Ukraine nổi giận vì bị Elon Musk ngăn tập kích Crimea
(Dân trí) - Ukraine chỉ trích gay gắt sau khi tỷ phú Mỹ Elon Musk thừa nhận từ chối cung cấp dịch vụ internet vệ tinh Starlink để hỗ trợ cuộc tập kích của Kiev nhằm vào hạm đội Nga ở Crimea.
"Một số sai lầm không chỉ là sai lầm. Với việc ngăn máy bay không người lái Ukraine phá hủy một phần hạm đội Nga thông qua sự hỗ trợ của Starlink, Elon Musk đã cho phép hạm đội này phóng tên lửa Kalibr vào các thành phố của Ukraine", Cố vấn Tổng thống Ukraine Mikhail Podoliak ngày 8/9 bình luận trên Twitter.
Ông cũng chỉ trích hành động này của ông chủ SpaceX và Tesla là "thiếu hiểu biết, vì cái tôi quá lớn" và là hành động "phạm tội", "tiếp tay cho tội ác".
Tỷ phú Elon Musk, ông chủ SpaceX và Tesla ngày 8/9 xác nhận đã từ chối đề nghị của Ukraine về việc kích hoạt kết nối internet qua Starlink gần bán đảo Crimea khi Kiev tìm cách tập kích hạm đội Nga ở đây.
Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ, ông không ngắt kết nối mạng Starlink của các UAV Ukraine. "Kết nối Starlink ở khu vực đó không được kích hoạt, chứ SpaceX không ngắt kết nối", ông Musk viết trên Twitter.
Ông lý giải thêm: "Chính phủ Ukraine đã đưa ra đề nghị kích hoạt khẩn cấp Starlink ở khu vực đến Sevastopol (Crimea). Rõ ràng, ý định của họ là tập kích, đánh chìm hạm đội Nga ở đây. Nếu tôi đáp ứng đề nghị của họ, SpaceX rõ ràng sẽ bị coi là có liên quan đến một hành động leo thang xung đột nghiêm trọng".
Ông Elon Musk một lần nữa nhấn mạnh mong muốn Nga và Ukraine đình chiến để tránh tổn thất cho người dân.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, SpaceX đã cung cấp hơn 20.000 thiết bị kết nối internet vệ tinh Starlink cho Ukraine. Ngay cả khi mạng di động và internet bị phá hủy do chiến sự, các thiết bị Starlink vẫn cho phép Ukraine duy trì kết nối.
Ông Vadym Skibitskyi, đại diện Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, hôm qua cho rằng thông tin liên quan đến việc tỷ phú Musk ngắt kết nối Starlink để ngăn Ukraine tập kích hạm đội Nga cần được kiểm chứng kỹ lưỡng.
"Để hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra, chúng ta cần chỉ định một nhóm điều tra, tìm hiểu sự việc, tìm hiểu mức độ tin cậy của thông tin này", ông nói.
Ông lưu ý, ngay từ đầu xung đột, đã có rất nhiều hiểu lầm do Ukraine không thể sử dụng Starlink. Ngoài ra, cũng có rất nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan đến vận hành hệ thống này. Ông nói thêm rằng chiến dịch thông tin do Nga tiến hành có tác động lớn đến việc lan truyền thông tin.
Về phía Ukraine, ông Skibitskyi không phủ nhận hay xác nhận việc lực lượng của nước này tìm cách tấn công hạm đội của Nga ở Crimea.
Những tháng gần đây, Ukraine được cho là liên tục tập kích vào Crimea bằng UAV hoặc xuồng tự sát. Các mục tiêu nhắm đến bao gồm cầu Crimea, các hạ tầng quân sự trên bán đảo cũng như Hạm đội Biển Đen của Nga tại đây.
Nga sáp nhập Crimea từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Giới chức Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại bán đảo này bằng mọi giá. Theo giới phân tích quân sự, Crimea có thể định đoạt xung đột giữa Moscow và Kiev.