(Dân trí) - Điện ảnh Việt 2022 với sự xuất hiện của hàng loạt tác phẩm thảm họa, nhiều tác phẩm thất thế trên sân nhà, thua lỗ nặng, thậm chí, có phim phải rút lui khỏi rạp chỉ sau một tuần công chiếu.
Điện ảnh Việt 2022: Thiếu doanh thu, thừa "thảm họa"
Điện ảnh Việt 2022 với sự xuất hiện của hàng loạt tác phẩm thảm họa, nhiều tác phẩm thất thế trên sân nhà, thua lỗ nặng, thậm chí, có phim phải rút lui khỏi rạp chỉ sau một tuần công chiếu.
Không thể phủ nhận, chất lượng phim Việt đã được cải tiến theo thời gian, nhưng "hàng nội địa" vẫn là sự lựa chọn kém hấp dẫn đối với nhiều khán giả.
Đầu tư lớn vẫn lỗ nặng
Theo số liệu thống kê, trong năm 2022 đã có hơn 30 bộ phim Việt Nam được công chiếu tại các cụm rạp trên cả nước. Đề tài đa dạng từ tâm lý, tình cảm, hài kịch, võ thuật... Con số này vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt trong dịp cuối năm, chào đón mùa phim Tết. Có thể nói, đây là tín hiệu tích cực của điện ảnh Việt, khi chứng kiến sự đầu tư mạnh dạn từ các đơn vị phát hành trong nước, được kỳ vọng tạo nên những bứt phá đầy mới mẻ.
Xét về ngoại cảnh, thị trường điện ảnh 2022 không có sức cạnh tranh quá khốc liệt. Các nền điện ảnh trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc vẫn hoạt động cầm chừng. Nhiều dự án bom tấn bị đình trệ ở khâu sản xuất, không kịp tiến độ ra mắt rầm rộ trong năm 2022.
Trong bối cảnh đó, sự thua lỗ của điện ảnh Việt vẫn tồn tại đầy nhức nhối. Chỉ một vài trong số hơn 30 bộ phim ra rạp tạo được hiệu ứng truyền miệng, mang về doanh thu tương đối khả quan. Tiêu biểu là "Em và Trịnh" với mức doanh thu 100 tỷ đồng, kịp hòa vốn với mức đầu tư công bố 50 tỷ. Khiêm tốn hơn, doanh thu "Bẫy ngọt ngào" và "Nghề siêu dễ" lần lượt chạm ngưỡng 90 tỷ đồng và 72 tỷ đồng doanh thu.
Phần lớn các bộ phim khác, tuy được đầu tư kinh phí lớn, nhưng chỉ ra rạp một thời gian ngắn rồi rút về do không hút khách. Theo thống kê từ chuyên trang phòng vé độc lập Box Office Vietnam, phim "578: Phát đạn của kẻ điên" có mức đầu tư lên tới 60 tỷ đồng, nhưng chỉ thu về hơn 3 tỷ đồng. Tương tự, "Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác" đầu tư gần 30 tỷ đồng nhưng chỉ thu được gần 6,5 tỷ đồng…
Và doanh thu bết bát nhất phải kể đến "Kẻ thứ ba" do Lý Nhã Kỳ và tài tử Hàn Quốc Han Jae Suk đóng chính. Bộ phim được Lý Nhã Kỳ đầu tư 33 tỷ đồng, tích cực PR nhưng cũng không thể kéo doanh thu vượt 1 tỷ đồng và phải lặng lẽ rút khỏi danh sách chiếu của các cụm rạp khiến nhà sản xuất đau đầu vì lỗ nặng.
Một số phim Việt cũng ghi nhận mức doanh thu thấp, thậm chí phải rút khỏi rạp do doanh thu quá ế ẩm, có thể kể đến như: "Mỹ nhân thần sách" (168 triệu đồng), "Mưu kế thượng lưu" (1 tỉ đồng), "Người tình" (1,2 tỉ đồng), "Người lắng nghe" (2,5 tỉ đồng), "Mến gái miền Tây (8 tỷ đồng)...
Thực trạng "chi nhiều, thu ít" vừa khiến các nhà đầu tư không có vốn để sản xuất, vừa khiến thị trường khó phát huy tiềm năng về dân số trẻ và nhu cầu giải trí.
Nguyên cớ là vì đâu?
Cần phải thừa nhận, một phần nguyên nhân của sự "ế ẩm", ảm đạm của điện ảnh một năm qua là phụ thuộc vào sự biến đổi từ thói quen và thị hiếu khán giả. Nhiều người đã thay đổi thói quen, tìm đến niềm vui, sở thích khác khi rạp chiếu đóng cửa do dịch bệnh. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng chiếu phim trực tuyến như Netflix, Vieon, iQIYI... giúp khán giả đa dạng hóa các lựa chọn.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn xoay quanh câu chuyện "có bột mới gột nên hồ". Nội dung kịch bản, diễn xuất đến sự đầu tư truyền thông, sự hỗ trợ từ các cụm rạp và Cục điện ảnh... cần phải đảm bảo, nếu không muốn tình trạng "bói mãi không ra" những tác phẩm doanh thu cao hoặc hòa vốn.
Đa số các bộ phim ra rạp trong năm qua được đánh giá là kém chỉn chu trong hậu kỳ, kém kết nối trong kịch bản, chứ chưa mạn bàn đến sự đột phá hay yếu tố hấp dẫn.
Trách nhiệm được quy kết về nhà sản xuất, nhà làm phim. Nhiều người chuyên môn chưa vững, không đủ khả năng để thẩm định kịch bản. Do vậy, họ thường coi trọng những yếu tố bề nổi như chọn diễn viên, nội dung theo trend, thay vì chăm chút, đầu tư cho những giá trị cốt lõi của tác phẩm. Đồng thời, với tâm lý "ăn xổi", các nhà làm phim có xu hướng trả chi phí thấp cho hạng mục biên kịch, nên tạo ra những tác phẩm chắp vá. Thậm chí, có không ít phim bị gắn mác "thảm họa".
Có thể thấy rõ ở "Cù lao xác sống". Lựa chọn một đề tài mới mẻ, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, dự án này rất được khán giả mong đợi. Tuy nhiên, vì khâu kịch bản quá non kém, không thể truyền tải hết được thông điệp khi ra mắt nên "Cù lao xác sống" đã phải nhận vô số "gạch đá".
Chính nhà sản xuất phim Nhất Trung đã từng lên tiếng nhận lỗi về việc này: "Chúng tôi ghi nhận những lời phê bình của khán giả, xem dự án này là bước thử nghiệm đầu tiên để hoàn thiện hơn dự án tiếp theo".
Hay như "Huyền sử vua Đinh", theo nhiều ý kiến, bộ phim tồn tại những lỗ hổng về kịch bản, khâu tạo hình nhân vật, bối cảnh lịch sử thiếu sự đầu tư, dàn diễn viên không quá nổi bật, trang phục, hóa trang gây nhiều tranh cãi... Tất cả yếu tố đó khiến bộ phim bị khán giả quê nhà hắt hủi. Nhiều ý kiến đánh giá, chất lượng "Huyền sử vua Đinh" ở mức dưới trung bình, thích hợp chiếu trên các nền tảng mạng xã hội hơn là phim điện ảnh chiếu rạp.
Chưa kể, các hãng phim nhà nước trong hai năm qua hoạt động không khởi sắc, có quá ít phim ra rạp, trình chiếu. Điều này khiến cho bức tranh điện ảnh Việt Nam thêm phần ảm đạm.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, trong hai năm nhà nước mới chỉ duyệt được ba bộ phim. Theo Ông Hùng, con số này là quá ít so với thị trường điện ảnh cũng như nhu cầu của khán giả. Ông thẳng thắn: "Phải nói thật và nhìn nhận khách quan rằng, đầu tư của Nhà nước cho điện ảnh vẫn ở mức độ khiêm tốn. Bởi vì trên thực tế, điện ảnh muốn làm một tác phẩm tốt trước hết phải có tiền. Bên cạnh yếu tố sự sáng tạo của người nghệ sĩ, của ê-kíp sản xuất thì tiền chính là phương tiện để người ta thực hiện được phim tốt nhất".
Ông Hùng cũng cho biết sự ảm đạm trong điện ảnh Việt cũng sẽ đến nếu chúng ta không được sự quan tâm thật sự của Nhà nước với những đề tài kén khách, những bộ phim lịch sử, những bộ phim phản ánh cuộc kháng chiến của dân tộc, những bộ phim đi vào các góc khuất của con người, cuộc sống đương đại…
"Những đề tài đang rất cần sự quan tâm của Nhà nước để chúng ta có sự đầu tư đặt hàng, để các hãng phim của Nhà nước vẫn sống được, để hãng phim tư nhân cũng được tham gia vào việc sản xuất và làm những bộ phim hay có chất lượng. Và để làm sao ranh giới giữa hãng Nhà nước và tư nhân sẽ được cải thiện, tất cả vì sự phát triển chung của điện ảnh Việt Nam", ông Hùng nói.
Ông Hùng thừa nhận rằng, kịch bản của chúng ta cũng cần phải học nhiều, nhất là cần tiếp thu của các nước điện ảnh phát triển trên thế giới. "Cũng như ẩm thực, không ai ăn mãi một món. Cần có sự đa dạng, đã làm, hãy làm cho tới. Làm tốt, ra cái chất riêng của tác phẩm thay vì ăn theo công thức rập khuôn".
Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát từng chia sẻ, khó có thể đánh giá chất lượng một bộ phim chỉ dựa vào số lượng vé bán ra. Tuy nhiên, với chất lượng của một bộ phim đông người xem, giới làm phim hoàn toàn có thể phán đoán thị hiếu của khán giả. Bởi phải có sự đồng điệu về tư duy mới tạo ra sự đồng cảm, yêu thích.
"Nhìn chung, điện ảnh nước nhà vẫn còn non trẻ, thiếu thốn quá nhiều về nhân lực, vật lực nên trên đường đua này, phim Việt không hề cân sức. Tưởng rằng sau đại dịch Covid-19, điện ảnh nước nhà sẽ được đông đảo khán giả ủng hộ.
Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược, người xem nhiều khả năng chỉ chọn một để tiết kiệm. Và giữa vô vàn sự lựa chọn, phim ngoại với sự đầu tư từ chất lượng đến nội dung vẫn là sự ưu tiên hàng đầu của khán giả Việt. Điều này đặt ra bài toán khiến giới làm phim đau đầu", đạo diễn Huỳnh Tấn Phát nhìn nhận.
Hướng đi cho phim Việt
Đưa ra giải pháp nhằm giải bài toán phim Việt thiếu khán giả, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát từng cho hay, nếu muốn phim ăn khách, giới làm phim không còn cách nào khác ngoài việc vạch ra chiến lược phát triển cho bộ phim, nắm bắt thị hiếu của đại đa số khán giả để có hướng đi đúng đắn. Đồng thời, phim Việt cần có chiến lược PR bài bản, nhà sản xuất phải kết hợp với các cụm rạp để có chính sách hỗ trợ cần thiết hơn.
Theo đó, Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển nền công nghiệp văn hóa, để từ đó tiến tới xuất khẩu thương hiệu văn hóa. Chiến lược được định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Gần nhất, Thành ủy Hà Nội đã lên những kế hoạch đầu tiên để thực hiện chiến lược "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Trong đó, phim ảnh được đề xuất là một trong những mũi nhọn của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
Đồng thời, Luật Điện ảnh 2022 vừa được Quốc hội khóa 15 thông qua vào ngày 15/6, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung và rất nhiều điểm mới so với luật Điện ảnh 2006 (và cả luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Cụ thể, Nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp điện ảnh, tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh. Những nội dung và hành vi bị cấm được quy định chi tiết, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tuân thủ.
Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, luật đã bổ sung và làm rõ thêm mục đích của quỹ (điều 44), nguyên tắc hoạt động của quỹ (điều 45) nhằm nâng cao tính khả thi; đồng thời quỹ này với vốn hỗ trợ ban đầu của Nhà nước sẽ giúp đỡ cho các dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ, tạo điều kiện cho các phim xuất sắc tham gia các giải thưởng, liên hoan phim quốc tế…
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhận định, cần chuyên nghiệp hóa các hoạt động sản xuất phim.
Ngoài ra, theo ông, không có phim hay nếu không có kịch bản hay, không có kịch bản hay nếu không có tác giả, biên kịch giỏi, không có biên kịch giỏi nếu không được đào tạo. Đào tạo này không chỉ ở trường lớp mà còn đào tạo ở chính vốn sống, kinh nghiệm và sự cọ xát, giao lưu với thực tiễn cuộc sống.
Và điều cuối cùng, ông Hùng mong muốn điện ảnh sẽ có sự đầu tư nhiều hơn về chi phí. "Trong bối cảnh có nhiều tiền để chi sẽ tốt hơn rất nhiều", ông Hùng nói.
Hương Hồ