1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

28 năm trận hải chiến Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2016)

Cuộc sống khốn khó của những cựu binh Gạc Ma

(Dân trí) - Trở về sau cuộc chiến sinh tử ở Gạc Ma ngày 14/3/1988, trong số những cựu binh mà chúng tôi tìm gặp có người đã qua đời vì bạo bệnh, còn lại hầu hết đang sống trong cảnh bần hàn, vất vả mưu sinh kiếm sống qua ngày...

"Không đi biển lấy tiền mô đong gạo?"

Hôm chúng tôi về xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, thăm gia đình cựu binh Gạc Ma Hồ Văn Ba, ông không có nhà. Bà Lê Thị Thảo (vợ ông) tiếp chúng tôi trong một túp lều che tạm cho biết, ông Ba mới ra khơi cùng bạn thuyền trong xóm ngày trước. “Khổ lắm chú ạ! Người thì hay đau ốm, tui khuyên ở nhà với vợ, có rau ăn rau có cháo ăn cháu nhưng ông ấy nhất quyết không chịu. Cứ khăng khăng đòi đi cho được. Ông còn bảo không đi thì lấy tiền mô mà đong gạo”, bà Thảo tâm sự.


Bà Lê Thị Thảo (vợ cựu binh Hồ Văn Ba) xót xa thương chồng đau ốm vẫn phải đi biển kiếm sống.

Bà Lê Thị Thảo (vợ cựu binh Hồ Văn Ba) xót xa thương chồng đau ốm vẫn phải đi biển kiếm sống.

Sau khi xuất ngũ vào tháng 12/1998, cựu binh Hồ Văn Ba trở về quê hương lấy vợ, sinh con và gắn với nghề đi biển. Năm 2004, ông góp 100 triệu cùng bạn chài mua thuyền đánh cá. Gặp lúc giá dầu tăng cao, vỡ nợ, ông phải bán thuyền. "Mỗi tháng ông ấy đi biển khoảng 20 ngày, năm nào may mắn lắm thì cũng được vài chục triệu đồng, không đủ ăn và trả lãi ngân hàng”, bà Thảo nói.

Vợ chồng ông Ba có hai đứa con gái. Con gái đầu sinh năm 1992, vì gia đình nghèo khó nên học hết lớp 9 là bỏ học rồi đi lấy chồng, sinh con, ở nhà vá lưới, bán cá kiếm sống. Con gái thứ hai sinh năm 1994, học hết lớp 9 rồi cũng bỏ học vào miền Nam làm thuê. “Vô đó làm được một thời gian, nghe lời bạn nên đi sang Malaysia làm thuê, mới sang được ít tháng thì bị bắt, hiện vẫn chưa có tiền để chuộc về”, bà Thảo xót xa nói.

Cả cuộc đời, hai vợ chồng bà vất vả, lam lũ làm ăn nhưng hơn 23 năm cũng không xây nổi căn nhà cấp bốn tránh nắng, trú mưa. Tết vừa rồi, hai vợ chồng ông Ba vỡ òa sung sướng khi có một tổ chức từ thiện ở TP Hồ Chí Minh cho tiền trả nợ ngân hàng 50 triệu đồng và xây tặng căn nhà trị giá hơn 300 triệu đồng.

“Khi nghe tin có nhà từ thiện cho tiền trả nợ và xây nhà, hai vợ chồng tui mừng đến nỗi ôm nhau khóc suốt đêm. Cứ nghĩ rằng suốt cuộc đời này sẽ ở mãi trong túp lều dột nát...”, bà Thảo nói.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Ba được một nhà từ thiện ở TP Hồ Chí Minh tài trợ hiện đã xong phần móng
Ngôi nhà của vợ chồng ông Ba được một nhà từ thiện ở TP Hồ Chí Minh tài trợ hiện đã xong phần móng

Hôm chúng tôi đến thăm, ngôi nhà đã hoàn thành phần móng. Ngày biết tin có nhà từ thiện tài trợ làm nhà, anh em họ hàng và xóm giềng đều đến giúp người một tay. “Bọn tui không có tiền, chỉ giúp được ít công cán thôi. Là một người lính trở về nhưng cuộc sống gia đình chú Ba khó khăn quá, đến cái ăn qua ngày còn lo chưa đủ huống chi nghĩ đến chuyện làm nhà. Nhưng, giờ thì ước mơ có một ngôi nhà xây kiên cố đã sắp trở thành hiện thực với vợ chồng chú ấy”, ông Hồng, một người hàng xóm tốt bụng chia sẻ.

Dù có nhà từ thiện cho tiền làm nhà nhưng những ngày này ông Ba vẫn tranh thủ đi biển với chủ thuyền kiếm tiền đong gạo.

Mong có tiền đầu tư chiếc thuyền cho các con ra khơi

Cách nhà ông Ba không xa là gia đình cựu binh Hồ Văn Đạo. Cũng như hơn 300 chiến sỹ khác ở Quảng Bình, đầu năm 1988, chàng trai trẻ Hồ Văn Đạo lên đường nhập ngũ và dũng cảm ra Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Cựu binh Hồ Văn Đạo cầm trên tay những kỷ vật, giấy tờ liên quan kể về trận chiến oai hùng Gạc Ma ngày 14/3/1988
Cựu binh Hồ Văn Đạo cầm trên tay những kỷ vật, giấy tờ liên quan kể về trận chiến oai hùng Gạc Ma ngày 14/3/1988

Sống sót sau trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, ông Đạo trở về quê hương, xây dựng gia đình. Ông Đạo rời quân ngũ trở về mang trên mình đầy thương tật, những vết thương thường xuyên đau nhức mỗi khi trái gió trở trời.

Vợ chồng ông Đạo có 3 người con. Cũng vì cuộc sống gia đình khó khăn nên cả 3 đứa chỉ học hết lớp 5 rồi bỏ học đi biển kiếm sống qua ngày.

“Những năm gần đây ông ấy đau ốm liên miên nhưng không có tiền đưa đi viện chữa trị. Sắp tới có thẻ bảo hiểm, chắc tui phải đưa ông đi Huế hoặc Hà Nội kiểm tra và điều trị một chuyến. Nhiều lúc nhìn thấy ông đau vật vã suốt đêm, trong lòng tui cũng day dứt lắm nhưng không biết làm răng cả”, bà Lê Thị Hồng (48 tuổi, vợ ông Đạo) lực bất tòng tâm.

Những năm gần đây, cựu binh Hồ Văn Đạo bị bệnh tật hành hạ quanh năm nhưng không có tiền đi viện chữa trị
Những năm gần đây, cựu binh Hồ Văn Đạo bị bệnh tật hành hạ quanh năm nhưng không có tiền đi viện chữa trị

Thương cảnh vợ chồng nghèo, không nghề nghiệp, chồng lại đau ốm thường xuyên nên vài năm trước, người thân hai bên nội ngoại và hàng xóm cho mượn tiền xây căn nhà cấp bốn để ở. “Tiền làm nhà hiện tại cũng đang nợ khoảng 120 triệu đồng, chưa biết đến khi mô mới trả hết. Nhưng thú thực với chú, nếu không có anh em cho mượn, chắc suốt đời này vợ chồng tui và mấy đứa con cũng phải ở trong căn nhà tạm, dột nát quanh năm”, bà Hồng tủi phận.

Trước lúc ra về, tôi hỏi ông Đạo rằng, ước mong lớn nhất của ông bây giờ là gì? Ông lắc đầu: “Tui chỉ mong trời cho sức khỏe, thỉnh thoảng anh em đồng đội cũ gặp nhau giao lưu rứa là vui lắm rồi”. Còn bà Hồng thổ lộ. “Ba nó đi lính nghĩa vụ về nên không có chế độ chi cả, giờ lại đau ốm quanh năm. Con cái bỏ học sớm nên không có nghề nghiệp ổn định, đi biển với người ta không đủ ăn. Giờ tui chỉ mong có tiền đầu tư con thuyền nho nhỏ để cho mấy đứa nó có cái mà kiếm sống, tự nuôi bản thân và gia đình sau này”.

Quán phở mang tên Gạc Ma - Trường Sa

Trong số 9 người lính Gạc Ma bị Trung Quốc bắt làm tù binh và được trả về nước năm 1991 có anh Lê Minh Thoa, hiện sống tại phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Anh Thoa cho biết, năm 1991, trong 9 người khi được trả về nước thì 8 người xin về quê lập nghiệp, riêng anh xin ở lại phục vụ tiếp 6 năm trong ngành sửa chữa máy tàu thủy thuộc Quân chủng Hải quân Lữ đoàn 125 đóng ở Tân Cảng Sài Gòn. Tháng 11/1996, anh ra quân với quân hàm Trung úy.

Cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa mở quán phở Gạc Ma - Trường Sa
Cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa mở quán phở Gạc Ma - Trường Sa

Sau khi xuất ngũ, anh cùng vợ và 3 con thơ bôn ba từ Nha Trang đến TPHCM làm đủ nghề nhưng cuộc sống mưu sinh vất vả cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Không chịu nổi cảnh cực khổ, vợ anh đã dứt áo ra đi. Anh đành về quê hương Bình Định tìm kế sinh nhai. Sau này, anh nên duyên với một cô giáo mầm non và có thêm hai bé trai.

Sau thời gian dài làm thuê, anh quyết định mở quán phở bình dân với cái tên Trường Sa như để nhắc về những ngày tháng không thể nào quên.

Hàng ngày, anh Thoa dậy từ 3-4 giờ sáng để nấu phở bán mỗi sáng
Hàng ngày, anh Thoa dậy từ 3-4 giờ sáng để nấu phở bán mỗi sáng

Cuối năm 2015, trong dịp dự Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu 64 anh linh các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma, một đồng đội cũ tặng anh tấm bảng hiệu Phở Gạc Ma - Trường Sa, được anh trân trọng treo trên cao trước quán. “Đây không chỉ là gánh nặng mưu sinh mà còn là chút kỷ niệm, nhắc tôi luôn nhớ về đồng đội, về trận chiến đẫm máu ở Gạc Ma”, cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa tâm sự.

Anh Lê Minh Thoa nhớ lại: Năm 1988, anh và một số đồng đội được tăng cường cho tàu HQ-604. Mùng 9 Tết năm đó, tàu từ cảng Sài Gòn đi Cam Ranh bốc hàng và đưa lực lượng xây dựng ra đảo chìm Gạc Ma (Trường Sa). Chiều 13/3, tàu HQ-604 neo cách Gạc Ma khoảng 1km. Đến 17 giờ cùng ngày, một số tàu hải quân Trung Quốc cũng chạy về phía đảo Gạc Ma, dùng loa liên tục phát đây là lãnh thổ của Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải rút khỏi Gạc Ma.

Thế nhưng, theo lệnh thuyền trưởng các anh vẫn quyết tâm thực hiện lệnh tiếp cận đảo, chuyển vật liệu xây dựng từ tàu lên và đặt mốc chủ quyền đúng vào lúc 12 giờ đêm 13/3.

Anh Thoa chịu thương tật 11% và nhận trợ cấp một lần. Dù có nhiều vết thương nhưng phải mãi đến khi được báo chí viết về mình, anh Thoa mới được chứng nhận là cựu tù chính trị, được hưởng chế độ dành cho người bị tù đày từ tháng 8/2015 với số tiền 791.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, gần đây anh Thoa mới phát hiện trong thái dương trái và vai trái vẫn còn mảnh đạn găm trong người. Nguyện vọng của anh Thoa là được phẫu thuật lấy mảnh đạn ra và giám định lại thương tật.

Khoảng 4 - 5 giờ sáng hôm sau, ngày 14/3, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ thấy lính Trung Quốc đưa xuồng nhôm cùng rất đông quân được trang bị vũ khí tiến về phía đảo. “Quân Trung Quốc tràn lên đảo, giật cờ Tổ quốc mà chiến sỹ ta vừa cắm. Quân ta vẫn kiên quyết bảo vệ cờ, anh em trên đảo lùi dần về phía lá cờ Tổ quốc tạo thành “Vòng tròn bất tử”. Hai bên giằng co được một lúc thì phía Trung Quốc bắt đầu nổ súng khiến nhiều chiến sĩ của ta ngã xuống... Chỉ khoảng 15 phút sau tàu của chúng ta bị chìm, các chiến sĩ ta bám vào nhưng vật nổi, còn tôi thì vớ được 2 quả bí đao làm phao".

Anh cùng 8 đồng đội bị Trung Quốc bắt làm tù binh. Sau hơn 3 năm bị giam cầm, các anh được thả tự do. Khi đó anh mới biết trong trận hải chiến đó có 64 chiến sỹ của ta hy sinh. “Khi tàu của ta bị chìm, các chiến sĩ nhảy xuống biển, nhưng quân Trung Quốc không tha, chúng lượn xung quanh hễ thấy chiến sĩ ta ngóc đầu lên trên mặt biển là xả súng không thương tiếc”, cựu binh Thoa mắt đỏ ngầu kể lại.

Trước hành động bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc hiện nay, cựu binh Thoa quyết tâm: “Nếu còn sức khỏe tôi nguyện lại làm lính biển. Sau này, hai con trai tôi lớn lên tôi cũng sẽ khuyến khích các con làm lính biển”.

Anh Thoa dự đại lễ cầu siêu, tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ chiến sĩ trong trận vong - đồng bào tử nạn và 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma - Trường Sa
Anh Thoa dự đại lễ cầu siêu, tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ chiến sĩ trong trận vong - đồng bào tử nạn và 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma - Trường Sa

Ngoài bán phở, anh Thoa còn bơm vá xe mưu sinh
Ngoài bán phở, anh Thoa còn bơm vá xe mưu sinh

Đặng Tài - Doãn Công