1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Ukraine chưa đạt đột phá khi phản công bằng vũ khí phương Tây?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát chỉ ra một trong những nguyên nhân mà Ukraine chưa đạt kết quả trong phản công như kỳ vọng dù được phương Tây viện trợ vũ khí hiện đại.

Vì sao Ukraine chưa đạt đột phá khi phản công bằng vũ khí phương Tây? - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa trên tiền tuyến (Ảnh minh họa: Reuters).

Cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine dường như đang không đạt được hiệu quả so với kỳ vọng từ các đồng minh phương Tây - dù có thể không phải do thiếu vũ khí, theo CNN. Ukraine đã đạt được một số lợi thế nhất định, nhưng chưa đạt được những bước tiến lớn. 

Trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, Ukraine đã triển khai các vũ khí, khí tài do phương Tây sản xuất tìm cách xuyên phòng tuyến của Nga. Tuy nhiên, kết quả không được như kỳ vọng.

Ngoài nguyên nhân Nga dựng phòng tuyến kiên cố khó xuyên phá, giới quan sát chỉ ra rằng Kiev còn phải đối mặt với một vấn đề khác: Các binh sĩ của họ đang không được huấn luyện đầy đủ để sử dụng vũ khí phương Tây nhằm đối phó Nga.

Nói một cách dễ hiểu hơn là binh sĩ Ukraine đang chỉ có vài tuần để tìm hiểu về loại vũ khí hoàn toàn mới được chế tạo theo chuẩn NATO, trong khi họ phải cần vài tháng để có thể sử dụng chúng thành thạo trước mọi tình huống trên chiến trường.

Ví dụ, theo CNN, Ukraine đã được cung cấp các phương tiện chiến đấu bọc thép Bradley tiên tiến của Mỹ, thiết giáp chở quân và xe tăng Leopard của Đức. Tuy nhiên, quá trình huấn luyện quân nhân Ukraine sử dụng các vũ khí này khá ngắn, vào khoảng 8 tuần.

Các chuyên gia cho rằng, khoảng thời gian này là chưa đủ để Ukraine có thể "lột xác" thành những đơn vị cơ giới chiến đấu quy mô lớn theo chuẩn phương Tây. Ví dụ, lực lượng Mỹ phải cần tới vài tháng, thậm chí vài năm huấn luyện để làm chủ được khí tài.

Việc thu gọn quá trình huấn luyện chỉ trong vài tuần là không thể đủ khi vũ khí phương Tây viện trợ thường sẽ đi kèm với hệ thống chiến thuật, chiến lược để phối kết hợp vũ khí trong hoạt động tác chiến.

Việc tìm hiểu về một hệ thống vũ khí không chỉ là học cách sử dụng chúng, mà còn là việc áp dụng chiến thuật để phối kết hợp các hệ thống trên chiến trường. Ngoài ra, đó còn là học cách xử lý khi tình huống bất ngờ xảy ra để không bị động trên chiến trường. 

Một bằng chứng mới nhất có thể kể tới là Ukraine đang dần từ bỏ chiến thuật tác chiến của phương Tây và quay trở lại chiến thuật tác chiến từ xa nhằm giảm thiểu tổn thất lực lượng, theo New York Times.

Các lực lượng của Ukraine tấn công qua các bãi mìn của Nga mà không có sự yểm trợ trên không, điều này khiến các xe tăng và xe bọc thép của Ukraine được phương Tây viện trợ dễ trở thành mục tiêu của pháo binh và phòng không Nga.

Vì vậy, chiến thuật dùng thiết giáp vượt bãi mìn của phương Tây được xem là không phù hợp với thực tế trên chiến trường, buộc Kiev phải thay đổi, New York Times dẫn lời giới chức Mỹ và các nhà phân tích cho hay.

Tuy nhiên, với chiến thuật tác chiến từ xa, Ukraine một lần nữa phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng đạn pháo để tấn công mở đường cho lực lượng phía sau tiến lên. Nếu để so sánh về tiềm lực đạn pháo, Ukraine sẽ gặp bất lợi trong cuộc chiến tiêu hao kéo dài với Nga.

Một khó khăn khác mà Ukraine đang đối mặt khi sử dụng vũ khí phương Tây chính là về mặt hậu cần.  

Các chuyên gia Anh và Mỹ cho rằng, việc phương Tây cấp nhiều loại vũ khí khác nhau đang tạo ra thách thức lớn cho Ukraine vì mỗi loại vũ khí đòi hỏi một cách thức huấn luyện vận hành riêng, cách bảo trì và sử dụng hoàn toàn khác nhau".

Ví dụ, mỗi khẩu đội pháo phương Tây viện trợ cho Ukraine có tầm bắn, cơ cấu nạp đạn, phụ tùng thay thế và yêu cầu bảo dưỡng và hàng loạt khía cạnh khác nhau nữa. Việc sữa chữa các vũ khí bị hỏng trên tiền tuyến cũng sẽ gây ra cơn "đau đầu" khác cho Ukraine.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine