DMagazine

4 bức tranh khắc họa phụ nữ Việt xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế

(Dân trí) - Tác giả của 4 bức tranh sắp đem ra đấu ra là các danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh. Họ đều là những họa sĩ tài năng bước ra từ trường Mỹ thuật Đông Dương.

4 bức tranh khắc họa phụ nữ Việt xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế

Tác giả của 4 bức tranh sắp đem ra đấu ra là các danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh. Họ đều là những họa sĩ tài năng bước ra từ trường Mỹ thuật Đông Dương.

Phiên đấu giá có tên "Modern Art Evening Sale" sắp được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông tổ chức vào tối 9/10 tới đây. Trong phiên đấu giá có 4 bức họa được thực hiện bởi các danh họa Việt Nam. Đó là các tác phẩm của các danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Nguyễn Phan Chánh. Họ đều là những họa sĩ tài năng bước ra từ trường Mỹ thuật Đông Dương.

Hãy cùng chiêm ngưỡng 4 bức tranh được thực hiện bởi 3 danh họa Việt - những tác phẩm sắp xuất hiện trên thị trường đấu giá quốc tế:

4 bức tranh khắc họa phụ nữ Việt xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế - 1

Bức "Hái quả" của danh họa Lê Phổ (Ảnh: Sotheby).

Bức "Hái quả" của danh họa Lê Phổ (1907 - 2001) có mức giá ước đoán do nhà đấu giá đưa ra dao động trong khoảng từ 800.000 - 1.500.000 đô la Hồng Kông (tương đương từ 2,3 tỷ đồng - 4,4 tỷ đồng). Bức tranh lụa có kích thước 62 x 30 cm.

Bức "Hái quả" mang vẻ đẹp thanh bình, tĩnh lặng và là một bước thử nghiệm sáng tạo của Lê Phổ. Ông tìm tới tranh lụa như một thử nghiệm để làm mới mình. Bức tranh khắc họa một quang cảnh vui tươi trong đời sống thường nhật của một gia đình người Việt truyền thống. Bối cảnh trong tranh là một khu vườn với những loại cây ăn quả và các loại hoa mang sắc màu tươi sáng.

Tranh khắc họa một người mẹ đang ngồi trong khu vườn đẹp nên thơ, bên cạnh là hai người con đang hái quả phía sau người mẹ.

Danh họa Lê Phổ đặc biệt hứng thú với những bức tranh khắc họa quang cảnh đời sống gia đình, qua đó ông thể hiện cái nhìn mang nhiều chất thơ mộng trong những hình dung về đời sống gia đình của người Việt. Trong bức tranh, hình ảnh người mẹ bên các con trong một khu vườn đầy hoa trái tươi đẹp mang ý nghĩa bổ trợ cho nhau.

4 bức tranh khắc họa phụ nữ Việt xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế - 2

Bức "Mẹ và con" của danh họa Mai Trung Thứ (Ảnh: Sotheby).

Bức "Mẹ và con" của danh họa Mai Trung Thứ (1906 - 1980) có mức giá ước đạt từ 1,5 triệu tới 3 triệu đô la Hồng Kông (tương đương từ 4,4 tỷ đồng - 8,7 tỷ đồng). Bức tranh lụa có kích thước 70 x 34,5 cm, được thực hiện vào năm 1942.

Bức tranh "Mẹ và con" là một tác phẩm đặc trưng cho phong cách hội họa nên thơ của Mai Trung Thứ. Bức tranh chứa đựng những nét trứ danh thuộc về phong cách của ông, đồng thời cho thấy cách xử lý bậc thầy của ông trên chất liệu tranh lụa. Tác phẩm khắc họa một người phụ nữ Việt có phong cách quý phái đang ôm người con nhỏ đang cầm một món đồ chơi trong tay.

Tác phẩm cho thấy vẻ đẹp nữ tính mà vị danh họa vẫn luôn ngưỡng mộ và phản ánh trong các tác phẩm của mình khi đặc tả người phụ nữ Việt. Các tông màu trong tranh đều dịu nhẹ, phảng phất sự nên thơ, lãng mạn, biểu trưng cho nỗi nhớ quê hương của vị danh họa.

Động tác của người mẹ trong tranh được khắc họa với đầy sự cẩn trọng và tình yêu thương, hai bàn tay âu yếm đỡ lấy con, để con khỏi ngã, đồng thời như đang muốn kéo gương mặt con lại gần áp vào gương mặt mình.

4 bức tranh khắc họa phụ nữ Việt xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế - 3

Bức "Chiếc quạt" của danh họa Mai Trung Thứ (Ảnh: Sotheby).

Bức "Chiếc quạt" của danh họa Mai Trung Thứ (1906 - 1980) có mức giá ước đoán từ 2,8 triệu - 4,8 triệu đô la Hồng Kông (tương đương từ 8,2 tỷ đồng - 14 tỷ đồng). Bức tranh lụa có kích thước 57,5 x 44 cm, được thực hiện vào năm 1941.

Bức "Chiếc quạt" là một bức tranh đặc biệt, bởi tác phẩm được thực hiện trong giai đoạn đầu khi danh họa Mai Trung Thứ theo đuổi dòng tranh lụa. Các bức tranh lụa của ông thường nhỏ nhắn, nhưng bức tranh này có kích thước lớn hơn.

Tác phẩm khắc họa một cô gái trẻ đang ngồi thả hồn trong dòng suy nghĩ, trên một tay, cô cầm chiếc quạt, tay kia cầm một cuốn sách với những ngón tay vẫn còn đang đánh dấu trang như chuẩn bị đọc tiếp. Tình yêu quê hương của họa sĩ Mai Trung Thứ được thể hiện qua cách khắc họa rất tinh tế những nét đẹp đặc trưng của đất nước - con người Việt Nam.

4 bức tranh khắc họa phụ nữ Việt xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế - 4

Bức "Nhà trẻ" của danh họa Nguyễn Phan Chánh (Ảnh: Sotheby).

Bức "Nhà trẻ" của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892 - 1984) có mức giá ước đoán dao động trong khoảng từ 2,4 triệu - 3,2 triệu đô la Hồng Kông (tương đương từ 7 tỷ đồng - 9,3 tỷ đồng). Bức tranh lụa có kích thước 49,5 x 71,5 cm, được thực hiện vào năm 1964.

Danh họa Nguyễn Phan Chánh đã tìm đến một nhà trẻ để thực hiện bức tranh này giữa bối cảnh chiến tranh khi ấy vẫn đang diễn ra tại Việt Nam. Bức họa ghi lại những nét đẹp của cuộc sống thường ngày và là một tác phẩm nổi bật trong gia tài hội họa của ông.

Nguyễn Phan Chánh được đánh giá là bậc thầy trong hội họa Việt Nam ở mảng tranh lụa. Ông đồng hành cùng với những diễn biến trong đời sống của người dân Việt Nam, tranh ông ban đầu phản ánh vẻ đẹp truyền thống, còn về sau khắc họa vẻ đẹp hiện đại trong đời sống mới của người Việt.

Bức họa này là một điểm nhấn quan trọng trong quá trình sáng tạo của Nguyễn Phan Chánh, bởi ông dần từ giã khung cảnh trầm mặc với những con người tĩnh lặng ngồi yên trong những bối cảnh tĩnh mịch bên trong nhà, để chuyển sang khắc họa những nhân vật sinh động hơn, như trong bức tranh này là sự ngây thơ, vô tư của những em bé và niềm vui của cô giáo khi đón các em tới lớp.

Bối cảnh bức tranh cũng đặt ở không gian ngoài trời, gợi lên vẻ đẹp của làng quê Việt Nam. Trong khi những người bạn học ở trường Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm... sau này sang Pháp định cư, Nguyễn Phan Chánh quyết định ở lại Việt Nam.

Cách lựa chọn đề tài của ông cũng khác so với các bạn học của mình ngay khi còn học trong nhà trường. Trong khi các họa sĩ khác thích thú khắc họa những con người thuộc giới thượng lưu tại Việt Nam khi ấy, Nguyễn Phan Chánh lại hứng thú với cuộc sống đời thường của những con người bình dị.

Nguyễn Phan Chánh từng theo học ngành sư phạm và từng là giáo viên tiểu học trước khi ông trở thành sinh viên khóa đầu của trường Mỹ thuật Đông Dương. Bức tranh này phần nào thể hiện tình cảm của ông dành cho nghề giáo.