(Dân trí) - Truyền thống đeo nhẫn cưới đã có từ lâu đời, xung quanh tục lệ này có nhiều điều thú vị.
Ngón tay đeo nhẫn cưới và những bí mật về tình yêu
Truyền thống đeo nhẫn cưới đã có từ lâu đời, xung quanh tục lệ này có nhiều điều thú vị.
Nhẫn đính hôn và nhẫn cưới là một nét truyền thống trong phong tục cưới hỏi đã tồn tại ở nhiều quốc gia từ hàng trăm năm nay. Nhẫn đính hôn và nhẫn cưới được xem như biểu tượng của sự cam kết gắn bó, sự đồng hành tận tụy và một tình yêu bền bỉ. Xung quanh ngón tay đeo nhẫn đính hôn và nhẫn cưới có nhiều điều thú vị.
Ngón đeo nhẫn đính hôn và nhẫn cưới
Tại nhiều quốc gia phương Tây, truyền thống quy ước ngón tay đeo nhẫn đính hôn và nhẫn cưới là ngón áp út trên bàn tay trái. Quy ước này có từ thời La Mã cổ đại. Thời ấy, lĩnh vực giải phẫu còn chưa phát triển với những thông tin chính xác như bây giờ, khi ấy, người ta tin rằng ngón tay đặc biệt này có một mạch máu chạy thẳng vào tim, gọi là mạch Vena Amoris, tức "mạch tình yêu".
Trong tình yêu, người ta luôn đề cao... trái tim, vì vậy, ngón tay có mạch chạy thẳng tới trái tim được coi là ngón tay phù hợp nhất để đeo chiếc nhẫn thể hiện sự cam kết gắn bó của đôi lứa, nhằm khẳng định về một tình yêu bền bỉ và việc trái tim đôi bên đã dành cho nhau.
Sau này, khoa giải phẫu khẳng định rằng tất cả các ngón tay đều có mạch máu kết nối với trái tim và không có một mạch máu nào mang tính chất "độc nhất vô nhị" như mạch Vena Amoris mà người xưa từng đề cập đến. Dù vậy, truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm vẫn được duy trì, bất kể những thay đổi của kiến thức khoa học.
"Ngón tay tình yêu" ở mỗi nơi mỗi khác
Không phải ở đâu người ta cũng có quan niệm phải đeo nhẫn trên ngón áp út của bàn tay trái. Chẳng hạn ở một số quốc gia như Nga, Đức, Na Uy hay Ấn Độ..., ngón đeo nhẫn đính hôn và nhẫn cưới nằm trên bàn tay phải.
Nguyên nhân sâu xa của việc này là bởi trong tiếng Latinh, từ "trái" lại có thêm nghĩa là "xấu", nên nhiều người cho rằng bàn tay trái không may mắn như bàn tay phải, dần dần, quan niệm này được lan truyền rộng ra tại một số quốc gia và nền văn hóa.
Xưa kia, tại nhiều quốc gia phương Tây, sau khi đính hôn, cả nam và nữ đều đeo nhẫn đính hôn, nhưng dần dần tục lệ này không được nhiều nam giới ưa chuộng. Về sau, tại nhiều quốc gia, nhẫn đính hôn chỉ có nữ giới đeo sau khi người nam cầu hôn, đến khi cưới, hai bên mới cùng đeo nhẫn cưới.
Nhưng tại Thụy Điển và Chile, ngay từ khi đính hôn, cả người nam và người nữ đều phải cùng đeo nhẫn. Tại Chile, người ta đeo nhẫn đính hôn trên ngón áp út của bàn tay phải cho tới khi chính thức tổ chức hôn lễ thì đeo nhẫn cưới lên ngón áp út của bàn tay trái.
Thực tế, không chỉ có nhẫn đính hôn được xem là biểu tượng đánh dấu cho một mối quan hệ sắp tiến tới hôn nhân. Tại Trung Quốc, tiền và các sính lễ khác cũng được gửi tới nhà gái như một sự cam kết về hôn sự sắp diễn ra.
Ở tại miền bắc Kenya, những người trong bộ tộc Samburu thể hiện việc mình đã có đính ước thông qua những chuỗi hạt đeo trên cổ, những chuỗi hạt này có những màu sắc theo quy ước để người khác nhìn vào là biết người này đã có đính ước.
Ý niệm về nhẫn đính hôn và nhẫn cưới
Nhẫn đính hôn tượng trưng cho một lời hứa về hôn sự, nhẫn cưới là sự khẳng định cho lời hứa đã có, là sự cam kết gắn bó và ràng buộc với nhau trọn đời. Chiếc nhẫn hình tròn không có điểm bắt đầu và kết thúc, vì vậy, nó được xem như biểu tượng của sự vĩnh cửu, là sự gắn bó tận tụy của hai con người trong suốt cả cuộc đời.
Trong văn hóa phương Tây, nhẫn cưới được trao trong hôn lễ và được đeo vào ngón áp út bàn tay trái. Như vậy, điều gì sẽ xảy ra với chiếc nhẫn đính hôn mà chú rể trước đó đã dùng để cầu hôn cô dâu?
Trước khi lễ cưới diễn ra, nhẫn đính hôn sẽ được chuyển sang đeo ở bàn tay phải để trong hôn lễ, nhẫn cưới được đeo lên ngón áp út của bàn tay trái. Khi đã đeo nhẫn cưới, trong hôn lễ hoặc sau hôn lễ, cô dâu có thể cùng lúc đeo cả nhẫn đính hôn và nhẫn cưới trên ngón áp út bàn tay trái. Thứ tự đeo nhẫn lúc này là đeo nhẫn cưới trước rồi mới tới nhẫn đính hôn.
Sau hôn lễ, nhiều phụ nữ còn cẩn thận đi gắn hai chiếc nhẫn đính hôn và nhẫn cưới lại thành một, vừa để thuận tiện khi đeo vừa đưa lại một ẩn dụ về sự gắn kết hôn nhân sau một chặng hành trình.
Dù vậy, nếu người phụ nữ thích đeo nhẫn cưới trên tay trái và nhẫn đính hôn trên tay phải, điều này cũng không vấn đề gì. Ở Colombia và Brazil, những cặp đôi đã có hôn ước với nhau sẽ đeo nhẫn đính hôn trên ngón áp út của tay phải, sau khi đã đưa ra lời thề nguyền trong hôn lễ, họ sẽ chuyển nhẫn sang ngón áp út của bàn tay trái.
Những cô dâu người Thụy Điển còn có hẳn 3 chiếc nhẫn đánh dấu những mốc quan trọng trong đời người phụ nữ, gồm nhẫn đính hôn, nhẫn cưới và nhẫn làm mẹ.
Trên thế giới, không chỉ việc đeo nhẫn là hành động có tính chất biểu tượng trong hôn lễ, chẳng hạn tại Ấn Độ, lễ cưới truyền thống còn bao gồm việc cô dâu - chú rể đeo vòng hoa cưới Varmala lên cổ nhau. Hơn thế, những người theo đạo Hindu còn có tục lệ đeo nhẫn cưới ở ngón chân của cô dâu, nhẫn này được gọi là "bichiya".
Độc thân, có thể đeo nhẫn trên ngón "đặc biệt" được không?
Trong đời sống, người ta tin rằng nếu một người chưa có đính ước nào mà đeo nhẫn trên ngón "đặc biệt", điều này có thể đưa lại vận xui cho chuyện tình cảm của người đó.
Còn nếu xét trên điều kiện thực tế, nếu một người độc thân mà đeo nhẫn trên ngón "đặc biệt", những người khác có thể tưởng rằng người này đang trong một mối quan hệ có sự cam kết gắn bó, như vậy cơ hội hẹn hò, tìm hiểu sẽ bị giảm đi.
Có nên đeo nhẫn cưới mọi lúc mọi nơi không?
Về cơ bản, việc một người thường xuyên đeo nhẫn cưới thể hiện sự tôn trọng và nghiêm túc của họ dành cho mối quan hệ vợ chồng đang có. Dù vậy, trong bối cảnh cuộc sống hàng ngày, người ta có thể tháo nhẫn để bảo vệ cho chính chiếc nhẫn hoặc tạo sự thoải mái cho bản thân mình, chẳng hạn trong lúc lau dọn, tập luyện thể thao, hay trước khi đi ngủ để ngón tay có được sự tuần hoàn tốt.
Nhẫn "hứa": Tượng trưng cho sự gắn bó nhưng chưa... cam kết ràng buộc
Trong tình yêu còn có một loại nhẫn gọi là nhẫn "hứa", nó không phải là nhẫn đính hôn, nhưng có ghi nhận một chặng hành trình gắn bó trong tình cảm của một cặp đôi. Loại nhẫn này đã bắt đầu xuất hiện từ thời La Mã và thường có giá trị vật chất không cao.
Thông điệp đằng sau nhẫn "hứa" hay nhẫn "đôi" sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng cặp đôi. Nhưng thông điệp chung thường là ghi nhận sự gắn bó trong tình cảm, dù vậy, chưa cam kết hứa hẹn chuyện dài lâu.