Thành cổ 230 năm tuổi bị xâm hại
(Dân trí) - Thành cổ Diên Khánh (Khánh Hòa) được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia vào năm 1988, tuy nhiên nay bị xâm hại, xuống cấp.
Thành cổ Diên Khánh thuộc thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Thành được chúa Nguyễn xây dựng cách đây tròn 230 năm, kiến trúc theo kiểu thành trì quân sự Vanban (Pháp), nhằm để phòng thủ, án ngữ và bảo vệ vùng đất Nam Trung Bộ tại thời điểm đó.
Tại thời điểm xây dựng, thành có 6 cửa gồm tả, hữu, đông, tây, tiền (hướng nam), hậu (hướng bắc). Đến năm 1823, 2 cửa tả, hữu bị phá bỏ, nay chỉ còn 4 cửa.
Tường thành chạy uốn khúc theo hình lục giác, dài gần 2.700m, cao chừng 3,5m. Mặt ngoài thành được đắp hơi thẳng đứng, mặt trong được đắp thoai thoải, 2 bên cổng có các bậc thang dùng làm đường lên xuống.
Trên cổng thành xây dựng các vọng lâu để lính canh nhìn được ra xa.
Dấu tích của hệ thống hào sâu phía ngoài thành cổ.
Theo tài liệu, hệ thống hào bên ngoài thành sâu từ 3m đến 5m, rộng hẹp không đều nhau tùy theo địa hình.
Vào năm 1988, Bộ Văn hóa ban hành quyết định xếp hạng Thành cổ Diên Khánh là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.
Sau đó vào các năm 2003, 2010 Thành cổ Diên Khánh được sơn sửa 4 cổng, gia cố những nơi bị nứt tường, dột nước mưa và một số đoạn tường thành.
Tuy nhiên hiện nay, thành cổ xuất hiện nhiều điểm hư hỏng mới.
Cửa phía bắc do ít người qua lại nên cây cối mọc um tùm, người dân còn phóng uế lên di tích.
Các hoạt động của con người cũng đang xâm hại, làm hư hỏng di tích.
Ngày 12/11, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Diên Khánh nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo vệ di tích thành cổ.
Bên cạnh đó, ngành chức năng của tỉnh Khánh Hòa đang hoàn thành hồ sơ để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh giai đoạn 2022-2025 với tổng mức đầu tư dự kiến gần 170 tỷ đồng.