1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tên lửa "sát thủ" giúp Nga bẻ gẫy nhiều mũi phản công của Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tình báo Anh nhận định, tên lửa chống tăng mới LMUR của Ukraine trên trực thăng Ka-52M đã gây ra không ít thiệt hại cho Ukraine trong chiến dịch phản công quy mô lớn.

Tên lửa sát thủ giúp Nga bẻ gẫy nhiều mũi phản công của Ukraine - 1

Tên lửa Izdeliye 305E (Ảnh: ANNA).

Trong một báo cáo cuối tháng trước, tình báo Anh mô tả trực thăng tấn công Ka-52 ở Zaporozhia là "một trong những hệ thống vũ khí đơn lẻ có ảnh hưởng nhất của Nga" ở hướng Zaporozhia khi ngăn chặn hiệu quả nỗ lực phản công của Ukraine.

Theo phía Anh, Nga đã có nhiều cải tiến với trực thăng Ka-52 dựa trên kinh nghiệm chiến đấu ở Syria để tạo ra biến thể Ka-52M. Một trong những nâng cấp chủ chốt chính là tích hợp tên lửa chống tăng mới LMUR có tầm tấn công 15km trên trực thăng.

Với tên lửa này, phi hành đoàn Ka-52 có thể nhanh chóng tận dụng cơ hội để phóng tên lửa này vào mục tiêu của Ukraine từ bên ngoài tầm phòng thủ của Kiev.

"Cá sấu" Ka-52 Nga phóng tên lửa sát thủ, bắn nổ thiết giáp Ukraine

LMUR là tên lửa dẫn đường đa năng hạng nhẹ, còn được gọi là Izdeliye 305. Đây là tên lửa phóng từ trên không, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có thể được tích hợp trên nhiều trực thăng của Nga, bao gồm cả Kamov Ka-52, Mil Mi-28 và Mi-8AMTSh-VN.

LMUR lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2021 và vào biên chế quân đội Nga vào mùa thu năm 2022. Tên lửa này từng được đem sang "thử lửa" ở Syria vào năm 2016-2017.

Tên lửa nặng 105kg được trang bị đầu đạn nổ phân mảnh nặng 25kg và có hệ thống dẫn đường bằng hình ảnh nhiệt/vệ tinh quán tính. Nó được tích hợp hệ thống liên lạc 2 chiều để điều hướng thời gian thực và điều hướng thủ công.

LMUR bay ở tầm thấp, với trần bay 600m. Nó có thể di chuyển với tốc độ lên tới 828km/h. Kết hợp với tầm bay thấp, LMUR khó bị phòng không đối phương phát hiện.

LMUR là sản phẩm của nhà thầu quốc phòng KB Mashinostroyeniya, đơn vị sản xuất tên lửa Iskander, Shturm, Ataka, Malyutka, Verba, Igla và Strela.

Một ưu điểm của LMUR là tên lửa này rẻ hơn nhiều so với các tên lửa hành trình và đạn đạo thông thường, ví dụ Kh-59. Việc sử dụng tên lửa Kh-59 với đầu đạn nặng 320kg để tấn công các mục tiêu quy mô nhỏ của Ukraine, được xem là lãng phí và không cần thiết.

Ngoài ra, với tầm bắn 15km, LMUR có thông số gấp đôi hầu hết các vũ khí phòng không do NATO cung cấp cho Ukraine, bao gồm cả Stinger (8km) và Gepard Flakpanzer (5,5km). Điều này giúp cho Ka-52 có thể tấn công mục tiêu bên ngoài tầm tấn công của hàng phòng thủ Ukraine.

Chuyên gia quân sự Dmitry Drozdenko cho rằng, đầu đạn phân mảnh của LMUR sẽ hiệu quả nhất với các mục tiêu nhóm quân, thiết giáp hạng nhẹ, cơ sở quân sự đối phương.

"LMUR đặc biệt hiệu quả để tấn công đối phương trong nơi trú ẩn hoặc tòa nhà. Bởi vì trong khi các đầu đạn xuyên phá như trên tên lửa Vikhr hoặc Ataka được thiết kế để xuyên thủng lớp thiết giáp đối thủ, thì đầu đạn phân mảnh của LMUR có khả năng bung ra các mảnh nhỏ có khả năng phá hủy mọi thứ trong công trình kín", ông giải thích.  

Ngoài ra, theo ông, ưu điểm của LMUR là cơ chế bắn - quên. Ví dụ, nếu dùng tên lửa chống tăng Vikhr, trực thăng Nga sẽ phải duy trì cơ chế chỉ đường bằng tia laser để vũ khí này tấn công mục tiêu.

Trực thăng sẽ phải duy trì khoảng cách cần thiết sau khi phóng ra Vikhr để đảm bảo vũ khí đánh trúng mục tiêu, gây ra rủi ro về nhân lực. Trong khi đó, cơ chế bắn - quên của LMUR cho phép nó sử dụng hệ thống chỉ đường vệ tinh quán tính để tự bay tới mục tiêu mà không cần trực thăng chỉ đường trong cả hành trình. Điều này sẽ giúp trực thăng Ka-52 không phải rủi ro bay vào khu vực có thể bị phòng không đối thủ tấn công.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine