1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vùng ly khai của Gruzia muốn sáp nhập Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Người đứng đầu Nam Ossetia, vùng ly khai của Gruzia, cho biết khu vực này sẽ sớm có các bước đi pháp lý để sáp nhập vào Liên bang Nga.

Vùng ly khai của Gruzia muốn sáp nhập Nga - 1

Lãnh đạo Cộng hòa tự xưng Nam Ossetia Anatoly Bibilov (Ảnh: Getty).

"Tôi tin rằng, việc sáp nhập Nga là mục tiêu chiến lược của chúng tôi. Đó là con đường, là khát vọng của người dân. Chúng tôi sẽ theo đuổi con đường này. Chúng tôi sẽ có những bước đi pháp lý thích hợp trong tương lai gần. Cộng hòa Nam Ossetia sẽ là một phần của Nga", người đứng đầu Cộng hòa tự xưng Nam Ossetia Anatoly Bibilov nói hôm 30/3.

Quan chức này cho biết thêm: "Mục tiêu đó đã được người dân của chúng tôi vạch ra nhiều lần và chúng tôi có cơ hội biến giấc mơ hàng thế kỷ của mình thành hiện thực vào năm 2014, khi bán đảo Crimea sáp nhập Nga. Khi đó, chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội, nhưng chúng tôi không thể để điều đó xảy ra một lần nữa".

Gruzia là nước láng giềng ở phía Tây Nam của Nga. Nam Ossetia đã tuyên bố độc lập khỏi Gruzia vào tháng 12/1991, lập ra nhà nước cộng hòa tự xưng. Năm 2008, Nga công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia, hai vùng ly khai ở Gruzia, sau cuộc chiến với Gruzia. Từ lâu, Nam Ossetia đã để ngỏ khả năng trưng cầu dân ý về việc sáp nhập với Nga.

Tuyên bố của ông Bibilov đưa ra không lâu sau khi lãnh đạo hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine cũng cho biết sẽ sớm tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng sáp nhập Nga. Bình luận về điều này, giới chức Nga cho rằng, việc Lugansk muốn sáp nhập Nga trong tình hình hiện tại.

"Tôi nghĩ hiện không phải thời điểm thích hợp để nói về việc sáp nhập. Không cần lo lắng về những vấn đề như vậy trong khi vận mệnh vẫn đang được quyết định ở tiền tuyến", Leonid Kalashnikov, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về khối Cộng đồng các quốc gia độc lập, Liên kết Á - Âu và Kiều bào của Hạ viện Nga, nói hôm 27/3.

Trong khi đó, Ukraine cảnh báo, bất cứ cuộc trưng cầu dân ý nào ở Lugansk và Donetsk đều bị coi là không hợp pháp. Trong các cuộc đàm phán với Nga hơn một tháng qua, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định không thỏa hiệp về lãnh thổ, trong đó có vấn đề liên quan đến vùng ly khai Donetsk và Lugansk.

Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2. Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột giữa hai bên đến nay vẫn chưa đạt được đột phá do bất đồng trong các vấn đề liên quan đến lãnh thổ. Moscow tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Ukraine cam kết trung lập, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk.

Nga cho sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014. Trong đề xuất mới nhất, Ukraine đề nghị thời gian đàm phán 15 năm để thảo luận về tình trạng của Crimea. Tuy nhiên, Moscow đến nay tiếp tục khẳng định lập trường Crimea thuộc Nga là vấn đề "không thể thương lượng".

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine