1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyên gia Nga lý giải việc phương Tây hối thúc Ukraine đàm phán

An Hoàng

(Dân trí) - Theo truyền thông phương Tây, Mỹ và một số đồng minh được cho là đang tìm cách gây sức ép với Ukraine để ngồi vào bàn đàm phán, chấm dứt cuộc xung đột hiện nay với Nga.

Chuyên gia Nga lý giải việc phương Tây hối thúc Ukraine đàm phán - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa (Ảnh minh họa: Anadolu).

Báo Bild của Đức tuần trước dẫn các nguồn thạo tin cho hay, Mỹ và Đức tìm cách đưa Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga bằng cách giảm viện trợ quân sự cho Kiev, khiến chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có rất ít lựa chọn.

Nguồn tin cũng nói rằng, những nước này cũng lên kế hoạch B cho kịch bản xung đột đóng băng.

Theo ông Dmitry Evstafiev, nhà phân tích khoa học chính trị người Nga tại Đại học Kinh tế Cao cấp (HSE), phương Tây thúc đẩy Ukraine ngồi vào bàn đàm phán vào thời điểm này là do các nước này bắt đầu cảm thấy hụt hơi với việc viện trợ cho Ukraine.

"Sự hỗ trợ dành cho Ukraine ngày càng trở nên tốn kém đối với chính các nước phương Tây, trước hết là Đức và Mỹ… Tất nhiên, vẫn sẽ có sự đánh giá lại thông qua Lầu Năm Góc, nhưng người ta sẽ không còn thấy những gói viện trợ lớn nữa. EU sẽ tiếp tục hỗ trợ, nhưng chủ yếu nhằm giúp Ukraine duy trì chức năng của hệ thống hành chính công và một số loại hỗ trợ xã hội, nhưng không tập trung nhiều vào quân sự", ông Evstafiev nói.

Chuyên gia này bình luận thêm: "Thứ hai, có thể thấy rõ từ tuyên bố của phương Tây rằng Ukraine đang phải đối mặt với thời điểm cuối cùng trước khi có thể đưa ra những yêu cầu có thể chấp nhận được trong thỏa thuận đình chiến với Nga".

Ông Evstafiev cũng cho rằng phương Tây sẽ không lãng phí thời gian thuyết phục Tổng thống Ukraine Zelensky đàm phán với Nga, thay vào đó họ sẽ đưa ra "tối hậu thư": hoặc đàm phán với Nga hoặc để người kế nhiệm ông làm điều đó.

Mặt khác, ông cho rằng, ông Zelensky không dễ dàng thay đổi lập trường lâu nay về hòa đàm với Nga. Cuối năm ngoái, Tổng thống Zelensky thậm chí ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ tháng 2 năm ngoái. Các quốc gia phương Tây đáp trả bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện đối với Moscow, đồng thời tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Nga và Ukraine đã tổ chức một số vòng đàm phán nhưng không đạt được kết quả.

Moscow cáo buộc phương Tây gây sức ép khiến Kiev rút khỏi đàm phán vào phút chót khi Nga và Ukraine sắp đạt được thỏa thuận hòa bình.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình 1+1 ngày 24/11, ông David Arakhamia, một nghị sĩ cấp cao của Ukraine và từng là trưởng đoàn đàm phán với Nga, bác bỏ cáo buộc này. Ông giải thích, Kiev không ký thỏa thuận hòa bình với Nga bởi Ukraine không đồng ý đứng ngoài NATO và một phần do không tin tưởng Moscow.

Quan chức này cũng tiết lộ, một số đồng minh phương Tây khuyên Ukraine không thỏa hiệp vì Nga không đưa ra những đảm bảo an ninh thực chất. Sau vòng đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson đến thăm Kiev và kêu gọi Ukraine tiếp tục chiến đấu.

Theo Reuters, Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm