Nick Út và "Em bé Napalm" hội ngộ tại TPHCM
(Dân trí) - Nhiếp ảnh gia Nick Út và bà Kim Phúc vừa có buổi gặp mặt người thân, bạn bè tại TPHCM nhân kỷ niệm 50 năm bức ảnh "Em bé Napalm". Bức ảnh từng được đăng tải khắp thế giới, góp phần kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trước đó, phóng viên ảnh chiến trường Nick Út và Kim Phúc vừa có chuyến đi về huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) hội ngộ cùng nhau tại nơi ông chụp được bức ảnh "Em bé Napalm" cách đây 50 năm.
Tại đây, cả 2 thăm lại người thân và bạn bè, nơi mà khi xưa bé Phan Thị Kim Phúc (9 tuổi) bị bỏng bom napalm và được Nick Út đưa vào bệnh viện.
Bà Kim Phúc vui mừng khi gặp lại diễn viên Đỗ Hải Yến - người mời nhiếp ảnh gia Nick Út về nước giao lưu với khán giả và thực hiện triển lãm kỷ niệm 50 năm bức ảnh "Em bé Napalm" vào tháng 4 vừa qua.
Theo nhiếp ảnh gia Nick Út, cuộc hội ngộ lần này rất có ý nghĩa vì đây là lần đầu tiên sau 50 năm, hai nhân vật chính làm nên bức ảnh huyền thoại mới được gặp lại nhau tại Việt Nam.
"Em bé Napalm" bước từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui. Lần trở về Việt Nam cùng Nick Út khiến những kỷ niệm đau thương về ngày ấy lại ùa về.
Vết bỏng do bom napalm vẫn hằn trên cơ thể nhưng tâm hồn bà Kim Phúc đã được cởi trói. Bà không muốn nỗi đau nằm yên đó mà đã biến vết thương năm xưa trở thành vũ khí mạnh mẽ để phản đối chiến tranh. Bà lấy vết thương trên cơ thể để minh chứng cho sự tàn khốc và phi nghĩa của chiến tranh. Kim Phúc của hiện tại, là hiện thân của niềm khát khao hòa bình trên toàn thế giới.
"50 năm qua, nhiều lần ngồi một mình nhìn bức ảnh, nước mắt tôi cứ trào ra. Đã từng chứng kiến sự tàn phá khốc liệt và di chứng của chiến tranh, tôi luôn mong ước hòa bình sẽ hiện hữu mãi mãi trên thế giới này", nhiếp ảnh gia Nick Út nói.
Nhiếp ảnh gia Nick Út kể lại khoảnh khắc chụp bức ảnh "Em bé Napalm" ngày 6/8/1972, tại Trảng Bàng, Tây Ninh trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Nick Út và "Em bé Napalm" chụp ảnh lưu niệm cùng người thân, bạn bè khi có mặt ở TPHCM.
Chiến tranh đã qua đi nhưng những di chứng của bom đạn hiện vẫn còn trên thân thể "Em bé Napalm". Những mảng da bị bỏng ở lưng và cánh tay của bà Phan Thị Kim Phúc đã có nhiều bác sĩ trên thế giới khám và điều trị nhưng không thể chữa khỏi bởi da đã bị cháy khô.
"Sự có mặt của Phúc ở TPHCM hôm nay, Kim Phúc còn sống. Phúc không còn là nạn nhân của chiến tranh nữa. Mà Kim Phúc là sự sống còn trong sự tàn khốc. Đồng thời cũng là sứ giả hòa bình. Coi như là cuộc sống của Kim Phúc có rất nhiều thay đổi", bà Kim Phúc chia sẻ.
Trước đó, Nick Út và Kim Phúc có chuyến du lịch xuyên Việt trên tàu Le Laperouse (quốc tịch Pháp) khởi hành từ Hạ Long ghé thăm Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang và TPHCM.
Bà Kim Phúc ký lưu niệm lên quyển sách 'Nick Út - Huyền thoại giản dị" mà nhà báo Giản Thanh Sơn biên soạn.
Nhà báo Giản Thanh Sơn chụp ảnh kỷ niệm cùng bà Kim Phúc tại TPHCM.
Đến với buổi gặp mặt còn có đạo diễn Leon Lê - đạo diễn của bộ phim điện ảnh Song Lang.
Nhiếp ảnh gia Nick Út chụp ảnh kỷ niệm với vợ chồng Kim Phúc, diễn viên Đỗ Hải Yến và ông xã.
Nhiếp ảnh gia Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh ngày 29/3/1951 tại Long An. Ông chụp bức ảnh nổi tiếng lúc 21 tuổi, bên ngoài làng Trảng Bàng (Tây Ninh) vào ngày 8/6/1972. Sau khi chụp ảnh, Nick Út lao vào cứu Kim Phúc - em đã bị bỏng độ 3 khoảng 30% cơ thể do nhiệt tỏa ra từ quả bom napalm lên đến 800-1.200 độ C.
Bức ảnh đại diện cho sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam và mang lại cho nhiếp ảnh gia Nick Út giải Pulitzer năm 1972.