Nga trình làng UAV tự sát mới lợi hại hơn "sát thủ" Lancet
(Dân trí) - Nga giới thiệu UAV tự sát mới Italmas có tầm tấn công tới 200km và được xem là phiên bản lợi hại hơn UAV Lancet mà Moscow đang triển khai rất hiệu quả trên chiến trường.
Defense Express đưa tin, nhà thầu quân sự Aeroscan (tên cũ là ZALA Group) của Nga đã trình làng UAV tự sát mới mang tên Italmas. Aeroscan mô tả đây là bản nâng cấp của UAV Lancet về các tính năng kỹ thuật.
Theo truyền thông Nga, Italmas được trang bị đầu đạn cải tiến hơn so với Lancet và có tầm tấn công lên tới 200km. UAV mới dường như được trang bị động cơ xăng và bình nhiên liệu được tích hợp vào cấu trúc cánh.
Một số nguồn tin cho biết Nga dường như đã tích hợp hệ thống quang - điện tử trên máy bay không người lái Italmas, cho phép điều khiển thời gian thực và thu thập mục tiêu, tương tự như UAV IAI Harop của Israel.
Lancet là một trong những loại UAV hiệu quả nhất của Nga. Phiên bản cũ của Lancet nặng 11kg có thể hoạt động tối đa tới 40km. Nga gần đây đã nâng cấp Lancet lên phiên bản mới có tầm bắn 80km.
Gần đây, UAV Lancet phiên bản tầm tấn công 80km được cho đã tập kích căn cứ Dolgintsevo ở Kryvyi Rih, làm hỏng chiếc MiG-29 của Ukraine đang đậu trên đường băng.
Giới quan sát nhận định, vụ việc cho thấy Nga đang sử dụng UAV tự sát như một vũ khí để tấn công chính xác vào sâu hơn bên trong lãnh thổ mà Ukraine kiểm soát. UAV tự sát có khả năng nhằm mục tiêu rất hiệu quả, nhưng giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với các tên lửa hiện đại.
Việc tăng cường sử dụng UAV tấn công tầm xa được xem là xu hướng phù hợp trong một cuộc chiến tiêu hao, nơi Nga có thể đảm bảo gây thiệt hại cho vũ khí, khí tài đối phương với chi phí thấp hơn, thời gian sản xuất hàng loạt nhanh hơn.
Nếu Nga đưa Italmas vào biên chế, tầm tấn công tới 200km của UAV này có thể đặt ra mối đe dọa mới cho Ukraine trong giai đoạn kế tiếp của cuộc chiến.
Trong thời gian qua, Ukraine nhiều lần nhận định Lancet gây ra mối đe dọa với mục tiêu của Kiev trên tiền tuyến.
Hồi tháng 7, Yury Sak, quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, tình báo Kiev tin rằng Nga đã "bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào việc sản xuất các máy bay không người lái cảm tử Lancet".
"Để hiểu tại sao chúng là mối lo ngại của chúng tôi, thì bất cứ thứ gì có khả năng làm hỏng thiết bị của chúng tôi hoặc gây rủi ro cho quân đội của chúng tôi đều là mối lo ngại đối với chúng tôi. Không phải tôi khen ngợi Nga, nhưng UAV cảm tử của họ là một loại vũ khí hiệu quả", ông Sak nói.
Các UAV Lancet của Nga có thể bay ở tầm thấp để tránh bị phát hiện, có khả năng cơ động cao và có thể lảng vảng trên không cho đến khi mục tiêu lộ diện. Những yếu tố này khiến Lancet trở thành mối đe dọa lớn đối với lực lượng pháo binh của Ukraine, đặc biệt là khi Kiev không muốn sử dụng tên lửa phòng không đắt đỏ để tiêu diệt các UAV giá rẻ.