1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ lần đầu xác nhận cung cấp tên lửa "bí mật" cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Lầu Năm Góc lần đầu tiên xác nhận đã gửi các tên lửa chống radar tốc độ cao cho Ukraine.

Mỹ lần đầu xác nhận cung cấp tên lửa bí mật cho Ukraine - 1

Hình ảnh mảnh vỡ (2 ảnh nhỏ) được xem là thuộc về tên lửa AGM-88 (Ảnh: The Drive).

Tại một cuộc họp báo ngày 8/8, ông Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề chính sách, cho hay Mỹ đã gửi một số tên lửa chống radar giúp không quân Ukraine đối phó với các hệ thống radar của Nga. Tuy nhiên, ông không nêu cụ thể loại tên lửa cũng như số lượng và thời gian bàn giao cho Ukraine.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tiết lộ, đó là các tên lửa chống radar tốc độ cao AGM-88 (HARM).

AGM-88 là sản phẩm của tập đoàn chế tạo Raytheon. Nó có tầm bắn khoảng 50km, do vậy, đây là một trong những vũ khí tầm xa hơn mà Mỹ viện trợ cho Ukraine. Tên lửa này có thể nhắm vào các hệ thống trinh sát pháo binh hay radar phòng không của Nga như S-400.

Ông Kahl cho biết, các tên lửa này là một phần trong gói viện trợ mới đây được Tổng thống Joe Biden phê duyệt, tuy nhiên, trong 5 gói viện trợ gần đây nhất kể từ ngày 1/7, phía Mỹ không đề cập đến hệ thống này.

"Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ làm nhiều việc để giúp tăng cường năng lực của Không quân Ukraine", ông Kahl nhấn mạnh.

Ông Kahl cũng đề cập đến việc Mỹ từng gửi các phụ tùng thay thế cho chiến đấu cơ MiG-29 nhằm giúp Ukraine có thể tái sử dụng các máy bay chiến đấu thời Liên Xô.

Ukraine chưa từng tiết lộ việc nhận tên lửa AGM-88 của Mỹ tuy nhiên, truyền thông Nga ngày 7/8 đã đăng tải một số hình ảnh về một mảnh vỡ của loại tên lửa này ở miền Đông Ukraine.

AGM-88 HARM là tên lửa chống radar tốc độ cao được Không quân và Hải quân Mỹ đưa vào biên chế từ năm 1985 và được xem là vũ khí chủ lực của Mỹ trong thế trận áp chế phòng không đối phương.

Tên lửa này được thiết kế để sử dụng trên các máy bay có thiết kế theo chuẩn NATO. Chưa có thông tin nào cho thấy các máy bay từ thời Liên Xô của Ukraine có thể mang theo loại tên lửa này. Vì vậy, nếu Ukraine thực sự được cấp AGM-88 thì có khả năng xảy ra là Kiev có thể đã được phương Tây viện trợ các máy bay từ thời Liên Xô nhưng được cải tiến theo tiêu chuẩn NATO. Một giả thuyết khác là AGM-88 được bắn ra từ một hệ thống mặt đất.

Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Trong số vũ khí Washington đã chuyển giao cho Kiev, đáng chú ý là các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS. Lầu Năm Góc hôm 8/8 cho hay, đến nay, Mỹ đã cấp 16 tổ hợp này cho Ukraine. Ngoài Mỹ, các nước đồng minh NATO như Anh, Đức, cũng viện trợ HIMARS hoặc lựu pháo M777 cho Ukraine.

"Theo đánh giá của chúng tôi, Ukraine đang sử dụng rất tốt với số lượng HIMARS mà họ nhận được. Điều này cũng đúng với các lựu pháo M777. Hiện giờ, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo Ukraine có đủ đạn dược để duy trì các hệ thống đó", ông Kahl nói.

Theo AFP, Drive
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm