28 năm trận hải chiến Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2016):

Chưa kịp nhớ hết tên nhau thì anh em đã hi sinh

(Dân trí) - Đại tá Hoàng Bùi Hải - Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa - là một trong những chiến sỹ có mặt trên chuyến tàu vận tải HQ 604 tham gia trực tiếp trận hải chiến Trường Sa cách đây 28 năm để bảo vệ đảo Gạc Ma trước sự xâm chiếm của Trung Quốc.

Anh Hoàng Bùi Hải hồi tưởng lại ký ức về trận hải chiến Trường Sa cách đây 28 năm
Anh Hoàng Bùi Hải hồi tưởng lại ký ức về trận hải chiến Trường Sa cách đây 28 năm

Trong căn nhà của gia đình anh ở đường Thanh Niên, phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, anh kể cho chúng tôi nghe những ký ức của ngày này cách đây đúng 28 năm. Sinh ra ở vùng quê xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, tháng 8/1980 anh nhập ngũ vào Sư đoàn 442, thuộc Quân khu 4 huấn luyện; sau đó được điều về Sư 341 tiếp tục huấn luyện và làm nhiệm vụ tại đây.

Tháng 9/1981, anh được chọn đi học sỹ quan Pháo binh. Đến tháng 7/1984 anh ra trường và đeo quân hàm Trung úy khi mới vừa tròn 21 tuổi. Sau khi ra trường, anh được phân công về nhận nhiệm vụ ở Quân chủng Hải quân, điều về Trường Sa luôn. Sau đó được phân công về Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân bảo vệ đảo. Cuối năm 1984, anh nhận quyền Đại đội trưởng đại đội Pháo binh của đảo Song Tử Tây.

“Thời đó ai cũng vậy, hăm hở lắm, nhiệt huyết lắm. Theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, tôi vác ba lô lên đường đến với Trường Sa. Những năm 1987 trở về trước, tình hình ngoài Trường Sa rất yên ổn, Trung Quốc chưa hề có mặt tại đây. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 1987, đặc biệt là đầu năm 1988 thì Trung Quốc bắt đầu xâm chiếm các bãi đá ngầm của chúng ta”, anh Hải chia sẻ.

Anh Hải vẫn nhớ như in, chiều ngày 11 tháng 3 năm 1988, anh trả phép để trở lại đơn vị công tác. Ngay buổi tối hôm đó, anh nhận quyết định làm Bí thư Chi bộ, Đảo trưởng đảo Cô Lin. Ngay sau đó, dưới sự chỉ huy của Trung tá Trần Đức Thông - Lữ phó 146, con tàu HQ 604 từ quân cảng Cam Ranh thẳng hướng ra Trường Sa. Thời điểm đó, Trung úy Trần Văn Phương là Đảo trưởng đảo Gạc Ma cùng đi trên chuyến tàu HQ 604, trên tàu còn có cả bộ đội Công binh đi xây dựng các khung đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa.

“Chiều ngày 13/3, khi tàu 604 ra gần đến Gạc Ma, tình hình rất căng thẳng. Ngay buổi chiều ra gần đến Gạc Ma, Trung Quốc liền cho tàu chiến chặn đường, xua đuổi. Lúc đó, anh Thông Lữ phó nhận lệnh đóng tại Gạc Ma, không sang Cô Lin nữa. Đến tối ngày 13/3, cho anh em cắm cờ lên đảo Gạc Ma.

Nét mặt anh chùng xuống khi nhắc tới những đồng đội đã ngã xuống
Nét mặt anh chùng xuống khi nhắc tới những đồng đội đã ngã xuống

Sáng 14/3, khi ngủ dậy đã thấy đầu kia đảo Trung Quốc đã cắm cờ rồi, vì chúng cắm từ đêm tối. Ngoài đấy, 6h đã sáng lắm rồi, anh em bàn nhau đưa vật liệu lên đảo để làm nhà. Trung Quốc điều 3 tàu khu trục đến thả xuồng máy ra bao vây và yêu cầu ta nhổ cờ ra khỏi khu vực đảo. Lúc đó, anh Thông (Trung tá Trần Đức Thông - Lữ phó 146) lệnh cho toàn bộ chiến sỹ bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Toàn bộ khung đảo của anh Phương (Trung úy Trần Văn Phương - Đảo trưởng đảo Gạc Ma) lên đảo, còn khung của tôi mang các trang bị phòng ngự để sẵn sàng thay cho khung của anh Phương”, anh Hải cho biết.

Anh Hải kể tiếp: “Lúc đó, tôi đang cho anh em ăn lương khô, rồi phát súng AK, B40 cho từng chiến sỹ. Trung Quốc đưa xuồng máy áp sát và cho quân lính lên để cướp cờ. Xảy ra giằng co tại khu vực lá cờ của ta, các chiến sỹ của ta nêu cao quyết tâm giữ bằng được lá cờ. Chỉ huy của Trung Quốc rút súng bắn vào anh Phương. Ngay lập tức, toàn bộ anh em hô hào xông lên đánh giáp lá cà với lính Trung Quốc. Chúng dùng súng bắn vào bộ đội ta và hai bên tiếp tục giằng co nhau, sau đó chúng rút ra. Nhưng một lúc thì chúng cho 3 tàu châu pháo bắn xối xả vào tàu 604 của ta.

Khi thấy tình hình căng thẳng, chúng ta điều tàu 605 đến khu vực Len Đao và 505 đến khu vực Cô Lin. Sau khi bắn chìm tàu 604 của chúng tôi, chúng quay sang bắn bị thương tàu 605. Một số chiến sỹ trên tàu 605 cũng bị thương và hi sinh”.

“Lúc đó, tôi nhớ khoảng 8h10 đến 8h15 phút sáng ngày 14/3, 3 tàu khu trục chĩa súng bắn như vãi đạn. Tôi bị thương khi mảnh đạn xốc vào lưng, máu ra rất nhiều. Anh Thông ra lệnh tự băng bó và tiếp tục phát súng cho anh em để chuẩn bị xuống bảo vệ cờ. Vừa dứt lời, anh Thông trúng đạn và hi sinh trên tàu. Sau đó, tôi thì mê man, bất tỉnh, khi tàu chìm xuống nước thì tôi mới tỉnh lại và bơi rồi vớ được tấm ván. Tôi bị thương nát nửa người bên trái, bị lửa của đạn pháo làm cháy nhiều vị trí trên người. Sau đó, rất may số anh em trên đảo còn sống và tôi bơi vào thì được vớt vào”, anh Hải nhớ lại.

Sau khi tàu HQ 604 bị chìm, một số chiến sỹ còn lại cùng thi thể liệt sỹ Trần Văn Phương lênh đênh trên chiếc xuồng nhôm không có máy móc, không có mái chèo, nhiều chỗ bị thủng. Đến chiều ngày 14/3, các chiến sỹ được đưa lên tàu HQ 505 vào đảo Sinh Tồn.

Sỹ quan Hoàng Bùi Hải (bìa trái) ngày còn trẻ
Sỹ quan Hoàng Bùi Hải (bìa trái) ngày còn trẻ

Anh Hải cùng một số chiến sỹ bị thương được chuyển vào đảo Sinh Tồn cấp cứu rồi về cảng Cam Ranh và vào bệnh viện 175 Sài Gòn điều trị. Sau quá trình điều trị, anh xuất viện và trở lại đơn vị công tác với thương tích 45%. Đến tháng 2/1991, anh chuyển vùng về Quân khu 4 và công tác ở Bộ chi huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đến nay. Vợ anh cũng công tác trong quân đội hiện đã về nghỉ hưu và vợ chồng anh có 2 người con một gái, một trai cũng đã trưởng thành.

Với những cống hiến của mình, anh được Nhà nước trao tặng Huân chương chiến công hạng 3.

“Tôi nhận quyết định là Đảo trưởng đảo Cô Lin, ra đến Gạc Ma thì gặp Trung Quốc và ở lại theo lệnh cấp trên và bị thương tại đây. Mình là đảo trưởng nhưng lúc đó nhận danh sách trong vòng buổi tối là lên đường luôn, không kịp nhớ được hết tên tuổi, quê quán của các anh em thì toàn bộ anh em khung đảo đã hi sinh”.

Chia sẻ về nguyện vọng của mình, anh Hải mong muốn được gặp lại những đồng đội năm xưa cùng kề vai, sát cánh trong trận hải chiến Trường Sa. “Tôi sẽ cố gắng tiết kiệm tiền để vài ba năm nữa khi nghỉ hưu sẽ đi tìm lại những anh em đồng đội. Trong đó tôi còn nhớ có anh Tự, lính của Trung đoàn 83 Công Binh Hải quân, quê ở Quảng Bình. Vì anh Tự không cùng đơn vị nên cũng không rõ lắm giờ anh ấy ở đâu. Đặc biệt muốn thăm lại những đồng đội đã cứu và chăm sóc lúc tôi bị thương”, anh Hải giãi bày.

Duy Tuyên