1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao xe tăng khó ẩn mình trên chiến trường rực lửa giữa Nga - Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Ukraine giải thích lý do mà xe tăng khó có thể di chuyển trong cuộc chiến với Nga mà không bị phát hiện và tấn công.

Vì sao xe tăng khó ẩn mình trên chiến trường rực lửa giữa Nga - Ukraine? - 1

Một xe tăng của Ukraine (Ảnh: Reuters).

Một quan chức quân sự cấp cao của Ukraine nói với Wall Street Journal rằng, số lượng lớn máy bay không người lái dày đặc đang hoạt động ở chiến trường Ukraine, cũng như các hệ thống quản lý chiến đấu cung cấp hình ảnh và vị trí theo thời gian thực, đang khiến xe tăng của 2 bên trở nên dễ tổn thương hơn.

Theo Thiếu tướng Vadym Skibitsky, Tổng cục phó Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine, UAV dày đặc trên không tới mức các binh sĩ và xe tăng di chuyển ra khoảng trống chỉ có vài phút trước khi trở thành mục tiêu của đối phương.

Ông ước tính, khả năng sống sót của vũ khí khi di chuyển ra bên ngoài là không quá 10 phút. Chính vì vậy, các chiến thuật có tính bất ngờ trên chiến trường hiện rất khó thực hiện, khi cả 2 bên đều đang quan sát đường đi nước bước lẫn nhau.

Nga và Ukraine đều đang triển khai hàng nghìn máy bay không người lái (UAV) trên chiến trường và đang sử dụng UAV giá rẻ để tấn công lực lượng của nhau.

Giới chuyên gia nhận định, sự xuất hiện ồ ạt của UAV đặt ra câu hỏi về các nguyên tắc cơ bản trong những học thuyết quân sự đã có hàng chục năm qua.

Quân nhân Mỹ đã nghỉ hưu Bradley Crawford, người từng tham chiến ở Iraq, cho biết: "Kỷ nguyên tấn công quy mô lớn bằng xe bọc thép, giành nhiều km lãnh thổ trên mặt đất cùng một lúc, giống như chúng tôi đã không còn nữa vì giờ đây máy bay không người lái đã trở nên rất hiệu quả".

Cả Nga và Ukraine đang ngày càng dựa vào UAV để phá hủy mục tiêu quân sự lẫn nhau, cũng như trinh sát hiện trường, theo dõi sát sao đối phương.

Mỗi chiếc UAV chỉ có giá vài trăm tới vài nghìn USD, rẻ hơn rất nhiều so với những chiếc xe thiết giáp trị giá hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD. Điều này khiến cho các vụ tấn công bằng UAV trở nên hiệu quả hơn về mặt chiến lược.

Theo giới quan sát, cả Nga và Ukraine đang trong trò "mèo vờn chuột" liên quan tới UAV. Các bên liên tục thích nghi với chiến thuật UAV của đối phương, thay đổi cách tác chiến, đưa máy bay không người lái mới ra tiền tuyến để giành ưu thế. 

Ví dụ, theo Forbes, không lâu trước đây, lực lượng vũ trang Ukraine đã có được lợi thế về năng lực UAV trước Nga. Ukraine sở hữu nhiều UAV và chúng hoạt động tương đối hiệu quả hơn Nga.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. "Chúng tôi bắt đầu bị tụt lại phía sau một cách nghiêm trọng", binh sĩ điều khiển UAV của Ukraine hồi tháng 8 thừa nhận với hãng tin UNIAN.

Hiện thời, theo Forbes, ưu thế của Nga chính là họ có thể đảm bảo được nguồn cung UAV dồi dào cho tiền tuyến, bao gồm cả UAV góc nhìn thứ nhất (FPV). Nga đồng thời cũng có lực lượng chuyên vận hành - những người sẽ gắn thuốc nổ vào UAV để nó lao vào mục tiêu đối phương trên các mặt trận. 

Trong khi đó, Ukraine đang phải phụ thuộc phần lớn vào các khoản viện trợ để có thể mua được UAV FPV, cũng như các tình nguyện viên để vận hành chúng. 

Ngoài gia tăng số lượng UAV, Nga đang triển khai hệ thống tác chiến điện tử rất hiệu quả so với trước đây.

Nga sử dụng hàng loạt các công cụ gây nhiễu UAV trên tiền tuyến, có khả năng đốt cháy UAV bằng bức xạ vi sóng, xáo trộn các tín hiệu vô tuyến liên kết chúng với người điều khiển hoặc chặn vệ tinh dẫn đường cho UAV.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm