1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Các thủy thủ Vinashinlines đã quá cám cảnh!”

(Dân trí) - “Không ai có thể khẳng định khi nào vấn đề của các thủy thủ tàu Vinashinlines được giải quyết triệt để, nhưng ở hoàn cảnh này các thủy thủ Vinashinlines đã quá cám cảnh rồi...”- ông Đỗ Xuân Quỳnh - Chủ tịch Hiệp hội chủ tàu Việt Nam chia sẻ.

Theo danh sách hội viên chính thức của Hiệp hội chủ tàu Việt Nam thì Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đứng số 1. Xung quanh những khó khăn của Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương (Vinashinlines, thuộc Vinalines), ông Quỳnh cho biết Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng hải tổ chức hội nghị tập hợp tất cả các chủ tàu của Việt Nam để lắng nghe, thấu hiểu và cùng kiến nghị với Chính phủ những giải pháp cụ thể cứu doanh nghiệp sắp “chết”, đã “chết” và thực hiện mục tiêu về kinh tế biển, nhưng nguyện vọng này của Hiệp hội đến nay vẫn chưa được thực hiện.
 
Tàu Cái Lân 4 của Vinashinlines đang neo giữ ở Ấn Độ

Tàu Cái Lân 4 của Vinashinlines đang neo giữ ở Ấn Độ

Về tình hình của các thủy thủ trên 7 tàu thuộc Vinashinlines đang kêu cứu từ nước ngoài, thực chất họ là những người đang thay nhân dân giữ tàu, giữ tài sản quốc gia ở nơi xa xứ, nhưng trong suốt thời gian dài họ đã phải đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn về nhu cầu tối thiểu để duy trì đời sống và sinh hoạt hàng ngày là lương thực, nước uống, nhiên liệu, điện thắp sáng...

“Ở tình cảnh như hiện nay, các thủy thủ Vinashinlines đã quá cám cảnh rồi. Nếu như ở trong nước thì họ có thể để tàu neo lại và lên bờ về nhà với người thân, nhưng cái khó là họ lại ở nước ngoài không người thân thích, tàu bị nước sở tại tạm bắt và với trách nhiệm phải giữ tàu nên họ càng không thể rời tàu để lên bờ...” - ông Quỳnh chia sẻ.

Thực tế, đối với các thủy thủ ở đất khách quê người, thứ giấy tờ có thể xác nhận quyền công dân của họ là hộ chiếu, nhưng nay đến thủ tục đó cũng đã bị đại lý, bị chủ nợ của Vinashilines giữ lại. Vì thế, kể cả trường hợp có lên bờ họ cũng không có giấy tờ tùy thân để có thể đi lại như những người bình thường khác, họ chỉ biết quanh quẩn trên tàu nằm chờ qua ngày và chờ chủ tàu “rót” tiền sinh hoạt một cách nhỏ giọt.

Nói về trách nhiệm của lãnh đạo Vinashinlines đối với các thủy thủ, ông Quỳnh cho rằng những người tiếp quản doanh nghiệp hiện nay cũng không sung sướng gì khi bỗng dưng phải “ôm” một đống nợ lớn.

“Bây giờ tàu nằm một chỗ, tiền thì không có để giải quyết các tranh chấp tài chính, vì vậy vấn đề của các thủy thủ cũng không ai có thể khẳng định là đến bao giờ sẽ giải quyết được” - ông Quỳnh nhìn nhận.

Theo quan điểm của ông Quỳnh, cách tháo gỡ khó khăn của các thủy thủ đoàn nói riêng và Vinashinlines nói chung là Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ phải vào cuộc, vấn đề của tàu nào “nóng” nhất thì giải quyết trước.

Được biết, từ cuối năm 2012 Chính phủ đã đồng ý cho Vinalines vay nóng 200 tỷ đồng để giải quyết những vấn đề “nóng” của 7 con tàu đang bị tạm giữ ở nước ngoài, nhưng do chưa tìm được nguồn nên sang đầu năm 2013 Bộ Tài chính vẫn chưa thể cho giải ngân.

Vị Chủ tịch Hiệp hội chủ tàu Việt Nam cho rằng, cùng với những chi phí sinh hoạt của thủy thủ thì số tiền 200 tỷ đồng khi được giải ngân nếu chia cho tất cả các tàu cùng trả nợ sẽ không đủ. Theo ông Quỳnh nên dồn vào những tàu “nóng” nhất để xử lý trước.

Phía Vinashinlines tính toán, mỗi con tàu sẽ phải có khoảng 200.000 USD thì mới có thể được giải phóng, cho đến nay công ty này vẫn đang chờ bán tàu để lấy tiền trả nợ và đưa các thủy thủ về nước.

Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm