1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Yếu tố có thể thúc đẩy Nga, Ukraine nhanh chóng hòa đàm

Minh Phương

(Dân trí) - Cả Nga và Ukraine đều không sẵn sàng lùi bước, không bên nào chiến thắng trong trung hạn, nhưng hòa đàm có thể diễn ra vào năm tới.

Yếu tố có thể thúc đẩy Nga, Ukraine nhanh chóng hòa đàm - 1

Cả Ukraine và Nga đều đối mặt với một cuộc chiến khắc nghiệt vào mùa đông (Ảnh: EPA).

Trận chiến mùa đông khắc nghiệt

Al Jazeera dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, mùa đông này có thể sẽ chứng kiến tình trạng bế tắc kéo dài và đẫm máu trên chiến trường Ukraine, không bên nào lùi bước trước các cuộc tấn công và phản công, nhưng đó có thể là tiền đề cho các cuộc đàm phán vào năm tới.

"Mùa đông chỉ càng làm tăng thêm nỗi đau khổ, không bên nào sẽ có được bước đột phá về mặt chiến thuật hoặc hoạt động", Seth Krummrich, Phó Chủ tịch tại công ty cố vấn an ninh Global Guardian, bình luận.

Ukraine đã phát động một cuộc phản công lớn vào đầu tháng 6, và theo một số ước tính, họ đã giành lại một nửa diện tích lãnh thổ bị Nga kiểm soát kể từ hồi đầu năm.

Tuy nhiên, Ukraine không đạt được mục tiêu chiến lược là cắt đôi lực lượng Nga, cô lập Kherson, Zaporizhia và Crimea khỏi Lugansk, Donetsk và Kharkov. Các chỉ huy cấp cao của Ukraine cho biết cuộc phản công sẽ tiếp tục kéo dài suốt mùa đông.

Tháng trước, Nga đã cố gắng đáp trả bằng một loạt cuộc tấn công mới ở phía đông, hướng tới các thành phố Kupiansk, Lyman, Avdiivka và Mariinka bất chấp tuyết và băng giá.

"Khi mặt đất đóng băng, lực lượng Nga sẽ cố tìm cách tiến quân, nhưng tấn công trong điều kiện thời tiết như vậy sẽ là thảm họa. "Họ sẽ mắc kẹt trong cuộc chiến tiêu hao", ông Konstantinos Grivas, giảng viên về hệ thống vũ khí và địa chính trị tại Học viện Lục quân Hellenic ở Hy Lạp, nói. 

Theo ông Grivas, cả hai bên đều không tìm ra được lợi thế về công nghệ hoặc chiến thuật để tạo ra bước đột phá vì phòng thủ chiếm ưu thế.

"Hỏa lực và hệ thống phòng thủ thụ động như các bãi mìn, chiến hào dường như đã vô hiệu hóa khả năng của các lực lượng cơ giới hóa và không quân. Nếu có diễn biến nghiêm trọng thì đó sẽ là sự sụp đổ do kiệt sức, như một trận đấu quyền anh mà một võ sĩ đơn giản là không thể chịu đòn, ngoại trừ một cú đấm hạ gục", ông nhận định.

Hai bên đều xây dựng chiến lược để giành chiến thắng, nhưng đến nay tất cả đều không mang lại kết quả như mong đợi.

Moscow đã hy vọng quân đội Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi đầu năm ngoái. Khi không đạt được mục tiêu này, Nga đã trút khoảng 10.000 tên lửa xuống các thành phố của Ukraine nhằm phá vỡ tinh thần chiến đấu của họ.

Mùa đông năm ngoái, Nga đã nhắm mục tiêu vào các nhà máy điện diện rộng ở Ukraine. Đến mùa hè năm nay, Moscow nhắm đến hạ tầng cảng để ngăn chặn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã đáp trả bằng các hệ thống phòng không, phụ tùng thay thế và máy phát điện khẩn cấp để duy trì nguồn điện cho Ukraine. Họ cung cấp tên lửa tầm trung cho Ukraine kết hợp với máy bay không người lái sản xuất trong nước để vô hiệu hóa vòng phong tỏa của hải quân Nga ở Biển Đen.

Ukraine đã thử chiến lược tấn công của riêng mình. Họ sử dụng những vũ khí tầm xa này để tấn công sâu vào hậu phương của Nga nhằm làm gián đoạn việc cung cấp vũ khí cho tiền tuyến, buộc Moscow phải chuyển kho dự trữ ra xa tầm bắn của Ukraine.

Ukraine cũng triển khai tập kích bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở sản xuất tên lửa của Nga. Ukraine gần đây đã đề nghị phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-16. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, vũ khí này cũng khó có thể phá vỡ thế bế tắc.

"Ngay cả khi sở hữu F-16, Ukraine cũng không thể tận dụng hiệu quả vì loại máy bay này đòi hỏi hàng nghìn giờ huấn luyện phi công trước khi đi vào vận hành", Andreas Iliopoulos, cựu phó chỉ huy quân đội Hy Lạp, nói. Theo ông, F-16 tham chiến ở Ukraine sớm nhất vào năm 2025.

Cơ hội đàm phán

Yếu tố có thể thúc đẩy Nga, Ukraine nhanh chóng hòa đàm - 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Ukraine (Ảnh: AFP).

Khả năng duy trì kho dự trữ và huy động nguồn nhân lực dự trữ lớn của Nga đã khiến một số nhà quan sát cho rằng thời gian đang ủng hộ họ.

"Ukraine có nguy cơ thua trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài, bởi vì đó sẽ là một cuộc chiến không cân bằng", John Mearsheimer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, nhận định.

Tuy nhiên, lực lượng của Nga cũng khó tránh khỏi kiệt sức trong một cuộc chiến kéo dài.

Trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào khi Nga chưa rút hết quân, Nga lại có quan điểm khác.

"Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán hòa bình với Ukraine. Tất nhiên, chúng ta nên nghĩ cách ngăn chặn thảm kịch này", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước hội nghị G20 hôm 21/11.

Theo chuyên gia Krummrich, ông Putin một lần nữa muốn phát đi thông điệp rằng Nga muốn chấm dứt cuộc xung đột. Chuyên gia Grivas cũng cho rằng cả hai bên hiện giờ đều muốn tìm lối thoát cho cuộc xung đột, nhưng ai sẽ đề nghị đàm phán trước.

Một cuộc hòa đàm sẽ khó xảy ra trong mùa đông này khi hai bên đều phát tín hiệu tiếp tục chiến đấu, nhưng có thể diễn ra vào năm sau khi Tổng thống Putin dường như đang tìm kiếm một chiến thắng mang tính biểu tượng trước cuộc bầu cử vào năm 2024.

Ngoài ra, cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ được cho là cũng sẽ tác động đến tình hình xung đột Ukraine. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên sáng giá của đảng Cộng hòa, nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử.

Theo Al Jazeera
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm