28 năm trận hải chiến Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2016):
Chiếc đài liệt sĩ Gạc Ma gửi mẹ
(Dân trí) - Gia đình vốn khó khăn, học xong cấp 3, anh Chức tự tay làm gạch xây một ngôi nhà nhỏ cho bố mẹ ở rồi đăng ký lên đường nhập ngũ. Được nghỉ phép về nhà 3 ngày, anh Chức tặng mẹ một chiếc đài để nghe tin tức. Đó cũng là lần cuối cùng anh về thăm bố mẹ...
Đã 28 năm trôi qua, kể từ ngày diễn ra trận chiến bảo vệ đảo đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ngày 14/3/1988 – 14/3/2016), những người thân của liệt sĩ Trần Văn Chức (SN 1965) ở thôn Lưu Xá Bắc, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, vẫn đau đáu một nỗi đau khi người con thứ 6 của gia đình mãi nằm lại giữa muôn trùng khơi.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà thờ cúng liệt sĩ Trần Văn Chức, anh Trần Văn Tung (SN 1968), em rể của anh Chức đang hương khói cho người anh vợ, tâm sự: “Từ khi làm rể trong gia đình, mọi người trong gia đình ai cũng kể về anh Chức, đối với gia đình tôi anh ấy là niềm tự hào, là tấm gương mà để chúng tôi và con cháu noi theo”.
Gia đình liệt sĩ Trần Văn Chức có 9 người con trai, trong đó anh là con thứ 6. Thuở nhỏ anh Chức học rất giỏi và có tiếng là vô cùng khéo tay. Do hoàn cảnh gia đình đông anh em, lại rất khó khăn nên vừa học xong lớp 12 anh Chức đã nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình.
Anh Tung tâm sự: “Thời gian nghỉ học, anh làm đủ mọi công việc, từ chăn trâu cắt cỏ, rồi ngày đêm tự tay làm gạch xây nhà cho bố mẹ ở. Sau khi căn nhà hoàn thiện là lúc có đợt tuyển quân mới, anh đăng ký rồi đóng tại Lữ đoàn 124 - Hải đội – Binh chủng Hải quân vào năm tròn 20 tuổi”.
Di ảnh liệt sĩ Trần Văn Chức - Chiến sỹ tàu HQ 604
Trong những ngày tháng huấn luyện tân binh, thời gian rảnh rỗi, anh Chức lại ngồi viết thư gửi về nhà thăm hỏi sức khỏe gia đình, họ hàng và kèm với những lời nhắn nhủ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
“Trong lần về thăm bố mẹ, anh Chức được nghỉ phép đúng 3 ngày, lần về này anh mang theo chiếc đài cat-set để tặng mẹ mình. Anh bảo có cái đài này bố mẹ có thể theo dõi được tin tức ở Trường Sa. Rồi anh hướng dẫn bố mẹ tỉ mỉ từ cách bật tắt và chuyển tần số kênh, sau đó thì vội ra giếng làng gánh nước, múc đầy bể cho bố mẹ...”- anh Tung kể lại những câu chuyện anh được nghe kể từ lúc về làm rể trong nhà.
Sau 3 ngày phép, anh Chức tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Ngày bố mẹ, anh chị em tiễn anh Chức ra bến tàu, những giọt nước mắt nghẹn ngào cứ lặng lẽ rơi. Gia đình, người thân và chính anh Chức lúc đó cũng không ngờ rằng đây lại là lần tiễn biệt cuối cùng.
Ngôi nhà tự tay anh Chức làm gạch xây cho bố mẹ mình vẫn còn được giữ nguyên.
Anh Tung chia sẻ, đúng sáng ngày 20/3, cả nhà đang làm việc thì nhận được giấy báo tử từ chính quyền địa phương gửi đến, báo rằng anh Chức đã hy sinh anh dũng trên Tàu HQ 604 cùng 63 đồng chí khác trong lúc bảo vệ đảo Gạc Ma.
Mỗi lần nhớ anh Chức, mẹ Trần Thị Bảo (mẹ anh Chức) chỉ biết bật chiếc đài lên như để an ủi phần nào. Mẹ xem chiếc đài như báu vật của gia đình và dặn dò con cháu phải giữ gìn thật cẩn thận. Gần 30 năm trôi qua, chiếc đài vẫn được giữ gìn mới như ngày đầu anh Chức tặng mẹ.
Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, bố mẹ liệt sĩ Chức dặn dò các con nếu có cơ hội thì phải đưa bằng được anh Chức về quê nhà, đừng để anh mãi nằm ngoài biển sâu.
“Năm 2008, tàu của thợ lặn đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi có tìm được một phần hài cốt trong số 64 chiến sỹ. Nghe tin ấy, gia đình cũng hi vọng sẽ trùng khớp mẫu xét nghiệm ADN để đưa được anh trở về, tuy nhiên không có kết quả gì. Trong một vài tháng tới, anh chị em chúng tôi sẽ ra cố gắng ra Trường Sa, lấy ít cát và nước rồi rước anh về làm một nấm mộ về với đất mẹ, để phần nào an ủi vong linh anh” - Anh Tung chia sẻ nguyện vọng của gia đình.
Đức Văn