DNews

Cuộc sống bên núi rác khổng lồ

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Không khí nồng nặc mùi hôi thối, bụi và rác bay đen mái nhà, nước thải đen ngòm đầu độc nguồn nước là những điều người dân gần bãi rác An Hiệp đang phải hứng chịu.

Cuộc sống bên núi rác khổng lồ

Nước kênh đen như nước nhọ nồi

Đêm 25/7, hai ngày sau khi UBND tỉnh Bến Tre công bố tình huống khẩn cấp tình hình sự cố môi trường bãi rác An Hiệp, cũng là ngày thứ 10 liên tiếp hàng chục người dân 2 xã An Hiệp và An Đức của huyện Ba Tri quyết tâm tập trung chặn đường, không cho xe chở rác vào bãi rác.

Cuộc sống bên núi rác khổng lồ - 1
Cuộc sống bên núi rác khổng lồ - 2

Người dân treo băng rôn, dựng lán rồi tập trung ra đường cả ngày lẫn đêm để chặn xe rác (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nhiều người dân còn chuẩn bị thức ăn, nước uống với quyết tâm bám trụ lâu dài, không cho rác qua. Họ đốt nhang cắm dọc đường để át đi mùi hôi thối từ bãi rác đang bao trùm.

"Nhà dân thấp, bãi rác thì cao, rác, bụi bay đầy mái nhà, nước mưa chảy xuống đen như nước nhọ nồi. Nhà tôi cách bãi rác chừng 300 thước (mét) chứ nhiêu, khổ lắm", anh Mạc Xuân Hiếu (49 tuổi, ngụ xã An Hiệp) bức xúc.

Cuộc sống bên núi rác khổng lồ - 3

Núi rác như muốn chồm lên nhà dân (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Không những thối, nhà tôi có 4 công mặt nước ao tôm, trước đây năm nào cũng thu được một hai trăm triệu đồng. Nhưng rác bay nhiều quá, ô nhiễm tôm sống không nổi nên bỏ hoang rồi", chị Phạm Thị Thúy (48 tuổi) ngụ xã An Hiệp nói.

Thấy có phóng viên, ai nấy đều muốn "nói cho hết" những điều mình bức xúc. "Tôi làm cho chú bát hủ tiếu rồi đêm nay chú ở đây với mọi người, ở đây cho biết chúng tôi khổ ra sao", một cụ bà tóc đã bạc phơ, nắm tay phóng viên khẩn khoản nói.

Cuộc sống bên núi rác khổng lồ - 4

Ruồi có mặt ở khắp mọi nơi (Ảnh: Nguyễn Cường).

Để minh chứng cho lời "tố cáo" ô nhiễm của mình, người dân đã đưa ra nhiều hình ảnh ruồi đậu kín nhà, nước đen quánh như dầu thải chảy từ bãi rác ra sông mà họ quay chụp được bằng điện thoại.

Nhưng chẳng cần bằng chứng, thỉnh thoảng một cơn gió cuốn mùi rác trùm lên lán, tất cả mọi người lại phải lấy tay bịt mặt. Nhiều người phải lấy áo trùm kín cả đầu, có người nôn ọe ngay tại chỗ.

Càng về khuya, người dân tập trung lại càng đông. Cao điểm ước chừng có gần trăm người ngồi trong lán và trên đường để cùng nhau chặn xe chở rác.

Ông Huỳnh Văn Châu (61 tuổi, ngụ xã An Hiệp) cho biết, sau khi người dân tập trung chặn xe rác ngày 15/7, cơ quan chức năng đã đến đối thoại, cam kết tạm dừng đưa rác vào bãi. Tuy nhiên khi người dân giải tán thì rạng sáng việc tập kết rác vào bãi lại tiếp diễn.

"Họ hứa không đưa rác vào bãi nhưng chúng tôi về thì họ lại tiếp tục đưa rác đến. Khi chúng tôi hỏi thì cán bộ thừa nhận là có sự việc xe chở rác vào bãi trong đêm. Nên giờ chúng tôi cứ ngồi đây canh cả ngày lẫn đêm cho chắc. Giờ họ lại hứa sẽ khắc phục trong 1 tháng, chúng tôi sẽ chờ", ông Châu nói.

Cuộc sống bên núi rác khổng lồ - 5

Anh Trần Văn Phú (41 tuổi, ngụ xã An Đức) đã tham gia chặn xe rác 10 ngày qua với mong muốn môi trường sống được cải thiện (Ảnh: Nguyễn Cường).

Hầu hết những hộ dân bị ảnh hưởng bởi bãi rác An Hiệp đều cử đại diện hoặc cả gia đình tham gia chặn xe rác với mong muốn cơ quan chức năng có động thái tích cực, sớm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm, trả lại cho họ cuộc sống trong lành. Họ muốn bãi rác di dời đi nơi khác, nhưng có lẽ điều đó sẽ không bao giờ thành sự thật.

Tiếng ruồi bay rào rào như mưa trên mái lá

Để giúp phóng viên có hình ảnh cận cảnh về mức độ ô nhiễm, nhiều người dân không ngần ngại bỏ cả ngày dẫn chúng tôi đi quanh bãi rác, bơi xuồng dọc sông Hàm Luông để ghi nhận dòng nước đen đặc từ bãi rác chảy ra.

Ở ấp 9, xã An Đức, ghé nơi ở một hộ dân, chúng tôi bị sốc vì tiếng ruồi bay rào rào như tiếng mưa trên mái lá. Ruồi không chỉ đậu trên sàn nhà, trên thức ăn, chỉ cần tay người để im chừng 2 giây đồng hồ thì ruồi cũng đã kịp bâu dày đặc.

Cuộc sống bên núi rác khổng lồ - 6

Chỉ cần để bàn tay bất động khoảng 2 giây đồng hồ thì hàng chục con ruồi đã kịp bâu kín (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Chúng tôi là dân An Đức nhưng bãi rác An Hiệp chỉ cách ấp chúng tôi chừng vài trăm mét nên chúng tôi mới là những người chịu cảnh ô nhiễm nặng hơn", bà Trần Thị Lệ (63 tuổi, ngụ ấp 9, xã An Đức) nói.

Bà Lệ cho biết, trước đây mọi người trong ấp đều dùng nước sông Hàm Luông để sinh hoạt. Từ khi bãi rác An Hiệp hoạt động, nước rỉ rác chảy ra sông, nước sông bẩn đến mức "lội xuống là ngứa", người dân đã chuyển sang hứng nước mưa để dùng.

Thế nhưng nước mưa cũng bẩn như nước sông, khi mới hứng thì đục như bùn, để lắng thì cặn vón cục dày dưới đáy chậu. Không còn nguồn nước khác, nhiều năm nay người dân nơi đây phải chấp nhận dùng nước bẩn để sinh hoạt. Người dân quanh bãi rác rất lo sợ cho sức khỏe lũ trẻ khi phải sống trong ô nhiễm từ nhỏ.

Cuộc sống bên núi rác khổng lồ - 7
Cuộc sống bên núi rác khổng lồ - 8

Nước sông ô nhiễm, người dân chuyển sang dùng nước mưa, nhưng nay nước mưa cũng bẩn như nước thải (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Cứ mở cửa ra là bụi, túi mủ (túi nilon), ruồi bay vô. Đêm thì hôi thối không ngủ nghỉ được. Ăn nước mưa, nhưng nước mưa cũng bẩn, có khi màu đỏ, có khi lại màu đen, còn sền sệt, nhớt như dầu. Ở đây nhiều trẻ con, chúng nó đẻ ra đã phải sống trong ô nhiễm, rồi đây sẽ ra sao!", bà Bùi Thị Nào (56 tuổi, ngụ ấp 9, xã An Đức) bức xúc.

Là người sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Hàm Luông, ông Nguyễn Văn Dũng (59 tuổi, ngụ xã An Đức) cho biết, 13 năm nay, tình trạng nước rỉ rác từ bãi rác An Hiệp chảy ra sông Hàm Luông đã trở thành chuyện thường.

Ông Dũng khẳng định nước rỉ rác chảy ra sông không phải sự cố mà những người quản lý bãi rác đã đào nhiều con mương dẫn dòng nước ô nhiễm đó ra sông. Vì nước rỉ rác, cá tôm dọc đoạn sông lớn đã chết dần chết mòn, đến nay gần như cạn kiệt.

Nhằm chứng minh điều mình nói, ông Dũng không ngại nổ máy ghe chở phóng viên đi xem đoạn bờ sông dọc bãi rác. Bãi rác vẫn chưa phủ đỉnh, con mương rộng khoảng 2m, sâu từ 1-2m tùy đoạn chảy men theo bãi rác, một dòng nước đen, đặc quánh như nhớt thải đang trôi từ bãi rác ra sông.

Cuộc sống bên núi rác khổng lồ - 9
Cuộc sống bên núi rác khổng lồ - 10

Ông Dũng dẫn chúng tôi đi xem con mương vẫn đang dẫn nước rỉ rác đen quánh chảy ra sông Hàm Luông (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Tôi đánh cá ở đây, nước đen này cứ chảy hoài vậy đó. Chảy riết cá tôm chết hết", ông Dũng nói.

Khẩn cấp khắc phục sự cố môi trường

Ngày 23/7 UBND tỉnh Bến Tre đã công bố tình huống khẩn cấp tình hình sự cố môi trường Bãi rác An Hiệp huyện Ba Tri.

Theo thông tin công bố, kể từ khi nhà máy xử lý rác của tỉnh Bến Tre tạm đóng cửa, bãi rác An Hiệp là nơi duy nhất tiếp nhận lượng lớn rác thải của tỉnh. Tuy nhiên các hạng mục tường rào, phủ bạt các ô đã chôn lấp, gia cố chống thấm, gom nước rỉ rác, ao chứa nước rỉ rác,… ở bãi rác này thực hiện chưa kịp thời.

"Thời gian gần đây mưa lớn kéo dài liên tục dẫn đến tình trạng nước rỉ rác lẫn với nước mưa chảy tràn xung quanh, mùi hôi phát tán ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 132 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 1.000m thuộc địa phận 2 xã An Hiệp và An Đức (huyện Ba Tri).

Do bức xúc, vào lúc 14h ngày 15/7, một số người dân chặn xe chở rác, ngăn cản không cho đổ rác tại bãi rác An Hiệp", trích công bố.

Cuộc sống bên núi rác khổng lồ - 11

Người dân ái ngại cho sức khỏe những đứa trẻ lớn lên bên bãi rác (Ảnh: Nguyễn Cường).

UBND tỉnh Bến Tre nhận định, việc không khẩn cấp khắc phục ô nhiễm môi trường, giải quyết các kiến nghị của người dân và thông tin lại cho người dân biết để tiếp tục thực hiện vận chuyển rác thì sẽ gây bất ổn về môi trường, an ninh và xã hội trên phạm vi rộng.

UBND tỉnh Bến Tre giao các đơn vị hữu quan thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục sự cố môi trường, xử lý kịp thời hậu quả, tiếp nhận lại rác thải, bảo vệ sức khỏe nhân dân và ổn định xã hội.

Các biện pháp cụ thể cần thực hiện gồm phủ bạt các ô đã đầy rác, gia cố các vị trí nước rỉ ra bên ngoài, lưu chứa nước rỉ rác để xử lý; tăng cường phun xịt và vệ sinh môi trường xung quanh bãi rác; triển khai nhanh các hạng mục công trình nâng cấp, cải tạo và mở rộng bãi rác An Hiệp để tiếp nhận rác thải.

Đồng thời cần có sự quan tâm, chia sẻ đối với các cá nhân, hộ gia đình đang sinh sống trong vùng chịu ảnh hưởng của bãi rác, đặc biệt là người già, trẻ em, hộ gia đình đang gặp khó khăn; kịp thời nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của người dân.

UBND tỉnh Bến Tre giao công an tỉnh này phối hợp chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý; đặc biệt theo dõi, quản lý các cá nhân chặn, ngăn cản xe vận chuyển rác thải đi vào bãi rác An hiệp.

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre mong muốn người dân lân cận bãi rác An Hiệp cùng chia sẻ khó khăn của tỉnh, tiếp tục ủng hộ phương án tiếp nhận, xử lý rác thải của tỉnh trong thời gian chờ thực hiện phương án tái cơ cấu và đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre.

Kinh hoàng cuộc sống ở nơi "tình huống khẩn cấp sự cố môi trường" (Thực hiện: Nguyễn Cường).

UBND tỉnh Bến Tre cho biết, bãi rác An Hiệp sẽ sớm được mở rộng thêm 3ha để đảm bảo công năng. Hiện Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre đang được kêu gọi đầu tư, dự kiến mất khoảng 2 năm nữa sẽ đi vào hoạt động.

Trước đó, trong buổi họp báo liên quan việc người dân chặn xe chở rác ở Bãi rác An Hiệp, ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre, cho biết Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (ở huyện Châu Thành) gây ô nhiễm môi trường nên đã phải tạm đóng cửa để khắc phục.

Từ ngày 20/10/2021 đến nay, bãi rác An Hiệp phải tạm tiếp nhận rác thay Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre. Mỗi ngày bãi rác này nhận khoảng 200 tấn rác, xử lý bằng cách chôn lấp.

Khi xảy ra sự việc người dân chặn xe chở rác vào bãi rác An Hiệp, cơ quan chức năng đã tổ chức đối thoại với người dân, cam kết sẽ khắc phục ô nhiễm trong thời hạn 30 ngày. Hiện các biện pháp khắc phục như xây dựng tường rào bao quanh khu vực bãi rác, thu gom xử lý nước rỉ rác, phủ bạt che chắn các khu vực bãi rác đang được triển khai.