khi cũng hỏng. Ấy là chưa nói, sẽ khó có được sự đồng thuận của xã hội. Những ví dụ về việc này thì không ít. Có khi một quyết định đưa ra là đúng đấy, nhưng chưa phân tích cặn kẽ, chưa so sánh cụ thể và giải thích rộng rãi là vì sao chọn phương án này mà không chọn phương án kia thì lại có dư luận. Chẳng hạn như vì sao cây cầu đặt ở vị trí này mà không ở vị trí khác? Tất cả những vấn đề như vậy góp phần làm chậm trễ quá trình ra quyết định ở thành phố.

Ông Phạm Quang Nghị: Tôi vẫn còn mang nợ Hà Nội rất nhiều - 7

Như vậy là có những nguyên nhân khách quan, song rõ ràng cuộc sống và sự phát triển đang và sẽ đòi hỏi thành phố "không vội không được"?

- Nhiều đồng chí lãnh đạo khi về làm việc với Hà Nội và bản thân tôi lúc đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Đảng bộ Thủ đô cũng đã đề nghị các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ thành phố phải dám nghĩ, dám làm, phải triển khai công việc sao cho nhanh hơn, hiệu quả hơn, không để những yếu tố khách quan cản trở công việc chung. Người dân đang chờ đợi và nhìn vào chúng ta. Đằng sau một dự án dân sinh là cuộc sống của biết bao gia đình.

Chính vì vậy, công việc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, ý thức cầu thị và sự quyết tâm của thành phố, từ tập thể lãnh đạo cho đến đội ngũ cán bộ ở các sở ngành, quận huyện... Tất nhiên muốn thay đổi phải đồng bộ. Tôi nói ví dụ Chính phủ, các bộ ngành cũng phải mạnh dạn phân cấp cho Hà Nội nhiều hơn nữa. Như vừa rồi Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những sự phân cấp rất cần thiết. Với khuôn khổ pháp lý mới thì từ nay trở đi Hà Nội "bớt hỏi, bớt xin ý kiến" và qua đó công việc sẽ nhanh hơn.

Cũng từ khuôn khổ pháp lý này, cán bộ ở thành phố phải chủ động quyết định các công việc theo phân cấp, không cần và không thể cứ trông chờ cấp trên. Chấm dứt kiểu tư duy việc lớn, việc nhỏ gì cũng báo cáo cấp trên cho an toàn rồi mới làm.

Ông Phạm Quang Nghị: Tôi vẫn còn mang nợ Hà Nội rất nhiều - 10

Khuôn khổ pháp lý đẩy mạnh phân cấp cho Hà Nội là cần thiết, nhưng tôi nghĩ bản lĩnh của người cán bộ đóng vai trò quan trọng. Như hồi ông làm lãnh đạo thành phố, tôi thấy nhiều việc phức tạp được xử lý rất nhanh, chẳng hạn như "cắt ngọn" các công trình xây dựng sai phép; chuyển chợ Âm phủ thành Phố sách thay vì xây cao ốc, trung tâm thương mại.v.v. Trong bối cảnh "Hà Nội không vội được đâu" thì những quyết sách mạnh mẽ hồi đó là nhờ đâu, thưa ông?

- Trước hết đó là những vấn đề xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn. Những việc ấy nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dư luận xã hội và văn hóa, mỹ quan đô thị. Những áp lực từ thực tiễn khiến người lãnh đạo phải giải quyết nhanh.

Thứ hai, trước khi quyết nhanh, phải nói thật rằng tôi đã tìm hiểu, lắng nghe ý kiến nhiều chiều và cân nhắc rất thấu đáo những vấn đề đó rồi.

Thứ ba là mình không có vương vấn riêng tư gì cả, mình quyết tất cả vì lợi ích chung thì rất yên tâm.

Có một câu chuyện mà tôi từng kể, xin chia sẻ lại ở đây. Đó là từ khi được nghỉ công tác thì một trong những thói quen yêu thích tôi khôi phục lại là đi bộ buổi sáng hàng ngày. Những năm ở vị trí Bí thư Thành ủy, tôi không duy trì được thói quen này vì lý do công tác bảo vệ. Nhất là thời điểm tôi đang trực tiếp chỉ đạo "cắt ngọn" các công trình xây dựng sai phép, đụng chạm quyết liệt tới lợi ích của một số "đại gia" và những người tiêu cực "chống lưng" trong bộ máy của mình. Chủ trương phải xử lý thật nghiêm đối với một số công trình xây dựng sai phép nghiêm trọng lúc bấy giờ là một việc làm chưa có tiền lệ, dù trước đó những biện pháp xử phạt cũng đã từng làm, nhưng không quyết liệt, đủ mức răn đe.

Ông Phạm Quang Nghị: Tôi vẫn còn mang nợ Hà Nội rất nhiều - 12

Dù được báo chí và dư luận xã hội rất hoan nghênh, nhưng vẫn có nhiều người tìm cách tác động để chủ trương này phải dừng lại. Những vận động ngấm ngầm lẫn công khai, ráo riết diễn ra hàng ngày. Từ hù dọa, khiếu kiện, cho đến đi cửa sau tìm cách hối lộ, mua chuộc song không thể lay chuyển được chủ trương "cắt ngọn công trình" - cách gọi của báo chí lúc bấy giờ.

Đó thực sự là một cuộc chiến cân não. Có những thông tin cảnh báo với tôi cần phải đề phòng với những hành vi liều lĩnh, manh động có thể xảy ra vào lúc tôi đi bộ trong công viên. Thật tình lúc đó tôi hoàn toàn không sợ, không ngại mình bị trả thù, nhưng không lẽ mỗi buổi sáng đi bộ trong công viên lại phải có thêm vài đồng chí cảnh vệ đi cùng. Thôi thì để khỏi vất vả cho anh em, tôi đành "hy sinh" việc đi bộ mỗi ngày. Sau này khi nghỉ công tác thì những mối lo như thế với tôi không còn nữa. Mỗi buổi sáng mai tôi lại được hòa cùng dòng người đi trong công viên. Được hít thở không khí trong lành và một sự thảnh thơi trong đầu.

Ông Phạm Quang Nghị: Tôi vẫn còn mang nợ Hà Nội rất nhiều - 14

Tầm vóc, diện mạo của Thủ đô Hà Nội đổi thay từng ngày như ông nói ở trên. Nhưng nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc nhận xét rằng bao nhiêu năm nay Hà Nội chỉ tập trung phát triển về phía Tây và phía Nam mà "quay lưng" với sông Hồng. Chúng tôi muốn nghe giải thích của ông, một người am hiểu Hà Nội cả về lịch sử, văn hóa cũng như quản lý vĩ mô, về vấn đề này?

- Đây là một câu hỏi lý thú. Việc quy hoạch xây dựng Hà Nội tập trung về phía Tây và phía Nam quay lưng với sông Hồng là một nhận xét đúng với thực tế đã diễn ra. Uớc muốn xây dựng thành phố Hà Nội là thành phố hai bên sông, như sông Hàn, sông Seine, sông Danube, sông Moskva… là một ý tưởng đẹp về kiến trúc đô thị.

Những năm gần đây, cùng với quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050, cũng như quy hoạch phát triển hai bờ sông Hồng đã đề cập đến vấn đề này, nhằm khắc phục những hạn chế của quy hoạch trước đó.

Về điều này, rất cần một sự giải thích. Điều mà gần đây hay bây giờ mọi người "phát hiện" việc quy hoạch "quay lưng" với sông Hồng, trước hết bắt nguồn từ lý do hết sức quan trọng mà ông cha ta luôn nhắc nhở các thế hệ mai sau: Đấy là lý do nhằm đảm bảo yêu cầu an ninh - phòng thủ cho Thủ đô và đất nước. Đất nước ta đã trải qua hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm từ phương Bắc. Vì vậy ngoài những tuyến phòng thủ từ xa (biên giới, Ải Chi Lăng, phòng tuyến sông Cầu, sông Thương), là phòng tuyến sông Hồng. Đấy là những chiến lũy bảo vệ kinh thành Thăng Long. Không phải ông cha ta không biết xây đô thị hai bên sông là đẹp, nhưng đẹp phải đi đôi với an toàn; giữa đẹp và an ninh, an toàn thì phải ưu tiên hơn vấn đề phòng thủ bảo vệ Thủ đô và vấn đề trị thủy vào mùa lũ.

Ông Phạm Quang Nghị: Tôi vẫn còn mang nợ Hà Nội rất nhiều - 15

Bờ Bắc sông Hồng là nơi bố phòng, còn xây dựng, phát triển thì ở bờ Nam. Tên gọi Hà Nội không đơn thuần là thành phố bên trong các dòng sông, mà còn có ý nghĩa như vậy. Về sau này, nhất là những năm gần đây, trong bối cảnh thế giới thay đổi, quan hệ của nước ta với khu vực, với thế giới đã khác trước. Các điều kiện về kinh tế - xã hội cũng khác trước, cho nên chúng ta đã và đang phát triển cả phía Bắc sông Hồng, với Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh… Hai bờ sông bây giờ phát triển rất nhộn nhịp, thậm chí các dự án ở bờ Bắc sông Hồng đang được ưu tiên về quy mô và tốc độ. Tôi nghĩ đó là sự phát triển phù hợp với điều kiện hiện nay.

Tôi muốn nói thêm một ý, ngay cả bây giờ để có thể xây dựng thành phố hai bên bờ sông, đặc biệt là cải tạo các khu vực dân cư theo quy hoạch thì sẽ cần một nguồn lực không phải nhỏ, trước hết là để phục vụ cho việc giải tỏa, đền bù cho dân.

Trong đồ án quy hoạch Thủ đô, sông Hồng được xác định là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Tuy nhiên nhìn vào lịch sử cũng như qua cơn bão Yagi vừa rồi, nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề an toàn phòng chống lũ. Ông nghĩ sao?

- Đây là một câu hỏi rất lớn mà tôi nghĩ rằng trong khi xây dựng quy hoạch chung của đất nước và quy hoạch riêng của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, những vấn đề như vậy đều được nghiên cứu và đặt ra xem xét một cách toàn diện, thấu đáo. Câu hỏi này liên quan đến hệ thống các đập thủy điện trên thượng lưu sông Hồng, không chỉ  vấn đề điện năng mà còn là vấn đề trị thủy, đảm bảo cho sự an toàn của hạ lưu dòng sông Hồng nói chung, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Ở đây cũng phải thấy rằng thực lực kinh tế của đất nước và của Thủ đô Hà Nội bây giờ có điều kiện hơn trước. Nhiều việc chúng ta muốn làm, lúc này có thể làm được, ví dụ về hạ tầng giao thông, xây dựng các cây cầu, các công trình… cần thiết và phù hợp với quy hoạch, với sông Hồng, dòng sông Mẹ của chúng ta.

Ông Phạm Quang Nghị: Tôi vẫn còn mang nợ Hà Nội rất nhiều - 18

Ông từng chia sẻ rằng "Việc của Thủ đô nhiều như nước sông Hồng". Dù luôn làm việc một cách tận tâm, tận lực, song khi nghỉ công tác thì ông "vẫn còn mang nợ thành phố rất nhiều". Nhân dịp này, ông có thể hé lộ một vài điều về những trăn trở của mình?  

- Suy nghĩ "còn mang nợ thành phố rất nhiều" là những trăn trở có thật, xuất phát từ sự tự đối chiếu với những yêu cầu, đòi hỏi của công việc ở Thủ đô. Trong đó, có những việc mình cần phải hoàn thành, cần phải chỉ đạo ráo riết, quyết liệt hơn.

Một đô thị lớn đang trong quá trình xây dựng và phát triển, là trung tâm chính trị - kinh tế thì khối lượng công việc nhiều gấp vài chục lần ở các địa phương khác. Bên cạnh những việc mà Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã làm được trong thời gian tôi còn công tác, trong thâm tâm tôi lúc nào cũng cảm thấy còn nhiều việc mình chưa hoàn thành hoặc chưa làm tốt.

Lý do thì rất nhiều, khách quan thế này, chủ quan thế kia, nội lực thế này, ngoại lực thế kia… Tôi không muốn giải thích kỹ về những điều đó. Nhưng nếu nói rằng những việc còn trăn trở thì cũng khá nhiều. Tôi xin kể ra năm ba việc.

Đầu tiên, tôi rất mong muốn xây dựng và phát triển Hà Nội mạnh về văn hóa, tiêu biểu về văn hóa. Cho nên trong hai nhiệm kỳ Bí thư, ngoài những công trình dự án lớn đã hoàn thành và cùng với trường học, bảo tàng, thư viện…, tôi rất muốn xây nhà hát Thăng Long vào dịp 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội tự hào với truyền thống nghìn năm văn hiến, đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo như vậy mà không có được một nhà hát khang trang, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân Thủ đô, chứ chưa nói là để so sánh với khu vực và bạn bè quốc tế.

Ông Phạm Quang Nghị: Tôi vẫn còn mang nợ Hà Nội rất nhiều - 19

Nhà hát lớn Hà Nội là công trình người Pháp xây dựng trong thời kỳ họ đô hộ nước ta, đến nay vẫn là công trình kiến trúc nghệ thuật mang trong mình vẻ đẹp cổ điển, sang trọng và đậm chất hàn lâm. Còn với chúng ta, không chỉ vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội mà ngay đến bây giờ, thành phố cũng chưa xây được một công trình nhà hát xứng tầm.

Điều thứ hai tôi vẫn trăn trở là cho đến hôm nay trong các quận nội thành vẫn còn chưa đủ trường mẫu giáo, trường tiểu học công lập. Khi còn làm việc tôi đã chỉ đạo rất quyết liệt thu hồi đất từ các dự án kinh tế thương mại chậm triển khai để xây trường. Nhưng vừa qua như chúng ta thấy, hàng năm đến dịp đầu năm học thì lại thấy thiếu một số trường.

Khi đang công tác, tôi coi đây là một khuyết điểm và sau này tôi cũng nói với các đồng chí đương chức như vậy. Tôi nói đây là việc chúng ta không thể biện minh, không thể giải thích gì được.

Đây là khuyết điểm chủ quan, tất nhiên lý do thì có rất nhiều, mà một trong số các lý do ai cũng thấy là quy mô dân cư tăng lên đột biến, chỉ vài ba chung cư cao tầng mọc lên là lập tức thiếu một trường học. Các nhà đầu tư chỉ chạy theo lợi nhuận, không chú ý xây trường đồng bộ với xây căn hộ để bán.

Nhưng tôi xin nói ngay, cả lý do đó cũng vì khuyết điểm chủ quan của cơ quan quản lý, chỉ đạo không quyết liệt, không đôn đốc, không yêu cầu các nhà đầu tư làm đúng như trong cam kết, tức là phải làm trường học đồng thời, thậm chí làm trước khi xây chung cư.

Việc lớn hơn là vấn đề xây dựng và quản lý quy hoạch trật tự xây dựng ở Thủ đô. Dù có thời điểm chúng tôi đã chỉ đạo xử lý các vi phạm rất quyết liệt, nhưng vẫn không triệt để. Việc "cắt ngọn công trình" sai phạm chỉ làm ráo riết, quyết liệt một số năm sau đó lại buông lỏng.

Ông Phạm Quang Nghị: Tôi vẫn còn mang nợ Hà Nội rất nhiều - 22

Rồi một vài việc thật ra không khó về vốn, về công nghệ hay cần phải có những năng lực quản lý gì cao siêu, như xây lát vỉa hè ở Thủ đô… Nhưng thật đáng tiếc, việc triển khai thi công, quản lý sử dụng vỉa hè ở Thủ đô cũng còn rất nhiều yếu kém… Cứ vào dịp cuối năm, gần Tết thì bắt đầu lo giải ngân, bắt đầu đào bới lên để làm như là một thứ chia lợi ích và chia công việc. Tôi nói ví dụ những việc như vậy đã trở thành quán tính ở thành phố rất khó sửa.

Hay là việc quản lý vỉa hè, lòng đường, thời kỳ nào khi đưa ra chủ trương cũng đứng trước hai luồng ý kiến, một luồng ý kiến là phải quan tâm đến công ăn việc làm của những người thu nhập thấp, quan tâm đến kinh tế vỉa hè và văn hóa vỉa hè, luồng ý kiến còn lại là vấn đề trật tự giao thông, là văn minh và mỹ quan đô thị.

Nếu phải kể thêm, vấn đề xây dựng, cải tạo chung cư cũ, biệt thự cũ ở Hà Nội cũng rất chậm chạp, ì ạch… Những vấn đề này, nếu phải phân tích tìm hiểu trách nhiệm và nguyên nhân thì cũng có rất nhiều điều phải nói. Hà Nội có rất nhiều khu chung cư cũ và biệt thự cũ xuống cấp, thậm chí nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Khi tôi còn làm Bí thư, thành phố đã triển khai cải tạo thí điểm được một số chung cư. Ví dụ ở khu Kim Liên, Giảng Võ… Nhưng sau đó Chính phủ có quy định trong nội thành không xây quá 9 tầng. Khi không được xây quá 9 tầng thì các nhà đầu tư không có lợi ích, người ta không tham gia, chưa kể những khó khăn liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Những hộ ở tầng một kinh doanh thuận lợi không muốn di dời, còn các hộ ở tầng trên dù nhu cầu cấp bách song lại vướng tầng một…

Điểm qua một vài việc như thế đủ thấy "việc của Thủ đô nhiều như nước sông Hồng", với tôi bên cạnh những việc làm được, thì những việc còn mang nợ thành phố cũng không phải ít.

Ông Phạm Quang Nghị: Tôi vẫn còn mang nợ Hà Nội rất nhiều - 23

Xin được hỏi hình dung của ông về Hà Nội trong tương lai?

- Hình dung này đã được Đảng, Nhà nước hết sức chú trọng, quan tâm rồi. Trước hết là Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, rồi Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô đến năm 2050, rồi quy hoạch chung phát triển Thủ đô, cho tới những quy hoạch phân khu, quy hoạch hai bờ sông Hồng… đều đã được thông qua.

Tất cả những điều tôi nhắc đến ở trên là để xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, thực hiện được lời dặn của Bác Hồ, đó là xây dựng đất nước ta, Thủ đô ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Nội dung: Võ Văn Thành

Ảnh: Thành Đông

Video: Phạm Tiến, Minh Quang

Thiết kế: Cẩm Tiên