1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine tìm cách giảm phụ thuộc vào vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông phương Tây nói rằng Ukraine dường như đang tìm cách giảm phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh Starlink của tỷ phú Mỹ Elon Musk, dù biết điều này sẽ rất khó khăn.

Ukraine tìm cách giảm phụ thuộc vào vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk? - 1

Một thiết bị đầu cuối của Starlink ở Odessa, Ukraine (Ảnh: Getty).

Báo Tây Ban Nha El Pais ngày 19/9 đưa tin, Ukraine muốn giảm sự phụ thuộc vào các vệ tinh Starlink của Space X, mặc dù họ biết rằng điều đó sẽ khó khăn vì mạng lưới này là một phần xương sống của hệ thống phòng thủ Kiev đang triển khai.

Theo báo này, Ukraine thậm chí đã bắt đầu tìm kiếm phương án thay thế cho Starlink từ công ty của tỷ phú Musk từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột với Nga.

Giới chức Ukraine dường như nhận ra việc họ dừng sử dụng Starlink hoàn toàn là điều không thể và họ hy vọng Mỹ sẽ đảm bảo rằng "SpaceX sẽ không đẩy họ vào tình huống khó khăn".

Mặt khác, Đại úy Victor Tregubov của quân đội Ukraine nói với El Pais rằng mặc dù có rất ít lựa chọn thay thế cho Starlink nhưng chúng vẫn tồn tại.

Khi được yêu cầu giải thích chi tiết, ông Tregubov mô tả vấn đề này là "bí mật quốc gia", đồng thời nói thêm rằng "có những dự án đang được tiến hành ở Mỹ và Ukraine". Tuy nhiên, ông thừa nhận "không có Starlink, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều".

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7 với New York Times, Mikhail Fedorov, Bộ trưởng kỹ thuật số của Ukraine, đã mô tả Starlink là "mạch máu của toàn bộ cơ sở hạ tầng truyền thông" của Kiev.

Ông đồng thời bày tỏ mối lo ngại về việc phụ thuộc quá mức vào các vệ tinh Space X. Tính đến tháng 4, Ukraine có 42.000 thiết bị đầu cuối Starlink đang hoạt động.

Trong bối cảnh đó, Gwynne Shotwell, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Space X, cho biết công ty này có phương tiện cắt tín hiệu Starlink nhằm ngăn Ukraine sử dụng nó để điều khiển UAV chiến đấu, nhấn mạnh thiết bị này "không bao giờ được vũ khí hóa".

Bài báo của El Pais được đăng tải sau khi hồi đầu tháng này, ông Musk thừa nhận rằng năm ngoái ông đã ngăn chặn một cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea bằng cách từ chối cho phép Kiev sử dụng Starlink để dẫn đường cho UAV.

Lời thừa nhận của tỷ phú Mỹ đã làm dấy lên sự chỉ trích từ giới chức Ukraine. Sau đó, ông đã lên tiếng giải thích, cho rằng nếu ông đáp ứng đề nghị của Ukraine, SpaceX rõ ràng sẽ bị coi là có liên quan đến một hành động leo thang xung đột nghiêm trọng.

Ông Musk nhấn mạnh, Nga và Ukraine nên hướng tới một thỏa thuận đình chiến. "Mỗi ngày trôi qua lại có những người Ukraine và người Ukraine thiệt mạng để giành quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ nhỏ. Điều này không đáng bằng mạng sống của họ", ông Musk nói.

Sau khi Nga làm gián đoạn hệ thống liên lạc của Ukraine ngay trước khi mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào tháng 2/2022, ông Musk đã đồng ý cung cấp cho Ukraine các thiết bị đầu cuối của vệ tinh Starlink. Ngay cả khi mạng di động và Internet bị phá hủy, các thiết bị Starlink vẫn cho phép Ukraine duy trì kết nối.

Tuy nhiên, khi Ukraine bắt đầu dùng thiết bị của Starlink để hỗ trợ vào các cuộc tấn công nhắm vào Nga, ông Musk bắt đầu hoài nghi quyết định của mình. Trong cuốn tiểu sử, ông Musk giải thích rằng mạng lưới vệ tinh Starlink không được thiết kế để sử dụng cho xung đột.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine