Thêm vùng ly khai Ukraine muốn sáp nhập vào Nga
(Dân trí) - Khu vực ly khai Donetsk tại Đông Ukraine có thể cân nhắc sáp nhập vào Nga, sau khi Moscow công nhận độc lập của khu vực này.
"Về việc gia nhập Liên bang Nga, mong muốn và nguyện vọng đã được xác định rõ ràng từ năm 2014", hãng thông tấn Donetsk dẫn lời ông Denis Pushilin, lãnh đạo vùng Donetsk ly khai ở Đông Ukraine, cho biết hôm 29/3.
"Tuy nhiên bây giờ, nhiệm vụ chính là giành được biên giới theo hiến pháp của nước cộng hòa (Donetsk). Sau đó, chúng tôi sẽ quyết định việc đó (sáp nhập vào Nga)", ông Denis Pushilin nói thêm.
Phát biểu của lãnh đạo vùng Donetsk được đưa ra vài ngày sau khi người đứng đầu vùng Lugansk ly khai ở Đông Ukraine, Leonid Pasechnik, tuyên bố khu vực này có thể tổ chức trưng cầu dân ý về việc trở thành một phần của Nga.
"Tôi nghĩ rằng trong tương lai gần, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức trên lãnh thổ của nước Cộng hòa (Nhân dân Lugansk tự xưng), nơi người dân sẽ thực hiện quyền theo hiến pháp và bày tỏ quan điểm về việc gia nhập Liên bang Nga", ông Pasechnik nói hôm 27/3.
Nga hồi tháng 2 đã công nhận độc lập của 2 vùng Donetsk và Lugansk ở Donbass, Đông Ukraine. Ngay sau đó, Moscow bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine nhằm mục đích phi quân sự hóa Ukraine và bảo vệ người dân ở Đông Ukraine.
Leonid Kalashnikov, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về khối Cộng đồng các quốc gia độc lập, Liên kết Á - Âu và Kiều bào của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga hôm 27/3 cho biết bây giờ không phải thời điểm phù hợp cho việc sáp nhập vùng lãnh thổ ở Đông Ukraine.
"Không cần phải lo lắng về những vấn đề như vậy trong lúc này, khi vận mệnh vẫn đang được quyết định ở tiền tuyến", ông Kalashnikov nói.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Nga Andrey Klishas nói rằng cả 2 vùng lãnh thổ ở Đông Ukraine, Lugansk và Donetsk, đều có quyền tìm cách sáp nhập vào Nga nếu điều đó không đi ngược lại với hiến pháp của họ.
Giới chức Ukraine cảnh báo một cuộc trưng cầu dân ý tại vùng lãnh thổ phía đông để sáp nhập vào Nga sẽ không có cơ sở pháp lý và đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
"Tất cả cuộc trưng cầu dân ý giả mạo tại các vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng đều vô hiệu và sẽ không có giá trị pháp lý. Thay vào đó, Nga sẽ đối mặt với phản ứng mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế, khoét sâu thêm tình trạng bị cô lập toàn cầu của họ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết.
Năm 2014, Nga từng sáp nhập bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine sau khi giới chức ở khu vực này tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý. Kết quả cho thấy 96% cử tri Crimea ủng hộ sáp nhập. Tuy vậy, phương Tây không công nhận kết quả này và áp lệnh trừng phạt Nga vì cho rằng quyết định sáp nhập Crimea là bất hợp pháp.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga hôm 29/3 thông báo Nga đã đạt được mục tiêu trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự ở Ukraine. Lực lượng Nga sẽ tập trung vào mục tiêu chính là "giải phóng hoàn toàn" vùng Donbass.