1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao kinh tế Nga vẫn tăng trưởng bất chấp 17.500 lệnh trừng phạt?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia giải mã lý do dù Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới chỉ trong hơn một năm qua, nước này vẫn có thể vượt qua và tăng trưởng về kinh tế.

Vì sao kinh tế Nga vẫn tăng trưởng bất chấp 17.500 lệnh trừng phạt? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Phát biểu tại phiên họp tại diễn đàn đầu tư "Nước Nga đang kêu gọi!" hồi tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 3,2% trong 10 tháng đầu năm nay và dự kiến sẽ đạt 3,5% vào cuối năm.

Ông Putin cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga vượt tốc độ tăng trưởng của tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, Dmitry Birichevsky, người đứng đầu Vụ Hợp tác Kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga, cho biết cho đến nay, Phương Tây đã áp đặt hơn 17.500 lệnh trừng phạt lên Moscow, nhưng không đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Imelda Ibanez, một chuyên gia về lịch sử ngoại giao và chính sách đối ngoại của Nga tại Đại học St. Petersburg, nói với Sputnik: "Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Moscow liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, nền kinh tế Nga vẫn duy trì được nhờ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm chính sách kinh tế hạn chế của EU và các liên minh chiến lược mà Nga đã hình thành trên khắp thế giới".

Khi Mỹ và các đồng minh châu Âu quyết định áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow, giá hàng hóa tăng đáng kể, dẫn đến thâm hụt thương mại gia tăng đối với các nước cấm vận.

Chuyên gia Ibanez nhấn mạnh, Nga là "một trong những nước sản xuất nguyên liệu thô hàng đầu thế giới, bao gồm hydrocarbon, than đá và thậm chí cả kim cương".

Bà nói thêm: "Nga có thể chống lại các biện pháp trừng phạt vì họ dựa vào chiến lược địa chính trị phù hợp với các đồng minh và đối tác của mình".

Isela Valdez, giảng viên kinh tế tại Đại học UNAM (Mexico), cho biết rằng mặc dù các nước châu Âu là đối tác lớn của Moscow trước cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhưng họ không phải là đối tác duy nhất.

"EU không phải là đối tác thương mại duy nhất của Nga. Họ rõ ràng là một trong những đối tác lớn nhất, nhưng Nga cũng hợp tác với các nước Trung Đông, châu Á, Mỹ Latinh và thậm chí cả một số khu vực ở châu Phi. Đây là những thị trường thay thế mà Moscow có thể phát triển quan hệ thương mại", bà cho hay.

Theo chuyên gia Ibanez, Nga cũng có quan hệ chiến lược, thương mại và kinh tế với các thành viên trong nhóm các nước đang phát triển BRICS. Nhóm này hiện chiếm hơn 31,5% GDP và 42% GDP dân số toàn thế giới.

Bà Ibanez nhấn mạnh Nga vẫn có thể kết nối với các nước Nam Bán cầu thông qua các cơ chế như BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, khiến cho các nỗ lực kéo "bức màn sắt" cô lập Moscow của phương Tây trở nên kém hiệu quả.

Tháng trước, Phó thủ tướng Nga Andrey Belousov nhận định rằng, khả năng phục hồi của Nga trước áp lực trừng phạt chưa từng có của phương Tây đã khiến Mỹ và các đồng minh bất ngờ.

Ông nói thêm, Moscow đã đạt được chủ quyền kinh tế thực sự và thể hiện khả năng theo đuổi chính sách độc lập cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia bất chấp mọi áp lực từ bên ngoài.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko vào tháng 11 cho biết tổng thiệt hại của EU do các lệnh trừng phạt và việc cắt giảm quan hệ kinh tế với Nga có thể lên tới 1.500 tỷ USD.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine