Độc lạ hội thi câu ếch, bắt lươn... để kén rể cho thiếu nữ ở Hà Nội
(Dân trí) - Lễ hội kén rể ở Đường Yên (Đông Anh, Hà Nội) thu hút đông đảo du khách tới theo dõi màn tranh tài của 2 chàng rể qua các phần thi độc đáo như câu ếch, bắt lươn, kéo cày...
Sau nhiều năm bị gián đoạn, từ năm 2001 đến nay, lễ hội kén rể ở Đường Yên, Đông Anh, Hà Nội được tổ chức vào 2/2 âm lịch hàng năm với những phần thi độc đáo, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương và du khách.
Ngay từ trước khi lễ hội diễn ra, không khí tại xung quanh đình Đường Yên (thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội) đã trở nên nhộn nhịp bởi giọng hát của các liền anh, liền chị đi thuyền thu hút sự chú ý của người dân địa phương.
Những thành viên được lựa chọn trong đoàn biểu diễn gồm cả người lớn và trẻ em, tập trung trong đình chỉnh trang lễ phục, trang điểm tỉ mỉ.
Nguyễn Thị Hường (thiếu nữ trong thôn) đã được lựa chọn để hóa thân thành nữ tướng Lê Hoa, vị nữ anh hùng sau khi phò tá Hai Bà Trưng thắng trận đã trở về quê nhà mở hội đua tài canh nông và kén rể.
Theo truyền thuyết dân gian và thần phả của đình thì bà Lê Hoa là một danh tướng của Hai Bà Trưng và là người có công chữa bệnh cho dân làng Đường Yên được dân làng tôn vinh thờ phụng.
Hường cho biết, dù đã chuẩn bị với vai diễn này gần 1 tháng nay nhưng tới trước giờ khai hội vẫn khá hồi hộp. Ngay từ nhỏ em đã có cơ hội được đi theo các bà trong làng để học tuồng, múa kiếm, hóa thân thành các nhân vật lịch sử nên ở lần hội năm nay em cũng bớt bỡ ngỡ hơn.
Để chuẩn bị cho lễ hội năm nay, hàng trăm nghệ nhân là người làng phải tập luyện suốt một tháng. Trong đó, những người đóng giả chàng trai đến kén rể và nữ tướng Lê Hoa phải được tuyển chọn theo những yêu cầu riêng biệt như: Trai thanh, gái lịch, chưa có gia đình... Người đóng vai mẹ của bà Lê Hoa (tức mẫu bà) phải là người đẹp song toàn, gia đình ổn định.
Màn múa cờ, múa kiếm thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Múa cờ thần tượng trưng cho các đạo quân của Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc đông Hán. Múa kiếm là thể hiện uy lực của các đạo quân Hai Bà Trưng.
Sau màn múa cờ và múa trống công phu, các chàng trai đến kén rể chính thức bước vào các phần thi. Đầu tiên là thi cày, không chỉ là một phần thi mà đây cũng là để răn dạy cháu con hãy siêng năng công việc nhà nông. Cày sao cho gọn, cho thẳng, các thao tác từ đánh trâu, bắc vải, bắc cày, tháo cày... đòi hỏi người thi phải là người giỏi nghề nông mới làm tốt các phần thi của mình.
"Nữ tướng Lê Hoa" say sưa theo dõi 2 chàng trai thuộc phe Bắc và phe Hậu tranh tài kén rể.
Ngay sau đó là phần thi câu ếch với ý nghĩa ôn lại những sáng tạo của ông cha ta khi xưa, nâng cao tinh thần yêu quê hương đất nước của con cháu.
Người làm ếch phải ngồi đúng tư thế ếch ngồi, sau hiệu lệnh trống 1 hồi 3 tiếng là phải câu được ếch về báo cáo với giám khảo và mẫu bà.
Lễ hội năm nay đã rút ngắn các nội dung thi khi không tổ chức thi "chõng chó". Phần thi cuối cùng là "bắt trạch trong chum" thể hiện sự khéo léo, nhanh tay của 2 chàng rể.
Sau 3 phần thi, Ban giám khảo sẽ cho điểm bằng thẻ và tuyên bố ai giành phần thắng, chiến thắng chung cuộc được tính bằng điểm tổng cuối cùng, chàng rể ưu tú nhất đã được chọn để nên duyên cùng nữ tướng Lê Hoa.
Lễ hội khép lại với màn múa hát chúc mừng cho đôi phu thê đã nên duyên. Đây là dịp để dân làng và du khách các nơi có dịp ôn lại truyền thống lịch sử, giúp thế hệ trẻ gìn giữ, phát huy và thể hiện tình yêu quê hương đất nước.