1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ukraine sắp tung vũ khí có thể lách lưới tác chiến điện tử của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine thông báo sẽ sớm tung ra một robot trinh sát chiến trường do nước này tự sản xuất để đối phó với lực lượng Nga trong cuộc chiến vốn kéo dài gần 4 tháng qua.

Ukraine sắp tung vũ khí có thể lách lưới tác chiến điện tử của Nga - 1

Robot trinh sát GNOM (Ảnh: Temerland).

Công ty Temerland có trụ sở ở Zaporizhia thông báo, lực lượng Ukraine vào tuần tới sẽ có thêm một trợ thủ mới trên chiến trường ở miền Đông nước này. Robot trinh sát mang tên GNOM sẽ có nhiệm vụ dò tìm các mục tiêu của Nga và có thể hỗ trợ hỏa lực bằng súng máy. 

Trong khi các máy bay không người lái (UAV) đã được triển khai rầm rộ trong chiến sự gần 4 tháng qua, các phương tiện mặt đất không người lái (UGV) như GNOM chưa được sử dụng nhiều trên chiến trường.

GNOM xuất hiện trong bối cảnh 2 bên đang sử dụng các hệ thống làm nhiễu tần số vô tuyến để đánh chặn UAV đối thủ, làm giảm hiệu quả của những khí tài này. GNOM trong khi đó sử dụng cơ chế chống bị làm nhiễu để có thể thực hiện việc trinh sát từ xa.

GNOM có kích thước không lớn hơn một chiếc lò vi sóng và nặng 50kg. Nó di chuyển bằng 4 bánh xe và động cơ điện 5 mã lực. Phiên bản hiện tại được trang bị súng máy nòng 7,62mm. Một nghiên cứu của lục quân Mỹ cho thấy UGV tạo ra một nền tảng khai hỏa ổn định hơn, cho phép pháo thủ điều khiển vũ khí từ xa có thể đánh trúng mục tiêu một cách tương đối chính xác.

Trong khi hầu hết UGV được kiểm soát bằng sóng vô tuyến, GNOM sử dụng công nghệ cáp quang. Temerland cho biết sợi cáp quang sử dụng trên GNOM cho phép nó có kết nối băng thông rộng với trạm chỉ huy và miễn nhiễm với các biện pháp đánh chặn bằng sóng vô tuyến.

"GNOM có thể kiểm soát được trong môi trường khắc nghiệt nhất, khi đối thủ triển khai thiết bị tác chiến điện tử", thông báo của Temerland viết.

Ngoài ra, do phía vận hành không dùng tín hiệu vô tuyến, họ có thể không bị pháo thủ của Nga phát hiện và khóa mục tiêu. Đây được xem là một trong mối đe dọa với lực lượng vận hành UAV.

"Phía vận hành không triển khai một trạm điều khiển UGV sử dụng ăng-ten và vì thế vị trí không bị lộ ra. Cáp trên UGV không thể quan sát thấy và cũng không tạo ra bức xạ nhiệt mà các máy ảnh nhiệt có thể thu được", Temerland cho hay.

Sợi cáp của GNOM cho phép nó có thể hoạt động trong khoảng 2.000m. Nếu kết nối bị gián đoạn, GNOM sẽ tự động quay về vị trí mà phía điều khiển đã định trước. GNOM được tích hợp tính năng tình báo và có khả năng điều hướng tự động.

Ngoài ra, súng máy trên GNOM cho phép nó tự vệ trước vũ khí đối thủ và hỗ trợ hỏa lực cho quân nhân trong tình huống nguy hiểm. Ngoài ra, GNOM cũng có thể được tích hợp mìn chống tăng TM62 có khả năng phá hủy những xe tăng hạng nặng nhất.

Sau khi được triển khai, GNOM sẽ là robot đầu tiên Ukraine mang tới chiến sự với Nga. Nga cũng có robot quân sự, nhưng hiện họ mới sử dụng Uran-6 để làm nhiệm vụ gỡ mìn.

Các robot chiến thuật từ lâu đã được xem như một cách để giảm thương vong cho quân nhân trên chiến trường. Chuyên gia nhận định, GNOM có thể mang lại hiệu quả cho Ukraine trong hoạt động tác chiến với Nga.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm