“Số phận” các thủy thủ Vinashinlines phụ thuộc vào việc bán tàu (!)

(Dân trí) - Giới chức ngành giao thông khẳng định đã có nguồn tiền để gửi chi phí sinh hoạt hàng tháng cho các tàu Vinashinlines đang neo đậu ở nước ngoài, nhưng để đưa được các thủy thủ về nước và giải quyết vấn đề nợ lương thì buộc phải chờ đến khi bán được tàu.

Hoa Sen, Diamond Way, New Horizon, New Phoenix, Sea Eagles, Cái Lân 4, Hoàng Sơn 28 là 7 con tàu đắt tiền thuộc biên chế của Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang neo đậu hoặc bị tạm giữ dài ngày ở Trung Quốc, Ấn Độ, UAE và Pakistan vì lí do tài chính.
 
7 con tàu của Vinashinlines ở nước ngoài đang được bán để trả nợ
7 con tàu của Vinashinlines ở nước ngoài đang được bán để trả nợ
(trong ảnh: tàu Diamond Way)

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, 7 con tàu nói trên của Vinashinlines đều có trọng tải lớn được đóng ở Nhật và Italia từ thập niên 80 của thế kỷ trước (riêng tàu Cái Lân 4 đóng ở Việt Nam năm 2006). 7 con tàu này tương đương với 3% đội tàu quốc gia.

Vinalines đã nhiều lần đề nghị Bộ chủ quản và Chính phủ cho phép được bán tàu để tháo gỡ những khó khăn về tài chính. Đến đầu năm 2013, Chính phủ cho phép đội tàu của Vinashinlines “được” phá sản theo Đề án tái cơ cấu Vinalines, tức là cơ chế mở cho Công ty Vinashinlines bán tàu lấy tiền xử lý các tranh chấp tài chính và vấn đề nợ lương.

Trên thực tế, suốt một thời gian dài, những lời cầu cứu của thủy thủ Vinashinlines ở nước ngoài liên tục gửi về Việt Nam. Việc cầu cứu từ mỗi con tàu cụ thể không phải chỉ 1-2 lần mà liên tiếp diễn ra. Các thủy thủ cho biết họ phải kêu cứu nhiều như vậy vì đang bị bỏ rơi ở nước ngoài, đời sống của họ nơi đất khách quê người quá khó khăn và tồi tệ. Thậm chí, các thủy thủ cho biết đã gửi rất nhiều đơn đề nghị công ty thay người nhưng hầu như không nhận được hồi âm hoăc chỉ là những lời hứa suông.

Mới đây nhất (hôm 13/3 - PV), thủy thủ đoàn tàu Hoa Sen đang neo tại Trung Quốc đã gửi tâm thư tới Dân trí với những lời chia sẻ đầy xót xa. Các thủy thủ cho biết quyền lợi tối thiểu một công dân lao động của họ cũng không được đảm bảo và không được một cơ quan pháp luật nào đứng ra bảo vệ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quế Dương - Tổng Giám đốc Vinashinlines cho biết: “Tôi không phải là người vô trách nhiệm bỏ mặc họ. Có vấn đề gì các thủy thủ cứ nói thẳng về công ty thì công ty xử lý, chứ không cần phải gửi hay nhờ qua ai cả. Hiện chúng tôi đang chăm lo cho các thủy thủ, có nguồn để đảm bảo đời sống hàng tháng cho họ rồi”.

Còn ở góc độ đơn vị chủ quản, ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng phụ trách hàng hải của Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, trong tình hình khó khăn hiện nay, vấn đề ở trên phải tháo gỡ dần dần và cần thời gian.

“Với nguồn vốn được Chính phủ hỗ trợ, trước mắt tôi đã ký chuyển tiền ăn, tiền nước ngọt, nhiên liệu, phí sinh hoạt của thủy thủ và đảm bảo an ninh tàu đang neo tại nước ngoài đến ngày 31/3. Phí sinh hoạt này sẽ được duyệt chi hàng tháng theo đúng chế độ và quy định của Nhà nước.” - ông Công nói.

Dù vậy, khi PV hỏi về con số chi phí cụ thể được gửi cho mỗi tàu/tháng thì ông Công từ chối cung cấp. Riêng vấn đề tiền lương của các thủy thủ thì chưa thể giải quyết được.

Theo khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, hiện 7 con tàu của Vinashinlines neo ở nước ngoài đang được tiến hành bán, vì thế việc giải quyết triệt để các vấn đề của các thủy thủ đoàn phải chờ đến khi bán được tàu.

Được biết, Chính phủ đã có chỉ đạo hết tháng 6/2013 phải bán hết 7 tàu nói trên của Vinashinlines.

Quỳnh Anh