Ngắm truyện Tam Quốc, Chiêu Quân trên tranh Hàng Trống
(Dân trí) - 10 bộ Tranh truyện Hàng Trống sáng tạo từ thế kỷ 19 đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đây là dòng tranh dân gian độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội.
Chiều 18/3, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam Phan Ngọc Khuê đã ra mắt công chúng triển lãm Tranh truyện Hàng Trống gồm 40 bức tranh thuộc 10 bộ tranh truyện mà ông dày công sưu tầm. Nội dung các bộ tranh là những tích truyện cổ quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.
Tại buổi trưng bày, họa sĩ Phan Ngọc Khuê cũng đã trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ. Bộ tranh có giá trị xã hội lớn, không chỉ đề cao nét đẹp con người trong xã hội mà còn tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam.
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng nhiều nhà nghiên cứu, người yêu nghệ thuật vẽ tranh Hàng Trống cũng đã tới dự buổi trưng bày.
Theo Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, niên đại của các bộ tranh trưng bày tại triển lãm được sáng tạo từ thế kỷ 19 cho tới trước những năm 1945, đến nay đã có tuổi đời hơn 100 năm. "Những loại này các chủ hiệu tranh phải thu mua ván để khắc tranh, mỗi tấm tranh như này ít ra phải ghép 2-3 tấm ván lại với nhau, phải gia công thợ mộc cho bằng, đẹp, sau đấy gia công vẽ", họa sĩ Phan Ngọc Khuê chia sẻ thêm.
Tại triển lãm, chị Phan Vân Ánh (con gái của họa sĩ Phan Ngọc Khuê) chia sẻ về tình yêu của cha mình dành cho nghệ thuật dân gian, bày tỏ sự xúc động và cảm thấy biết ơn cha khi truyền bá lại những kiến thức, kinh nghiệm về văn hóa dân tộc.
Bộ tranh Tam Quốc 1 trưng bày tại triển lãm 4 bức.
Điểm nhấn của những bức tranh trong bộ sưu tập Tranh truyện Hàng Trống ngoài giá trị thẩm mỹ còn thể hiện sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu... Nét độc đáo của tranh Hàng Trống còn thể hiện ở sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc, bố cục và đề tài, tạo nên một tổng thể sinh động và đầy sức sống.
Đông đảo người yêu tranh dân gian Hàng Trống đã tới dự lễ khai trương triển lãm và thưởng lãm các tác phẩm.
Nhiều người ghi lại hình ảnh về những bức tranh quý hiếm đã có tuổi đời hơn 100 năm.
Hai bộ tranh Nhị Độ Mai và Chiêu Quân 1 (từ trái sang phải).
Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng tham quan từ 18/3 đến hết ngày 31/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bài và ảnh: Tuấn Phương