1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Uy lực tên lửa "sát thủ phòng không" được Mỹ viện trợ cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia quân sự nhận định, với việc Mỹ viện trợ cho Ukraine tên lửa chống radar AGM-88, Nga có thể đối mặt với nguy cơ lá chắn phòng không bị phá hủy hoặc vô hiệu hóa.

Uy lực tên lửa sát thủ phòng không được Mỹ viện trợ cho Ukraine - 1

Tên lửa chống radar AGM-88 của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Hồi đầu tháng, truyền thông Nga đã đăng tải một số hình ảnh về một mảnh vỡ được cho là thuộc về tên lửa AGM-88 xuất hiện ở khu vực mà lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đang kiểm soát.

Sau đó, ông Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề chính sách, cho hay Mỹ đã gửi một số tên lửa chống radar giúp không quân Ukraine đối phó với các hệ thống radar của Nga. Tuy nhiên, ông không nêu cụ thể loại tên lửa là gì. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tiết lộ với AFP rằng, đó chính là các tên lửa chống radar tốc độ cao AGM-88 (HARM).

Theo Business Insider, việc Mỹ âm thầm chuyển AGM-88 cho Ukraine có thể mang lại lợi thế cho Ukraine trên chiến trường, vì dòng tên lửa này có thể sẽ khiến phía Nga phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi kích hoạt các radar hoạt động.

Radar là một thiết bị quan trọng trên chiến trường với Nga. Hệ thống "mắt thần" này sẽ giúp Nga quét ra được trực thăng, tiêm kích Ukraine. Ngoài ra, Nga cũng triển khai hệ thống radar phản pháo uy lực để truy tìm hệ thống hỏa lực của Ukraine nhằm tung đòn đáp trả sau khi bị phía Kiev tấn công.

AGM-88 là sản phẩm của tập đoàn chế tạo Raytheon. Nó có tầm bắn khoảng 50km, do vậy, đây là một trong những vũ khí tầm xa mà Mỹ viện trợ cho Ukraine. Tên lửa này có thể nhắm vào các hệ thống trinh sát pháo binh hay radar phòng không của Nga thuộc các tổ hợp như S-300, S-400.

AGM-88 HARM được Không quân và Hải quân Mỹ đưa vào biên chế từ năm 1985. Nó có khả năng nhắm mục tiêu vào các radar tần số cao, và được xem là vũ khí chủ lực của Mỹ trong thế trận áp chế phòng không đối phương.

Mỹ từng chế áp các thế trận phòng thủ của đối phương bằng AGM-88 ở Libya, Iraq và Nam Tư. AGM-88 được trang bị một bộ dò tìm tín hiệu radar bao phủ hàng loạt tần số. Nó có thể tiếp tục lưu thông tin của bộ phát radar ngay cả khi đối thủ đã tắt radar đi, giúp việc chế áp phòng không trở nên hiệu quả hơn.  

Tên lửa chống radar không phải là một loại vũ khí có khả năng công phá quá uy lực, tuy nhiên nếu được triển khai hợp lý, nó có thể trở nên rất hữu dụng. Nếu AGM-88 được phóng đi trước khi một cuộc không kích, nó có thể phá hủy, vô hiệu phòng không đối thủ, mở đường cho các tiêm kích đồng đội tiến vào chiến trường.

Mặt khác, tên lửa chống radar có thể được xem là một vũ khí tâm lý chiến. Các tên lửa này có thể không vô hiệu hoàn toàn radar đối thủ, nhưng khiến cho bên vận hành của đối phương trở nên lo ngại và sẽ chỉ kích hoạt có chọn lọc radar, dẫn tới hiệu quả tác chiến giảm sút.  

Tại Ukraine, các tên lửa chống radar không giúp được nhiều cho không quân vì Kiev không có đủ tiêm kích hiện đại để triển khai. Mặt khác, tên lửa chống radar lại có thể đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ pháo binh của Ukraine nhằm mục tiêu vào radar phản pháo của Nga.

Các radar phản pháo này có vai trò rất quan trọng với Nga, khi nó có thể tính toán nhanh chóng quỹ đạo của quả đạn pháo Ukraine bắn về phía Moscow, sau đó phát hiện ra vị trí chính xác của hệ thống hỏa lực Ukraine. Từ đó, Nga sẽ bắn pháo đáp trả để phá hủy hỏa lực của Ukraine trong thời gian rất ngắn. Radar phản pháo giúp Nga duy trì thế áp đảo về hỏa lực trên chiến trường với Ukraine.

Việc áp chế radar phản pháo Nga có thể giúp Ukraine bảo vệ được các vũ khí hạng nặng, vốn đã kém xa so với Nga về số lượng, đặc biệt là các hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS mà phương Tây viện trợ cho Kiev.

Theo Business Insider
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine