“Cần viết lại đầy đủ trận hải chiến Trường Sa để tôn trọng lịch sử”

(Dân trí) - Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần phải viết lại thật đầy đủ trận hải chiến Trường Sa, cuộc chiến đấu của các chiến sĩ hải quân đã bảo vệ Gạc Ma năm 1988… để tôn trọng lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau.

Tái hiện trận Gạc Ma bi tráng trên đất liền

Ngày 13/3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có buổi thị sát kiểm tra tiến độ thi công dự án Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma tại Công viên Biển Đông, Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là khu tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi sinh trong trận chiến bảo vệ đá Gạc Ma năm 1988 với quân đội Trung Quốc.

Trao đổi với báo chí tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nói: “Cuộc chiến đấu của quân đội chúng ta để bảo vệ Gạc Ma như thế nào, hi sinh như thế nào cũng cần phải viết lại… để cho con cháu chúng ta hiểu rõ lịch sử”.

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiểm tra dự án Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiểm tra dự án Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Thưa ông, một năm sau ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma tại Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đến thời điểm này tiến độ dự án như thế nào?

Tiến độ đang thúc để làm sao cố gắng đúng ngày 27/7 kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ là công trình sẽ đưa vào khánh thành. Còn theo như tiến độ chung đưa ra cho Ban quản lý là cố gắng đến ngày 27/7 sẽ bàn giao khu 1, điều đó mang ý nghĩa rất lớn.

Lúc đầu mong muốn là làm sao đúng ngày 13/3 này, trước một ngày kỷ niệm trận chiến Gạc Ma, đưa được khu tượng đài lên là tuyệt vời, nhưng thực ra công trình phải khoan cọc nhồi, làm rất khó khăn vìthi công ở trên đồi,... nên không thể kịp như mong muốn. Tuy nhiên tốc độ như thế này là đã đáp ứng được yêu cầu rồi.

Công trình nhận được rất nhiều sự đóng góp của người lao động, kể cả kiều bào nước ngoài. Ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp này?

Khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có chủ trương xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của đoàn viên, người lao động, nhân dân, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. Đây là công trình hoàn toàn không có một đồng ngân sách Nhà nước nào mà hoàn toàn là tấm lòng tự nguyện của người lao động, của nhân dân, nên ý nghĩa của nó rất quan trọng.

Chúng tôi quan niệm rằng, khu tưởng niệm này chẳng những là nơi thân nhân liệt sĩ đến viếng, mà cả những người dân trong nước, nước ngoài, kể cả những cháu học sinh, thiếu nhi của chúng ta đến đây để hiểu được lịch sử, hiểu được sự chiến đấu anh hùng của quân đội chúng ta, đã bảo vệ Gạc Ma thế nào, đã hi sinh như thế nào, và đây là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.

Theo ông, ngoài Khu tưởng niệm Gạc Ma này, mình còn làm gì nữa để sự hi sinh của các chiến sĩ không bao giờ bị lãng quên? Ví dụ như đưa vào lịch sử, sách giáo khoa chẳng hạn?

Cái đó là đương nhiên rồi! Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ngày 17/2/1979 chúng tôi cũng đã kiến nghị phải đưa vào lịch sử để giáo dục cho học sinh hiểu được lịch sử.

Lịch sử là sự thật, không thể bẻ cong được, nó phải diễn đạt đúng y như những gì đã diễn ra. Và cuộc chiến đấu của quân đội chúng ta để bảo vệ Gạc Ma như thế nào, hi sinh như thế nào cũng cần phải viết lại… để cho con cháu mình hiểu đúng lịch sử ấy.

Tạc tượng chiến sĩ Gạc Ma anh hùng ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa
Tạc tượng chiến sĩ Gạc Ma anh hùng ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Viết Hảo