Thừa Thiên Huế:
Người vợ cựu binh Gạc Ma tần tảo nuôi 4 con ăn học thành người
(Dân trí) - Từ khi anh Trần Văn Tự (cựu binh trong cuộc hải chiến Gạc Ma năm 1988) qua đời, một mình chị Đào Thị Thảo (43 tuổi, thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) một mình bươn chải để làm thuê quyết tâm cho 4 người con ăn học.
Chúng tôi tìm về ngôi nhà cựu chiến binh Nguyễn Văn Tự là người đã tham gia vào trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Vẫn ngôi nhà ấy nhưng người anh hùng Trần Văn Tự đã mất, giờ chỉ còn lại vợ và 4 người con. Gặp tôi chị Đào Thị Thảo (vợ anh Tự) mừng vui ra tận cổng để đón.
Khi hỏi về anh Trần Văn Tự, Chị Thảo xúc động kể lại, chồng nhập ngũ vào 3/1986, ở Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 Hải quân. Khoảng ngày 11/3/1988 anh Tự nhận được lệnh ra đảo Gạc Ma để xây dựng, không may gặp quân đội Trung Quốc hai bên giao chiến với nhau, lúc đó anh Tự bị thương nặng ở mắt. Trở về, với tấm thẻ thương binh hạng 2/4, mất đôi tay và chân bị thương do bom đạn làm mù lòa, nhưng chồng vẫn động viên chị vượt khó để mưu sinh bằng nghề bánh bao bán dạo.
Chị Thảo nhớ lại: “Hồi đó, đôi tay và chân của anh Tự bị thương do bom đạn, mắt phải bị mù loà, nhưng anh vẫn động viên tôi cố gắng làm để nuôi 4 người con, cố gắng cho 4 người con ăn học cả. Anh nói, mình thất học rồi, giờ cho con nó biết chữ thì sau này mới khỏi khổ. Nên hàng ngày từ 3h sáng anh Tự một xe đạp chở bánh bao đi bán trên Huế bán để kiếm tiền nuôi con, tôi ở nhà làm nón”.
Vào tối tháng 12/2009 trên đường đi bán về thì bị mấy thanh niên tông phải, làm anh Tự tử vọng tại chỗ. Nhận được hung tin chồng mất do tai nạn, chị đau khổ muốn chết, nhưng vì 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn nên chị Thảo đành kìm nén nỗi đau, đi làm thuê để nuôi con ăn học.
Tài sản chồng để lại ngoài căn nhà ọp ẹp thì có thêm chiếc xe đạp cũ. Gánh nặng nuôi 4 người con và một mẹ già đè lên đôi vai chị Thảo. Mỗi sáng, chị lại đạp xe đi bán bánh bao đến tận tối hết bánh mới đi về. Làm không đủ ăn, chị Thảo phải “trắng đêm” làm thêm nghề nón lá để bỏ cho các chợ kiếm thêm tiền học cho các con. Mỗi lần con về xin tiền nạp học phí là chị lại lo lắng mượn khắp làng xóm rồi đi làm thuê trả lại. Với nghị lực phi thường của người mẹ, chị Thảo đã nén chặt nỗi đau để làm lụng, chăm lo cho 4 người con ăn học, quyết tâm không cho con nghỉ học giữa chừng.
Hiểu được hoàn cảnh gia đình nên 4 người con của chị đều học giỏi để có học bổng bớt đi chút gánh nặng trên đôi vai chị Thảo. Cuộc sống tuy khó khăn, nhưng các con của chị Thảo đều học giỏi và rất ngoan, đây cũng là niềm tự hào, vừa là động lực để chị vươn lên trong cuộc sống.
Hiện cô con gái đầu của bà là Trần Thị Hảo (24 tuổi) vừa tốt nghiệp trường Đại học Y Dược Huế nhưng vẫn chưa có việc làm nên phải đi làm thêm ở TP Huế để giúp đỡ gia đình. Hai em là Trần Thị Mộng Kiều (21 tuổi, ĐH Sư phạm Huế) và Trần Văn Hào (20 tuổi, ĐH Khoa học Huế) ai cũng học giỏi, tối tối đi làm thêm ở mấy quán nhậu để có thêm chi phí học hành. Cô út Trần Thị Kiều Oanh đang học lớp 12, (THPT Phan Đăng Lưu, Huế) với thành tích nhiều năm liền là học sinh giỏi, em vừa học, vừa ở nhà làm nón đi giao hàng ở chợ để phụ mẹ.
Em Oanh tâm sự: “Các anh chị trong nhà đều chỉ dạy cho em học tập, Thấy mẹ vất vả vậy nên em sáng đi học chiều về làm nón giúp mẹ. Em hứa sẽ học thật giỏi, để sau này cho gia đình không nghèo khổ nữa”.
Hàng tháng hai gia đình anh Bùi Quang Tải (trú đường Cao Bá Quát, phường Phú Cát, TP Huế) và anh Huỳnh Đức (trú tại thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang) là bạn chiến đấu của anh Tự đều qua thăm hỏi, giúp đỡ gia đình người đồng đội cũ.
Ông Đoàn Văn Rô (trưởng thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết: “Gia đình chị Thảo thuộc diện hộ nghèo của xã, tuy vậy chị Thảo vẫn nuôi các con và cho học đến đầy đủ. Chính quyền cũng luôn quan tâm và thăm hỏi, động viên chị cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.
Phạm Hoàng – Đại Dương