Bia cổ ở ngôi chùa 300 năm tuổi bị sơn mới, xâm hại

Thanh Tùng

(Dân trí) - Hơn 10 tấm bia chữ Hán và các bức phù điêu trên vách núi tại chùa Quan Thánh thuộc Khu Di tích Quốc gia núi An Hoạch, phường An Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang bị tô vẽ, xâm hại nghiêm trọng.

Năm 1992, Khu Di tích danh lam thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi, xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nay là phường An Hưng, TP Thanh Hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Bia cổ ở ngôi chùa 300 năm tuổi bị sơn mới, xâm hại - 1

Chùa Quan Thánh tọa lạc trên vách núi ở phường An Hưng, TP Thanh Hóa. Ngôi chùa thuộc khu Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia núi An Hoạch (Ảnh: Thanh Tùng).

Cụm di tích bao gồm: Đình Thượng, chùa Hinh Sơn, chùa Quan Thánh, Lăng Quận Mãn và Hòn Vọng Phu.

Trong đó, chùa Quan Thánh tọa lạc trên vách núi ở phường An Hưng, TP Thanh Hóa ngày nay còn lưu giữ nhiều bức phù điêu tạc hình tượng voi, ngựa và Quận Công Lê Trung Nghĩa, Quan Công cùng các tùy tùng và các tấm bia chữ Hán ghi lại các áng, văn thơ từ thời xa xưa.

Bia cổ ở ngôi chùa 300 năm tuổi bị sơn mới, xâm hại - 2

Hiện nay, nhiều hạng mục tại ngôi chùa này đang bị tô vẽ, xâm hại nghiêm trọng (Ảnh: Thanh Tùng).

Bia cổ ở ngôi chùa 300 năm tuổi bị sơn mới, xâm hại - 3

Bức phù điêu Quận công Lê Trung Nghĩa bị tô sơn màu đỏ (Ảnh: Thanh Tùng).

Mới đây, dư luận xôn xao trước những hình ảnh chùa Quan Thánh đang bị xâm hại. Cụ thể, nhiều bức phù điêu và các tấm bia chữ Hán được tạc trên vách núi tại ngôi chùa này bị tô, vẽ nhiều màu sắc, không còn nguyên trạng.

Ngôi chùa hơn 300 năm ở Di tích quốc gia đang bị xâm hại

Theo ghi nhận của PV vào ngày 7/11, hơn 10 tấm bia chữ Hán được tạc trực tiếp vào vách núi ở chùa Quan Thánh đang có màu nền vàng, chữ màu đỏ. Thậm chí, có một tấm bia tạc trên vách núi còn bị khoan, đục, đóng đinh khiến hai góc chữ trên tấm bia bị biến dạng.

Bia cổ ở ngôi chùa 300 năm tuổi bị sơn mới, xâm hại - 4

Những tấm bia chữ Hán được khắc trên vách núi bị tô vẽ, không còn nguyên trạng (Ảnh: Thanh Tùng).

Ngoài ra, còn có một số bức phù điêu như ngựa, voi, các vị thần linh… được tạc trên vách núi cũng có màu sắc sặc sỡ.

Xung quanh khu di tích này có nhiều xưởng sản xuất đá mỹ nghệ hoạt động cả ngày, bụi bay mù mịt, máy móc hoạt động ầm ĩ. Tại chân cầu thang lên chùa Quan Thánh có nhiều khối đá xẻ nằm ngổn ngang, nhếch nhác, cỏ cây mọc um tùm.

Bia cổ ở ngôi chùa 300 năm tuổi bị sơn mới, xâm hại - 5

Mặc dù là Di tích cấp Quốc gia nhưng chùa Quan Thánh đang bị lãng quên. Xung quanh khuôn viên chùa là các xưởng chế biến đá với máy móc hoạt động ầm ỉ, bụi bay mù mịt, cỏ cây um tùm (Ảnh: Thanh Tùng).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Lợi - Phó chủ tịch UBND phường An Hưng cho biết, chùa Quan Thánh có từ xa xưa và những vết sơn trên vách núi nói trên cũng đã xuất hiện từ lâu, không phải mới xuất hiện như dư luận xôn xao.

"Tất cả vết màu trên đó đã có từ lâu, nhưng có phần mờ. Nhiều năm trước, người ta có tô lại, việc tô lại này cũng phải hơn 10 năm rồi", ông Lợi cho biết.

Bia cổ ở ngôi chùa 300 năm tuổi bị sơn mới, xâm hại - 6

Có hơn 10 tấm bia chữ Hán và các bức phù điêu tại chùa Quan Thánh được tô lại màu sắc (Ảnh: Thanh Tùng).

Bia cổ ở ngôi chùa 300 năm tuổi bị sơn mới, xâm hại - 7

Một tấm bia còn bị đục, khoan lỗ lớn khiến hai chữ Hán trên bia bị biến dạng (Ảnh; Thanh Tùng).

Cũng theo ông Lợi, sau khi có thông tin xôn xao về việc di tích bị xâm hại, mới đây, UBND TP Thanh Hóa và các đơn vị chuyên môn thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã yêu cầu phường An Hưng có báo cáo về sự việc. Ông Lợi cũng thừa nhận để xảy ra tình trạng trên cũng do một phần quản lý chưa tốt của địa phương.

Bia cổ ở ngôi chùa 300 năm tuổi bị sơn mới, xâm hại - 8

Một bức phù điêu hình tượng con voi sau khi bị tô vẽ (Ảnh: Thanh Tùng).

Bia cổ ở ngôi chùa 300 năm tuổi bị sơn mới, xâm hại - 9

Chữ thần trên vách núi được tô màu đỏ (Ảnh: Thanh Tùng).

Liên quan đến vấn đề trên, bà Bùi Thị Tuyết - Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) cho biết, đơn vị này đã nắm được thông tin và đã có văn bản gửi UBND TP Thanh Hóa, địa phương quản lý di tích tiến hành kiểm tra, làm rõ. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo thanh tra phòng chuyên môn, đơn vị bảo tồn di sản sớm vào cuộc kiểm tra cụ thể.

Tiến sĩ Lê Thị Thảo, Trưởng khoa Văn hóa - Xã hội (Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) nêu quan điểm: "Theo tư liệu văn bia, chùa Quan Thánh (hay Quan Lão) được làm trong hang đá núi Khế từ đầu thế kỷ XVII. Ngôi chùa được Quận Công Lê Trung Nghĩa cho tu sửa, tạc thêm tượng trên vách núi vào nửa sau thế kỷ XVIII. Hệ thống phù điêu trên vách đá ở di tích này thuộc loại hiếm có và đạt chất lượng nghệ thuật tạo hình khá điển hình ở cuối thế kỷ XVIII không chỉ ở Thanh Hóa mà cả nước.

Di tích này nằm trong Cụm di tích núi An Hoạch đã được xếp hạng cấp quốc gia, vì vậy mọi hoạt động xây dựng, tu sửa chưa được cấp phép đều là vi phạm quy định của pháp luật. Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích.

Việc khoan đục để cố định cột sắt vào tấm bia cổ trên vách núi, làm hư hỏng, biến dạng di sản là vi phạm nghiêm trọng luật di sản văn hóa. Các bia và tượng ở đây không phải được tô màu từ thời xa xưa. Cách đây nhiều năm, người ta đã có một lần tô màu lên các hạng mục này, thời gian gần đây, các màu này đã phai đi thì lại tiếp tục tô màu lên, đây là một sự nhiệt tình mà thiếu hiểu biết thành ra phá hoại di sản. Cần phải tuyên truyền, tập huấn cho từng người ở ban quản lý di tích, chứ chỉ tập huấn cho lãnh đạo, người quản lý thôi thì chưa đủ. Tiếc là di tích đã bị phá hoại thì không thể khôi phục lại giá trị như nó vốn có".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm