PhotoStory

Trai tráng từ khắp các tỉnh miền Bắc về Hà Nội thi tài kéo co

Thực hiện: Thành Đông

(Dân trí) - Sáng 18/11 tại đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) diễn ra trò chơi kéo co của các cộng đồng kéo co Việt Nam đến từ khắp các tỉnh thành khu vực phía bắc.

Trai tráng từ khắp các tỉnh miền Bắc về Hà Nội thi tài kéo co - 1

9h sáng nay, Lễ hội Kéo co ngồi truyền thống được tổ chức tại đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) chính thức khởi tranh. Sự kiện thu hút đông đảo du khách thập phương về theo dõi, cổ vũ.

Theo ban tổ chức, đây là chương trình có tính hình thức, biểu diễn trò chơi kéo co truyền thống của các địa phương trên cả nước, không phải cuộc thi thắng thua nên từng địa phương lên sâu khấu trình diễn nét đặc trưng kéo co của địa phương mình.

Trai tráng từ khắp các tỉnh miền Bắc về Hà Nội thi tài kéo co - 2

Theo quy ước truyền thống của làng Thạch Bàn, dây song dài khoảng 50m được luồn qua chân cột gỗ lim lớn đóng cố định giữa sân, thành viên 2 đội ngồi xen kẽ nhau phối hợp cùng nắm sợi dây song, một người co, một người duỗi để đạt được lực kéo tốt nhất. 

Tên gọi "Kéo co ngồi" được đặt theo tư thế ngồi của các đô kéo khi kéo co. Kéo co ngồi là trò diễn nghi lễ trong hội đền Trấn Vũ để hầu Đức thánh Linh Lang - vị Thành Hoàng của làng Ngọc Trì (xã Cự Linh xưa, nay thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội).

Trai tráng từ khắp các tỉnh miền Bắc về Hà Nội thi tài kéo co - 3

Các "song thủ" - người tham gia đội kéo co - được lựa chọn tham gia phải là gia đình văn hóa có 5 đời sống tại làng trở lên và có nền nếp, gia giáo. 

Trai tráng từ khắp các tỉnh miền Bắc về Hà Nội thi tài kéo co - 4
Trai tráng từ khắp các tỉnh miền Bắc về Hà Nội thi tài kéo co - 5

Bước vào trận đấu của đội kéo song thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Mỗi đội đều có ba người chỉ huy gọi là trịch song (hay tướng) là và hai sĩ đứng ở đầu, giữa và cuối dây. Hai "song thủ" sẽ đứng chung một hố, tì gót chân xuống đất rồi kéo ngửa ra sau để kéo dây song về phía đội mình.

Các "song thủ" là trai đinh khỏe mạnh ở làng Cánh, độ tuổi trên 20, được các hương lão tuyển lựa kỹ càng, mỗi làng có một đội gồm 25 người.

Trai tráng từ khắp các tỉnh miền Bắc về Hà Nội thi tài kéo co - 6

Phần thi kéo mỏ với vật dụng kéo làm từ hai cây tre dài 6-7m, mang nung hai đầu ngọn tre, uốn mềm thành mỏ và móc vào nhau, rồi dùng lạt mềm buộc thật chặt làm vật dụng kéo. Điểm bẻ gập được tính số đốt từ gốc lên ngọn mang ý nghĩa "Sinh - Lão - Bệnh - Tử".

Trai tráng từ khắp các tỉnh miền Bắc về Hà Nội thi tài kéo co - 7

Lễ hội kéo co dựa vào kết quả thi đấu sẽ phán đoán mùa màng, hạn hán, thiên nhiên trong năm có thuận lợi hay không.

Trai tráng từ khắp các tỉnh miền Bắc về Hà Nội thi tài kéo co - 8

Màn kéo co truyền thống của cộng đồng người Tày (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Trước khi tranh tài, người dân trong thôn phải chuẩn bị lễ vật và cùng thầy cúng làm lễ xin thần linh chứng giám, phù hộ cho dân bản có sức khỏe, hạnh phúc, vụ mùa bội thu và xin phép được kéo co đua tài.

Trai tráng từ khắp các tỉnh miền Bắc về Hà Nội thi tài kéo co - 9

Khác với kéo co trên nền đất ở Hà Nội, trò kéo co của người Tày thường tổ chức trên cánh đồng, ở vị trí thuận lợi, phía dưới thường có suối chảy qua. Theo quan niệm người Tày và người Giáy, khu vực có địa hình cao mang tính dương, khu vực có địa hình thấp mang tính âm. Vì vậy khi kéo, nam giới đứng ở phía tây, nữ giới đứng ở phía đông.

Trai tráng từ khắp các tỉnh miền Bắc về Hà Nội thi tài kéo co - 10

Tiếp đó, đội kéo co thôn Hữu Chấp (phường Hòa Long, Bắc Ninh) lên trình diễn. Nghi lễ và trò chơi kéo co thôn Hữu Chấp là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời nhất của vùng Kinh Bắc. 

Dân làng sử dụng thân cây tre làm dây kéo, được cạo lộ phần cật trắng, đục lỗ hai đầu, kết thừng thành ba hình tròn xoắn trôn ốc, gọi là con nhện, có công dụng giao kết hai đầu của hai cây tre. Đội hình kéo co gồm 70 thanh niên tuổi từ 30 đến 45, chia làm hai đội Đông và Tây.

Trai tráng từ khắp các tỉnh miền Bắc về Hà Nội thi tài kéo co - 11

Bốn người to khỏe nhất sẽ được chọn đứng đầu đòn gánh. Kéo co diễn ra trong ba hiệp. Người dân quan niệm đằng Đông phải thắng vì phía Đông (hướng mặt trời mọc) và phía Tây (phía mặt trời lặn). Mặt trời xuất hiện, biến mất và lại xuất hiện là chu trình khép kín của thời gian. Hiệp thứ ba đằng Đông thắng chung cuộc với sự trợ giúp của dân làng.

Trai tráng từ khắp các tỉnh miền Bắc về Hà Nội thi tài kéo co - 12

Hội kéo co truyền thống kết thúc trước sự cổ vũ đông đảo từ người dân và du khách thập phương.