1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

6 năm sau vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (26/9/2007):

Trở lại vùng quê có 34 người tử nạn trong một ngày

(Dân trí) - "Nghe một tiếng rầm như trời đánh, tui nhìn ra phía cầu Cần Thơ, thấy khói bụi mịt mù nơi chồng tui làm việc. Đến hiện trường, nhìn đống bê tông hòa với máu, tui không đứng vững..."- chị Thùy Trang có chồng bị thương trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, nhớ lại.

Ngày định mệnh 26/9 của 6 năm về trước, vụ tai nạn kinh hoàng sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ tại xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, đã làm 55 người chết và hàng trăm công nhân, kỹ sư bị thương. 6 năm sau, PV Dân trí trở lại xã Mỹ Hoà - nơi có 34/55 người tử nạn. Ông Huỳnh Minh Thiệt - Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Mỹ Hoà - tâm sự, sau thảm hoạ đó, nay nỗi buồn đã vơi nhưng vẫn đọng nhiều điều đáng tiếc lắm!

Nỗi đau vơi dần theo thời gian

Theo sự giới thiệu của UBND xã Mỹ Hoà, chúng tôi tìm đến thăm gia đình anh Lê Thành Trinh - một nạn nhân trong vụ thảm họa còn may mắn sống sót. Trước mái hiên căn nhà cấp 4 (khu dân cư vượt lũ của xã Mỹ Hoà) mà vợ chồng anh chị dùng tiền hỗ trợ tai nạn để xây cất, chị Võ Thị Thuỳ Trang, vợ anh Trinh, đang cặm cụi lột những trái chuối xiêm để luộc cho các con ăn trưa.

Thấy chúng tôi đến, chị Trang đon đả mời khách và đưa anh Trinh ngồi trên chiếc xe lăn ra tiếp chuyện. Chị Trang nhớ lại: “Lúc sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ là hơn 7 giờ sáng. Khi đó tui nghe một tiếng rầm như tiếng trời đánh, như có linh tính, tui nhìn ra phía cầu Cần Thơ, khói bụi mịt mù bốc lên ngay nơi anh Trinh làm việc. Lúc đó, chân tay tui bủn rủn nhưng cũng cố chạy ra hiện trường. Đến nơi tui nhìn đống bê tông hòa máu người, tui không đứng vững nữa!”.

Ngày định mệnh đã khiến anh Trinh thành người tàn tật, mọi gánh nặng dồn sang vai chị Trang
Ngày định mệnh đã khiến anh Trinh thành người tàn tật, mọi gánh nặng dồn sang vai chị Trang

Hôm đó, gần 3 tiếng sau người ta mới tìm được anh Trinh. Thấy anh bất tỉnh, tưởng anh đã chết nên lực lượng cứu hộ muốn đưa anh vào chỗ những người đã tử vong. Nhưng chị Trang kiên quyết đưa anh đi cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết anh bị gãy cột sống; sáng hôm sau anh được phẫu thuật để giữ mạng sống, hai chân bị liệt vĩnh viễn.

Không cam tâm, chị Trang vẫn cố chạy chữa cho anh Trinh suốt 1 năm ròng, từ bệnh viện tỉnh đến các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, tốn biết bao công sức và tiền bạc nhưng kết quả là 2 chân anh Trinh vẫn “nằm yên”, vấn đề vệ sinh cá nhân cũng không được cải thiện, phải dựa hoàn toàn vào sự giúp đỡ của chị.

Anh Trinh chia sẻ: “Kể ra tui cũng còn may mắn hơn nhiều người lắm rồi, chỉ tội cho vợ con phải chăm sóc mình vất vả, vừa phải cáng đáng hết mọi việc lớn nhỏ. Đôi lúc tui cũng buồn lắm! Tuy nhiên, thấy hai con học giỏi, biết phụ giúp mẹ, tui cũng thấy an ủi phần nào với nửa đời ngồi trên xe lăn của mình”.

Khi khổ cực hay có chuyện buồn, vợ chồng anh Trinh còn có “1 nửa” của mình để chia sẻ, nhưng chị Hà Thị Kiều Vân thì chỉ biết thui thủi cùng đứa con gái nhỏ - cháu Lê Thị Anh Thư. Chồng chị đã tử nạn trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.

Ngày định mệnh đã khiến anh Trinh thành người tàn tật, mọi gánh nặng dồn sang vai chị Trang

Với thu nhập chính từ 2 công vườn bưởi cộng với cửa hàng quần áo, mẹ con chị Vân tạm yên tâm về chuyện "cơm áo"

Với khoản tiện hỗ trợ nhận được sau khi anh mất, chị Vân xây được căn nhà khang trang tại trung tâm xã Mỹ Hoà, mua được 2 công bưởi và mở một cửa hàng bán quần áo. Cuộc sống của hai mẹ con chị vì thế cũng không quá vất vả.

Chị Vân chia sẻ: “Nếu tui ngồi không, những hình ảnh khi nhận thi thể của ba cháu Thư cứ mồn một hiện về. Những lúc như vậy, tui chỉ biết ôm con khóc! Nhưng nếu tui gục ngã thì con gái sẽ khổ, cha cháu ở suối vàng cũng chẳng vui. Nghĩ thế, tui càng phải cố gắng làm ăn để lo cho cháu Thư một tương lai tốt đẹp”.

Cũng như ý nguyện chị Vân, bà Bùi Thị Nhanh - vợ của nạn nhân Lê Văn Lai - cho biết, nhà bà gần chân cầu Cần Thơ, khi đó gia đình bà có 4 thành viên tham gia làm công nhân cho cây cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á này. Ngày xảy ra sự cố, ông Lai và đứa con thứ 5 Lê Tuấn Đạt gặp nạn.

Sau tai nạn của chồng và con, bà Nhanh phấn đấu làm kinh tế lo cho gia đình

Sau tai nạn của chồng và con, bà Nhanh phấn đấu làm kinh tế lo cho gia đình

Bà Nhanh chia sẻ: “Ông nhà thì không qua khỏi vụ tai nạn đó, thằng con thứ năm thì bị gãy xương đùi, vỡ gan và chấn thương sọ não. Bởi thế hơn 6 năm nay, cháu nằm viện nhiều hơn ở nhà, lúc thì đau nhức, lúc thì bị co giật,… Cũng may có lẽ cha cháu phù hộ, hơn 1 tháng nay sức khoẻ cháu hồi phục tốt, cháu đi lại được, biết giúp tôi tỉa cành, hái bưởi”.

Từ số tiền hỗ trợ, bà Nhanh tằn tiện làm ăn, mua được 9 còn bò, 2 con trâu và 2 công vườn bưởi Năm Roi, cuộc sống khấm khá hơn trước gấp nhiều lần. Theo bà Nhanh, niềm vui lớn nhất của bà sau nỗi đau mất chồng là các con của bà đã thoát khỏi cảnh đời làm thuê làm mướn.

Chồi non nảy mầm trên “gỗ mục”

Ngồi trò chuyện với người dân và cán bộ xã Mỹ Hoà về cái ngày định mệnh ấy, có viết bao nhiêu trang giấy cũng không hết chuyện. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi vui là thông tin, nhiều con em có bố tử nạn hay tàn phế vì tai nạn, đã vượt qua nỗi đau, khó khăn, phấn đấu học giỏi, có em đã vào đại học.

Theo thống kê của xã Mỹ Hoà, có khoảng 30 em học sinh là con em của những ông bố tử nạn trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Hơn nửa trong số này là học sinh giỏi.

Đơn cử như hai con anh Lê Thành Trinh là hai cháu Lê Thị Trang Hoà - đang học lớp 8 trường THCS Mỹ Hoà và cháu Lê Thanh Bình - học lớp 6 trường THCS Mỹ Hoà đều rất chăm ngoan, học giỏi. Trong nhà anh Trinh chẳng có nhiều đồ đáng giá, nhưng đáng quý nhất là la liệt những tấm giấy khen của các cháu dán ngay ngắn trên tường nhà. Cháu Trang Hoà chia sẻ: “Nhìn cha cháu ngồi một chỗ như thế, cháu buồn lắm, nhưng dù sao cháu cũng hạnh phúc hơn một số bạn không thấy mặt cha mãi mãi. Thấy mẹ vất vả lo cái ăn, lo chăm sóc cha nên chị em cháu bảo nhau phải gắng học thật giỏi để cha mẹ đỡ buồn”.

Cháu Trang Hoà phấn đấu học tốt để sau này trở thành cô giáo

Cháu Trang Hoà phấn đấu học tốt để sau này trở thành cô giáo

Hỏi về ước mơ, Trang Hoà cho biết, trước mắt em sẽ cố gắng học tốt để sau này em vào ngành sư phạm. Khi thành cô giáo, em sẽ có cơ hội kể với các học trò của mình về sự đóng góp của cha trong cây cầu dây văng đẹp nhất nước này.

Hay như hai chị em Phạm Thị Ngọc Hân - tân sinh viên ĐH Cần Thơ và Phạm Thị Ngọc Trân - học lớp 7 Trường THCS Mỹ Hòa, là con của nạn nhân tử nạn Phạm Thanh Hùng. Sau khi anh Hùng mất ít lâu, mẹ hai cháu là chị Đoàn Thị Ngọc Bích cũng ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo.

Dù sớm mồ côi cha mẹ nhưng hai chị em Ngọc Hân, Ngọc Trân đã biết vươn lên trong học tập

Dù sớm mồ côi cha mẹ nhưng hai chị em Ngọc Hân, Ngọc Trân đã biết vươn lên trong học tập

Sớm mồ côi cha mẹ, hai chị em sống với ông bà ngoại, bảo ban nhau học thật tốt. Kỳ tuyển sinh ĐH vừa rồi, Ngọc Hân đỗ 2 ngành của trường đại học Cần Thơ với số điểm cao. Ngọc Hân chia sẻ: “Ông bà ngoại cháu vất vả mấy năm qua, giờ đây ông bà ngoại già yếu, bệnh tật thường xuyên nên cháu đi học mà lo lắm! Nhưng với tình yêu thương của ông bà ngoại và các nhà hảo tâm, cháu sẽ tiếp tục học tốt hơn nữa”.
 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Minh Thiệt - Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Mỹ Hoà - cho biết: “Sau tai nạn đau lòng đó, các đoàn thể, các nhà hảo tâm đến hỗ trợ trực tiếp cho mỗi gia đình có người tử nạn thấp nhất cũng từ 400 – 500 triệu đồng. Tuy nhiên trong số này chỉ có gần 10 hộ biết tận dụng phát triển kinh tế gia đình; 10 hộ ở mức bình thường nhưng đáng tiếc nhất có hơn 10 hộ, ngoài việc tiêu tán hết tiền bạc bà con hỗ trợ thì còn gây cảnh vợ chồng ly tán, mẹ bỏ con, vợ bỏ chồng,… thấy cũng buồn lắm cho những người đã khuất!”.

Nguyễn Hành