Nick Út nói gì về các phóng viên vào bệnh viện chụp người mất vì Covid-19?

Hữu Khoa

(Dân trí) - "Tôi thấy nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong vô bệnh viện, đi nhiều nơi chụp những người mất vì dịch bệnh. Điều này nguy hiểm không thua gì những phóng viên chiến trường xưa" - Nick Út chia sẻ.

"Tôi có nhiều bức ảnh đặc biệt, những bức ảnh tài tử Hollywood mà phóng viên khác không chụp được. Tuy nhiên, ảnh về chiến tranh Việt Nam - trong đó bức ảnh "Em bé Napalm" lúc nào cũng đặc biệt nhất" - nhiếp ảnh gia Nick Út chia sẻ với Dân trí tối 3/4, nhân dịp kỷ niệm 50 năm bức ảnh "Em bé Napalm".

"Tôi thấy mình là chứng nhân lịch sử"

-Mỗi lần về Việt Nam, cảm xúc của ông thế nào?

- Tôi nhớ Việt Nam nhiều lắm. Tôi muốn về gặp lại bạn bè nhất là những phóng viên ảnh. Tôi muốn đi Sapa, Hà Giang vì mấy năm nay không chụp ở những vùng đó. Tôi muốn trở lại chụp đồng bào ở Hà Giang và còn nhiều nơi muốn đi nhưng thời gian của tôi không đủ. 

Nick Út nói gì về các phóng viên vào bệnh viện chụp người mất vì Covid-19? - 1

Bức ảnh "Em bé Napalm" của tác giả Nick Út (Ảnh: AP).

- Đã 50 năm từ khi bức ảnh "Em bé Napalm" ra đời, ông có cảm thấy mình may mắn khi bắt được khoảnh khắc đó?

- Tôi thấy mình là chứng nhân lịch sử. Cả ngày hôm đó tôi chụp rất nhiều ảnh. Tôi từng thực hiện nhiều bức ảnh về chiến tranh đến nỗi, khi thấy máy bay thả bom là biết bay tới khúc nào rồi. Khi tôi chụp bức ảnh "Em bé Napalm", tôi muốn phản ánh về chiến tranh Việt Nam, từ đó cho thế giới biết đến đất nước mình.

-Bức ảnh "Em bé Napalm" quá nổi tiếng có tạo áp lực cho ông về những tác phẩm sau này?

- Không. Tôi có rất nhiều bức ảnh đặc biệt chứ không riêng bức đó. Ví dụ như khi chụp Paris Hilton, lúc đó tôi cũng nổi tiếng. Tiếp theo là những bức ảnh chụp các tài tử Hollywood, nhiều phóng viên không chụp được nhưng tôi lại có. Tuy nhiên,  ảnh về chiến tranh Việt Nam trong đó bức ảnh "Em bé Napalm" lúc nào cũng đặc biệt nhất.

Nick Út nói gì về các phóng viên vào bệnh viện chụp người mất vì Covid-19? - 2

Nick Út thời trẻ và bức ảnh "Em bé napalm" nổi tiếng khắp thế giới (Ảnh: Pininterst).

"Nếu không theo nhiếp ảnh, có thể tôi đi lính"

- Ngoài những điều kiện khách quan, một bức ảnh đẹp cần có những yếu tố gì?

- Ảnh đẹp phải do phóng viên chụp nữa. Bức ảnh đó phải chứa cả ngàn lời nói. Lúc nào cầm máy ảnh lên mắt tôi cũng nhìn vào mắt mỗi người, chứ tôi không tới chụp bừa, chụp lung tung. Thường thì tôi đi xung quanh, quan sát hết mọi khía cạnh rồi mới chụp.

- Có phải máy ảnh là vật bất ly thân với ông?

- Tôi cầm máy ảnh như cầm khẩu súng vậy đó. Máy tôi thường xài khoảng hơn 10kg. Hồi đi ra Đà Nẵng chụp ảnh với mấy bạn trẻ, thấy một ông già chụp hình không có chân máy, họ hỏi tôi bao nhiêu tuổi rồi. Tôi nói trên 70 tuổi và họ tỏ ra bất ngờ. Tôi ngày nào cũng tập thể thao mới chịu được sức nặng của máy ảnh.

-Điều gì khiến ông theo đuổi nghề nhiếp ảnh đến giờ?

- Bản thân tôi rất thích chụp ảnh. Tôi theo đuổi công việc này từ xưa tới giờ để nhớ mãi về anh mình - anh tôi làm phóng viên. Sau khi anh qua đời, tôi quyết định theo nghiệp phóng viên ảnh.

- Nếu không theo nhiếp ảnh, ông sẽ làm gì?

- Tôi sẽ đi lính. Nhưng giữa 2 lựa chọn đó, tôi chọn làm phóng viên ảnh.

Nick Út nói gì về các phóng viên vào bệnh viện chụp người mất vì Covid-19? - 3

Nhiếp ảnh gia Nick Út đã ngoài 70 tuổi (Ảnh: Ban Tổ chức).

- Ông đánh giá gì về ảnh báo chí Việt Nam hiện nay?

- Tôi có quen một người bạn là nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong. Phong có làm cuốn sách về Covid-19 và đã bỏ 5 tháng để chụp ảnh.

Ở Mỹ, bạn tôi đi chụp Covid-19 có mấy người không may qua đời. Nhưng tôi thấy Phong vào bệnh viện, đi nhiều nơi chụp những người mất vì dịch bệnh. Điều này nguy hiểm không thua gì những phóng viên chiến trường xưa.

- Thời gian gần đây, chủ đề ảnh nào ông quan tâm?

- Khi về hưu, tôi và những người bạn Mỹ, những phóng viên về hưu thường rủ nhau đi biển, đi sa mạc vào cuối tuần để chụp những cảnh mà trước giờ chưa ai từng chụp. Đó cũng là sở thích của tôi.

Cảm ơn ông, xin chúc ông có thật nhiều sức khỏe!

Tối 4/4, vợ chồng diễn viên Đỗ Thị Hải Yến đã tổ chức buổi gặp gỡ thân mật với nhiếp ảnh gia Nick Út nhân dịp kỷ niệm 50 năm bức ảnh "Em bé Napalm" ra đời. Sự kiện có sự tham gia của đông đảo doanh nhân, nghệ sĩ và những tên tuổi trong giới nhiếp ảnh.

Bức ảnh "Em bé Napalm" do tác giả Nick Út chụp vào năm 1972 tại miền nam Việt Nam, ghi lại khoảnh khắc những đứa trẻ hoảng loạn bỏ chạy sau khi máy bay Mỹ ném bom napalm xuống khu vực Trảng Bàng, Tây Ninh. Nhân vật gây chú ý nhiều nhất trong bức ảnh là cô bé Kim Phúc, 9 tuổi, vừa khóc vừa chạy trong tình trạng không mảnh vải che thân.

Nick Út, tên thật Huỳnh Công Út, trở thành phóng viên ảnh của hãng tin AP khi mới 16 tuổi sau khi người anh trai Huỳnh Thanh Mỹ, cũng là một phóng viên ảnh của AP, thiệt mạng ở chiến trường miền nam Việt Nam năm 27 tuổi.