1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Bộ GTVT xin lỗi nhân dân vì sự cố sập cầu

(Dân trí) - “Đây là sự cố công trình và tai nạn lao động nghiêm trọng nhất của ngành. Bất luận thế nào, bất luận nguyên nhân nào, tôi xin gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân, những người bị nạn và gia đình người bị nạn” - Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng mở đầu buổi họp báo lúc 15h30 chiều 29/9. <BR><STRONG>>> </STRONG><A href="http://www11.dantri.com.vn/News/Event.aspx?EventID=1025"><STRONG>Thảm họa sập cầu Cần Thơ</STRONG></A>

Bộ trưởng bỏ ngỏ khả năng từ chức

 

Đúng như những gì có thể tiên liệu qua diễn biến 4 ngày qua về vụ sập cầu Cần Thơ, ngay từ đầu giờ chiều, khu vực tổ chức buổi họp báo đã có hàng chục phóng viên trong nước và quốc tế túc trực.

 

15 giờ 30, cuộc họp báo bắt đầu. Và gần 2 tiếng đồng hồ nóng bỏng từ đầu chí cuối của cuộc họp báo đủ nói lên sự quan tâm chính đáng và lòng mong mỏi của dư luận trước thảm hoạ mang tên cầu Cần Thơ.

 

Mở đầu, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng thông báo vắn tắt về thông tin cứu hộ và chính thức đưa ra lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân, những người bị nạn và gia đình người bị nạn.

 

Tính đến chiều ngày 29/9, có 49 người chết, 82 người bị thương và 3 người mất tích trong vụ sập cầu thảm khốc này. Tên 3 người mất tích là: Trần Văn Hơn, Lê Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Hai.

 

Trước khi xẩy ra vụ sập cầu, có 140 công nhân đang làm việc, trong đó có 75 người của Công ty Vĩnh Thịnh.

Tiếp sau Bộ trưởng Dũng, ông Hayama Kanji - Chủ tịch tập đoàn Taisei Corporation - đại diện liên danh nhà thấu chính TKN và tất cả nhân viên người Nhật có mặt tại buổi họp báo đứng cúi đầu: “Tôi xin kính cẩn cầu nguyện cho linh hồn những người đã mất và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nạn nhân.

 

Tận đáy lòng, tôi cũng gửi lời hỏi thăm đến người bị thương và gia quyến, cũng xin gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân Việt Nam vì đã gây ra nỗi đau đớn to lớn”, ông Chủ tịch Tập đoàn nói.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT xin lỗi nhân dân vì sự cố sập cầu - 1
 Nhà thầu Nhật Bản cúi đầu xin lỗi và gửi lời cầu nguyện cho linh hồn những người đã mất. (Ảnh: Công Quang).

 

Phần hỏi - đáp “khởi động” bằng câu hỏi của một phóng viên hãng thông tấn Reuters: “Xin các ngài cho biết, xi măng nào được sử dụng tại công trình này. Có thông tin rằng đó là xi măng Trung Quốc?

 

Ông Hayama cho biết: Dự án này là dự án ưu đãi vay ODA được thực hiện bởi JBIC (Nhật Bản) do vậy, vật liệu xây dựng là của Nhật Bản. Cụ thể, chúng tôi dùng xi măng Nghi Sơn được chuyển từ khu vực phía Bắc vào.

 

Ở nước ngoài, nếu có sự cố lớn như thế này thì người đứng đầu ngành sẽ từ chức. Vậy sau sự cố này, Bộ trưởng có ý định từ chức hay không?

 

Không một chút ngần ngại, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: “Có từ chức hay không, vấn đề này còn phụ thuộc việc đánh giá nguyên nhân gây ra sự cố đến đâu thì từ đó chiếu theo trách nhiệm của pháp luật Bộ trưởng chịu trách nhiệm đến đó. Nếu như nguyên nhân gây sự cố này tôi trực tiếp có trách nhiệm chính thì chính tôi sẽ nghĩ đến vấn đề từ chức hay không từ chức”.

 

Theo thông lệ quốc tế, hồ sơ dự thầu chính phải ghi tên nhà thầu phụ, ở công trình này, trong hồ sơ, nhà thầu chính có ghi tên VSL hay không? Công ty Vĩnh Thịnh và Thăng Long tham gia công trình với tư cách là gì? Lúc xảy ra tai nạn, có bao nhiêu công nhân của Vĩnh Thịnh làm việc tại công trường?

 

Phía đại diện TKN trả lời: Trong hồ sơ dự thầu, nhà thầu không đưa tên VSL nhưng trong quá trình thi công, VSL đã được bổ sung và được chủ đầu tư chấp thuận. “Chúng tôi xác nhận việc thuê mướn công nhân, chế độ bảo hiểm đều đúng theo Luật Lao động. Toàn bộ số công nhân trên công trường là 140 người và nguồn công nhân do Vĩnh Thịnh cung cấp là 75 người. Ngay cả khi làm những công trình với trình độ kỹ thuật cao độ vẫn cần hai loại: công nhân giản đơn và công nhân có trình độ cao. Khi xây dựng công trình ở đâu, chúng tôi ưu tiên sử dụng lao động giản đơn ở địa phương đó”, ông Hayama cho biết.

 

Vấn đề này, Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định: Nhà thầu chính có quyền thuê thêm các nhà thầu phụ.

 

Nhà thầu sẽ phối hợp với Chỉnh phủ về việc cứu trợ

 

Về một số giả thiết liên quan đến nguyên nhân của sự cố, nhà thầu cũng đưa ra một số giả thiết về vụ sập cầu, trụ tạm bị lún cũng có thể là nguyên nhân xảy ra. Tuy nhiên, do ưu tiên hàng đầu cho công tác cứu người nên nhà thầu cũng xin khất lại thời gian để tìm hiểu, phân tích nguyên nhân.

 

Bên cạnh đó, ông Hayama cũng khẳng định: Việc xây dựng dàn giáo là hoàn toàn tuân thủ đúng thiết kế chịu tải.

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng nguyên nhân xảy ra sự cố sập hai nhịp cầu dẫn có thể do sự không ổn định của dàn giáo.

Thưa Bộ trưởng, việc giải quyết vấn đề khá cấp bách hiện nay đó là công tác đền bù, cứu trợ những nạn nhân bị thương và tử nạn trong thảm họa sập cầu. Bộ GTVT và các cơ quan hữu quan giải quyết ra sao khi chỉ riêng tại huyện Bình Minh (Vĩnh Long) có đến 82 trẻ em có cha - lao động chính trong gia đình đã chết? Trách nhiệm của nhà thầu như thế nào với những đứa trẻ này?

 

Đại diện TKN: Chúng tôi đã bày tỏ lời xin lỗi và chúng tôi nghĩ rằng dù có xin lỗi như thế nào đi nữa, người mất cũng không bao giờ trở về được nữa. Đối với gia đình bị nạn, bị thương, chúng tôi sẽ bàn bạc với Chính phủ, Bộ GTVT Việt Nam và đáp ứng với tất cả thành ý, khả năng của mình.

 

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long rất quan tâm đến tiến độ dự án cầu Cần Thơ. Quá trình xây dựng lại hai nhịp dẫn đã sập mất bao nhiêu thời gian? Liệu có thể hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 12/2008 như kế hoạch đã đề ra không?

 

Đại diện TKN: Đây là một câu hỏi khó. Chúng tôi sẽ nghiên cứu ngay nhưng hiện tại, chúng tôi đang ưu tiên cho công tác cứu hộ. Việc khôi phục lại công trường và thi công sẽ được tiến hành khi đống đổ nát cơ bản được dọn dẹp.

 

Các ông nhắc nhiều đến Công ty Vĩnh Thịnh và Thăng Long, tại sao không thấy đại diện của hai công ty này có mặt để trả lời vì sao để các công nhân của họ chết nhiều như vậy?

 

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Không có đại diện của Vĩnh Thịnh và Thăng Long vì buổi họp báo hôm nay do Bộ GTVT và nhà thầu chính TKN tổ chức. Đối với thông tin về Vĩnh Thịnh, có thể tiếp cận với họ để hỏi thêm.

 

17 giờ 20, cuộc họp báo kết thúc với “kết luận” của Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức: “Nhà báo nào còn câu hỏi, xin gởi văn bản cho Chánh VP Bộ GTVT Nguyên Văn Công - phát ngôn nhân chính thức - sẽ trả lời. Thứ trưởng Đức xin phép được quay lại hiện trường đang tìm kiếm 3 nạn nhân cuối cùng.

 

Công Quang - Phúc Hưng